Danh hài Tấn Beo trong một bộ phim truyền hình |
Chuyện nghề, chuyện đời được Tấn Beo kể xoay quanh vai diễn một nhà thơ chuyên đi hàn gắn những cuộc tình đổ vỡ trong vở hài kịch "Chia đôi" (tác giả Thanh Hà, đạo diễn Lâm Quang Tèo) được công chúng yêu thích.
Vai kịch mà danh hài Tấn Beo nhắc đến là Bảnh Hữu Lợi, anh từng diễn hơn 100 suất tại Sân khấu kịch Sài Gòn.
"Bảnh Hữu Lợi thích làm chuyện bao đồng, trong khi bản thân thì... ế vợ" – danh hài cười thật tươi rồi nói tiếp: "Nhân vật có một chút gì đó giống tôi ở cuộc sống đời thường".
Là con trai của cố nghệ sĩ Tấn Tài (HCV giải Thanh Tâm năm 1963) và nữ nghệ sĩ Như Ngọc (chuyên đóng vai đào lẳng nổi tiếng trên sân khấu Thủ Đô thập niên 60) nhưng Tấn Beo không theo nghiệp cải lương mà rẽ sang lãnh vực hài.
Danh hài Tấn Beo và em trai - Tấn Bo trong tiểu phẩm "Lên chùa bán nhang" |
"Hơi ca vọng cổ của tôi cũng ngon lành như cha mình nhưng thời đó tôi không chen chân vào hàng ngũ kép chánh nên chọn làm hề, chọc cười khán giả để gắn bó với nghiệp tổ" - anh thổ lộ.
Từ khi ba mẹ ly hôn, anh sống với mẹ, gánh trách nhiệm người đàn ông trụ cột trong gia đình. Thưở nhỏ, anh đã được cha cho theo gánh hát. Tuy là con bầu gánh nhưng anh phải làm đủ mọi việc, từ soát vé, gác cửa đến nhân viên hậu đài. Nhờ vậy anh có thể sống tự lập và dùng sức lao động để tạo dựng sự nghiệp.
"Có những lúc khổ cực, nhìn cả nhà thiếu ăn, tôi không cầm được nước mắt. Là con trai lớn, tôi ý thức việc tằn tiện, hạn chế những khoản chi tiêu cho bản thân, như: bỏ thuốc lá, bỏ hẹn hò nhậu nhẹt, để có tiền lo cho căn bệnh đau cột sống của mẹ. Năm 1995, tôi cưới vợ, đó là một người phụ nữ hiền thục, khiêm nhường, luôn lặng lẽ đứng sau công việc của chồng" – NS Tấn Beo tâm sự.
Danh hài Tấn Beo trên sân khấu nhỏ 5B |
Trước khi đứng ra lập nhóm hài, NS Tấn Beo đã có 10 năm sống với các đoàn cải lương ở ĐBSCL. Anh đã vào các vai từ phụ đến chánh, từng được khán giả các khen ngợi vì không làm mất uy tín cha là một danh ca.
Nói về tình hình chung của sân khấu hài hiện nay, danh hài Tấn Beo trăn trở: "Trong giới sân khấu đang có những biểu hiện phân hóa đội ngũ, người ta thích chia bè, lập nhóm để cạnh tranh nhau, mà người thiệt thòi chính là khán giả. Tôi không thích đứng về phe nào, chỉ biết vai diễn hợp với khả năng là lao vào, sáng tạo hết mình để phục vụ khán giả. Điều làm tôi thích thú khi nhớ về nhân vật Bảnh Hữu Lợi, chính là sự đồng cảm sâu sắc đối với tác giả khi chạm đến thông điệp: Muốn có một mái ấm gia đình hạnh phúc lúc nào cũng cần sự vun đắp của hai vợ chồng. Mái ấm đó sẽ bị chia đôi nếu cả hai không thẳng thắn nhìn vào thực tế, không chịu đối thoại để đi đến thống nhất những vấn đề trong hôn nhân".
Danh hài Tấn Beo và NS hài Tấn Hoàng trong vở "Chia đôi" |
Danh hài Tấn Beo kể thêm: "Vợ tôi ít nói nhưng nhiều lúc cũng nổi nóng khi thấy chồng mê nghề hơn là để ý đến gia đình. Cô ấy đã khóc thầm nhiều đêm, đến lúc hỏi ra mới chịu nói. Từ đó, tôi rút kinh nghiệm và cố gắng dung hòa vì tôi rất sợ hạnh phúc bị... chia đôi".
Suy nghĩ về câu hỏi, phải chăng anh sợ đi vào vết xe đỗ của cha mẹ nên cố gắng giữ gìn hạnh phúc gia đình? Danh hài Tấn Beo trải lòng: "Lâu nay người ta thường cho rằng nghệ sĩ hay thay chồng đổi vợ. Tôi không thích thế hệ khán giả hôm nay vẫn nghĩ chúng tôi như thế...". Anh nói tiếp: "Nếu trên sân khấu mình diễn những vai tuồng chung thủy, mà ngoài đời thường lại sống buông thả thì hạnh phúc đó là giả tạo".
Danh hài Tấn Beo và cha - cố danh ca Tấn Tài ("Hoàng đế dĩa nhựa") |
Tác giả: Thanh Hiệp
Nguồn tin: Báo Người lao động