Trong nước

Đắng lòng mẹ già 92 tuổi lo “không có quan tài” cho con gái tâm thần

Người mẹ già 92 tuổi lưng đã còng, mắt nhòe và tai không còn nghe rõ nuôi con gái mắc chứng tâm thần hơn 30 năm. Tài sản trong nhà cụ là duy nhất cỗ quan tài. Giờ đây những năm tháng cuối đời, cụ chỉ lo mình chết trước thì con không có quan tài.

Đó là tình cảnh đáng thương của hai mẹ con cụ Dương Thị Tùng, tên thường gọi là cụ Lan (92 tuổi) ở xã Hòa Hải, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.

Cô con gái con mỗi năm ngồi xổm bó gối 6-7 tháng

Ở cái tuổi gần đất xa trời nhưng chưa một lần cụ Lan yên tâm vì nỗi lo cho cô con gái “có lớn mà không có khôn”. Chị Đặng Thị Thảo – con gái cụ Lan năm nay đã 55 tuổi bị bệnh tâm thần, một năm thường ngồi xếp gối một chỗ 6-7 tháng và chỉ khỏe mạnh vài tháng còn lại.

Trên khuôn mặt đã nhăn nhúm vết chân chim, người mẹ già một đời khắc khổ tâm sự: “Tui giờ chỉ mong sống được thêm ngày nào hay ngày đó để lọ mọ nấu cho hấn (hắn) bữa cơm. Chơ hấn cứ ngồi một nơi, ngồi quanh năm suốt tháng rứa thì biết mần chi được nựa (nữa)”.

Theo lời người làng, thuở 18 đôi mươi, chị Thảo từng là một cô gái xinh đẹp, chăm làm và có nhiều người đến dạm hỏi. Chị Thảo cũng có người yêu, hai bên gia đình đã ưng, chỉ chờ ngày đến ăn hỏi. Tuy nhiên, sau một lần đi tăng gia sản xuất ở dọc triền sông Ngàn Sâu, chị Thảo bị đổ bệnh sinh ra trái tính. Từ ấy, cuộc đời chị rẽ vào ngõ cụt.

Tính đến nay, chị Thảo đã mắc bệnh tâm thần hơn 30 năm. Những khi trái gió trở trời, bệnh của chị càng nặng hơn. Do ngồi xếp gối một nơi nên từ ăn uống đến đi vệ sinh chị cũng “tiện một chỗ”. Có những lúc, cơm chị không ăn mà lại đem đi đổ cho gà, chó.

Nhìn cảnh con ngồi xổm giữa đàn gà nhốn nháo, người mẹ già chống gậy tre không vững nước mắt trào ra trong bất lực. Lúc này, nếu không cẩn thận chỉ cần con gái vung tay đuổi mẹ trúng phải là cụ lại ngã quýnh. Rồi, cụ mà nằm một chỗ thì biết cậy ai nhờ ai lo cho đứa con kém may mắn.


Hai mẹ con cụ Lan - Ảnh: Hữu Lan

Khi tiếp xúc, có thể nhiều người sẽ giật mình vì đầu chị Thảo không còn sợi tóc nào. Tuy nhiên, với người làng đây là điều bình thường vì hàng chục năm ngồi xếp gối một chỗ chị Thảo đã tự vặt hết tóc mình. Do đó, bây giờ đầu chị mới nhẵn thín như sư. Chị Sửu, hàng xóm cụ Lan kể rằng: “Lúc O Thảo tỉnh táo nhà tui có hỏi răng lại vặt tóc sạch rứa, thì O nói là ngứa, ngứa nỏ chịu được nên vặt”.

Chuyện nói không ai tin, nhưng từ khi chị Thị Sửu về làm dâu tại xã Hòa Hải đã chứng kiến chị Thảo ngồi bó gối liền tù tì hàng chục năm. “O Thảo cứ ngồi bó gối một chỗ rứa hàng chục năm liền. Người ta bảo nhau là ngồi cho đầu gối xếp ngang tai vậy mà có ngày O dậy được. Bỗng dưng có một ngày O mang chậu ra giếng tắm rửa, giặt đồ khiến ai cũng mừng. Mấy năm gần đây, O Thảo chỉ khỏe như rứa được khoảng 1-2 tháng”.

Thấy con dậy được, đi cuốc cỏ rau, lên đồi đào đất để mẹ trỉa ngô cụ Lan cũng mừng đáo để. Tuy nhiên, một vài tháng sau chuyện đâu lại vào đấy, chị Thảo lại ngồi xếp gối một chỗ và suốt ngày nói lảm nhảm. Hết khóc cha, khóc mẹ rồi đến chửi hàng xóm.

Nhiều đêm, làng xóm nghe tiếng khóc than cha, gọi mẹ của chợt bàng hoàng tỉnh giấc vì tưởng có người chết. Người lọ mọ bật đèn, người chạy ra ngõ giục gọi hàng xóm rồi mới ngỡ ra là tiếng từ nhà cụ Lan. Ban đầu nhiều người thấy phiền toái nhưng lâu dần thành quen. Ai cũng rơm rớm nước mắt thương cảnh mẹ già tóc bạc phải lo cho con gái bệnh tật. Thi thoảng, nhà ai có đám, có người đi xa về chơi lại mang ít đồ của nhà có được sang biếu cụ gọi là.

