GS.TS Nguyễn Anh Trí (Đại biểu Quốc hội Đoàn TP.Hà Nội). Ảnh: AT |
Đánh giá cán bộ bằng tiêu chí cụ thể, bằng sản phẩm
“Xây dựng đội ngũ đảng viên và cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Củng cố lòng tin, sự gắn bó của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa” là một trong những nhiệm vụ trong tâm được Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt ra.
Theo một số đại biểu, một trong những yếu tố tạo nên thành công của Đảng, của Nhà nước chính là công tác cán bộ được sàng lọc kỹ hơn, đúng hơn, trúng hơn.
Nói về việc xây dựng đội ngũ đảng viên, cán bộ đủ phẩm chất và năng lực, GS-TS Phùng Hữu Phú - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương - cho hay, để phát triển đất nước, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều cơ hội và thách thức như hiện nay, việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đặc biệt đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đáp ứng được yêu cầu là một nhiệm vụ rất lớn. Cần khẳng định lại công tác tổ chức, cán bộ phải là điểm đột phá, là “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”.
Theo ông Phú, Việt Nam muốn trở thành nước phát triển thì phải có đội ngũ cán bộ đủ năng lực, đủ tầm nhìn. Trước hết mỗi cán bộ, đảng viên cần phải đề cao trách nhiệm, phải làm hết trách nhiệm của mình trước Đảng, trước đất nước và nhân dân.
Người đứng đầu cần có sự động viên, phát huy vai trò chủ thể và sức sáng tạo vĩ đại của tập thể, khơi dậy tinh thần đoàn kết, thế mạnh của mỗi người. Ngoài ra, đối với cán bộ ở bất kỳ cấp nào, đặc biệt là cấp chiến lược thì phải mẫu mực về đạo đức, tiêu biểu về trí tuệ, năng động và sáng tạo trong hành động, và uy tín trong Đảng, uy tín với nhân dân và thậm chí là quốc tế.
Để đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ, ông Phú cho rằng cần có sự đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều. Cần đánh giá bằng tiêu chí cụ thể, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương. Gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Bên cạnh đó, cần ràng buộc trách nhiệm và kiểm soát chặt chẽ quyền lực. Xây dựng đội ngũ cán bộ luôn được dân tin, ngang tầm nhiệm vụ được giao.
Đưa ra giải pháp về việc xây dựng đội ngũ cán bộ, ông Phú cho biết, cần có sự đổi mới công tác tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và luân chuyển cán bộ. Trong đó, cần Tống nhất việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức để các địa phương, cơ quan, đơn vị lựa chọn, tuyển dụng theo yêu cầu, nhiệm vụ. Cần có sự nghiên cứu phân cấp kiểm định theo lĩnh vực đặc thù và theo vùng, khu vực. Gắn quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh và đẩy mạnh thực hiện luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị để rèn luyện qua thực tiễn ở các lĩnh vực, địa bàn khác nhau.
Ông Phú cho rằng, để xét một cán bộ, đảng viên có đủ phẩm chất, uy tín thì phải đánh giá qua nơi ở, nơi công tác. Đây phải là những người có đức, có tài, có tầm nhìn lớn. Đây chính là đội ngũ nhân sự có ảnh hưởng rất lớn tới vận mệnh, tương lai của đất nước.
Bên cạnh việc đào tạo, bồi dưỡng thì rất cần những quy định, cơ chế, chính sách ưu đãi để phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài có trọng tâm, trọng điểm, nhất là các ngành, lĩnh vực mũi nhọn phục vụ cho phát triển nhanh, bền vững. Xây dựng chiến lược quốc gia về thu hút và trọng dụng nhân tài theo hướng không phân biệt đảng viên hay người ngoài Ðảng, người Việt Nam ở trong nước hay ở nước ngoài.
Đề cao vai trò giám sát của nhân dân với cán bộ
Cùng nói về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Anh Trí (ĐBQH TP.Hà Nội) cho biết, khi công tác cán bộ được sàng lọc kỹ hơn, đúng hơn, trúng hơn sẽ tạo nên thành công của Đảng, của Nhà nước. Trong thời gian vừa qua, tất cả các khâu và các quy trình của công tác cán bộ đều được đổi mới. Nhiều nghị quyết, quy định, quy chế được ban hành nhằm chấn chỉnh những bất cập cũng như đổi mới mạnh mẽ các khâu trong công tác cán bộ. Trong đó, việc đánh giá cán bộ, đảng viên có thể được tiến hành hàng tháng với những nhóm tiêu chí rất cụ thể. Đánh giá cán bộ ở đây được thực hiện trên nguyên tắc cấp nào trực tiếp lãnh đạo, giao việc thì cấp đó trực tiếp nhận xét, đánh giá. Có thể áp dụng hình thức chấm điểm cho từng cán bộ và đảng viên, đảm bảo quy định chặt chẽ, khách quan, khoa học.
Không những vậy, ông Trí cho rằng, cần phải có cơ chế thật sự đề cao trách nhiệm của người giới thiệu cán bộ. Bởi trong thực tế đã có không ít những hệ lụy khi có không ít cán bộ mắc sai phạm nhưng trách nhiệm của người giới thiệu còn chưa thực sự rõ ràng.
Ngoài ra, cần đề cao vai trò giám sát của nhân dân trong công tác cán bộ. Khi đã hợp lòng dân thì sẽ được người dân ủng hộ, đồng lòng, khó khăn nào cũng có thể vượt qua, đất nước sẽ ngày càng phát triển.
Theo ông trí, người dân có thể biết mọi thứ, việc gì khó cứ hỏi dân là biết. Chính vì vậy, công tác cán bộ cần phải thực sự dân chủ, công khai, minh bạch, công bằng mới có thể chọn được những cán bộ trung thực, gương mẫu, chân thành, trong sáng. Bên cạnh tuyển chọn, việc cơ cấu, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành theo vị trí việc làm, khung năng lực cũng cần được triển khai. Điều này bảo đảm đúng người, đúng việc, giảm số lượng, nâng cao chất lượng, hợp lý về cơ cấu.
Cơ quan sử dụng cán bộ phải quản lý cán bộ chặt chẽ, hiệu quả. Người đứng đầu chịu trách nhiệm chính về quản lý cán bộ theo phân cấp.
Tác giả: PHẠM ĐÔNG
Nguồn tin: Báo Lao động