Nỗi lo "nằm xuống" không có quan tài cho con

Gia sản của hai mẹ cụ Lan là một căn nhà cấp 4 cũ. Tuy nhiên, chị Thảo nhất định đòi “ở riêng” mặc cho mẹ già ngăn cản, khóc xin. Những lúc tỉnh táo chị đi nhặt tranh, thanh củi về vây bốn góc để ở. Dù mưa gió hay nắng hạn chị cứ ngồi xếp gối trong lều của mình.

Thôi thì trời không chị đất thì đất phải chịu trời, cụ Lan lại lọ mọ nhờ người làng kiếm ít thanh gỗ, kẹp ít mái tranh dựng cho chị Thảo một mái “nhà” ở tạm. Nhà của chị Thảo bốn phía được che chắn bằng mái tranh, trong nhà có một chiếc giường được ghép từ những tấm gỗ cũ xin trong làng. Nền nhà đất lổm nhổm những ổ gà, ổ chó xen lẫn những cây cỏ dại.

Tuy có giường nhưng theo cụ Lan, chị Thảo chẳng mấy khi chịu nằm trừ khi tỉnh táo. Những ngày tháng còn lại, chị kéo chăn xuống nền nhà đất để ngồi. Bệnh của chị cũng chuyển biến theo mùa nắng mưa. Vào mùa nắng, gần như chị chỉ ngồi một chỗ và nói thuyên thuyên cả ngày lẫn đêm.

Ngày nắng, đất Hương Khê là nơi đỉnh điểm nóng của tỉnh Hà Tĩnh. Có lẽ, do đó bệnh tình của chị Thảo nặng hơn. Chị gào khóc và chửi bới liên tục khiến không ai dám tới gần vì đôi mắt lăm le sòng sọc. Còn về mùa lạnh, chị có thể dậy đi lại được và làm việc lặt vặt giúp mẹ.


Chị Thảo và "ngôi nhà" của mình - Ảnh: Hữu Lan

Phải nói khổ nhất là những ngày lũ vì nhà cụ Lan gần bờ sông. Đợt lũ lịch sử tháng 10 vừa rồi, nước vào ngập nhà cụ trong tích tắc. Lúc này, hai mẹ con cụ Lan phải ngồi trên bè. Thế nhưng, chị Thảo không chịu lên bè buộc phải gọi người làng đến lôi lên kỳ được. Giữa lúc nước ngập ngang trời, con gái vùng vằng giữa dòng lũ, có lẽ không có ngôn từ nào diễn tả hết nỗi đau người mẹ.

Với cụ Lan, dù hoàn cảnh có khó khăn thế nào, cụ cũng chắt chiu mua ít thịt về cho con gái ăn với cơm. Thi thoảng, có nhà hảo tâm cho ít tiền cụ để dành mua cho chị Thảo ít quần áo. Tuy thương con đứt ruột gan nhưng người làm mẹ không thể làm được gì thêm. Chỉ biết chăm được cho con thêm ngày nào thì mừng ngày đó vì không biết lúc nào mình sẽ ngã xuống.

Nói về hoàn cảnh gia đình cụ Lan, anh Đặng Hồng Sơn, một giáo viên tiểu học ở xã Hòa Hải cho biết: “Người ta khổ rứa khổ nữa thì cũng có đứa con, đứa cháu để cậy nhờ. Riêng trường hợp cụ Lan, O Thảo phía trước tương lai một màu xám. Thi thoảng tôi cũng có vận động được các nhà hảo tâm biếu cụ thùng mỳ tôm, chai dầu ăn, gói mỳ chính. Xóm giềng ở đây, ai cũng nghèo, cũng vất vả nên không giúp đỡ được cụ bao nhiêu. Giờ hai mẹ con cụ chỉ biết nhờ vào sự giúp đỡ của xã hội, cộng đồng”.

Về phần cụ Lan, khi phóng viên hỏi, cụ tâm sự chua xót rằng: “Giờ chăn có một cấy (cái) cho hấn rồi, chiếu, áo quần sau đợt lũ người ta cũng cho nhiều rồi. Tui lo nếu hấn (hắn) chết sau mẹ là không có cấy quan tài cho hấn. Nhà chỉ được có một cấy quan tài tui đang gác ở góc nhà thôi”.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đình Quang, Chủ tịch UBND xã Hòa Hải cho biết: "Trường hợp gia đình cụ Lan là hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn xã. Mặt khác, do xã Hòa Hải là rốn lũ của huyện Hương Khê trong khi gia đình cụ Lan lại ở gần sông nên lúc mưa lũ về khổ không thể nào nói hết. Tuy lãnh đạo xã đã nhiều lần huy động, kêu gọi mọi người ủng hộ giúp đỡ hai mẹ con cụ Lan nhưng cũng chỉ được phần nào nên sự chung tay của cộng đồng lúc này có ý nghĩa vô cùng lớn".

Tác giả bài viết: Hữu Lan
Nguồn tin: Báo Công Lý

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP