(Ảnh minh họa: NYTimes)
Mặc dù lãnh thổ trải dài qua nhiều kinh tuyến nhưng Trung Quốc hiện chỉ dùng một múi giờ duy nhất là múi giờ Bắc Kinh (GMT+8). Đó là lý do tại sao khi mặt trời mọc ở Tử Cấm Thành, thì cách đó hơn 3.000km, ở Urumqi (khu vực tự trị Tân Cương), các vì sao trên trời vẫn còn lấp lánh.
Tình trạng lệch đồng hồ sinh học này có thể dẫn đến đau đầu, mất ngủ. “Rất khó để điều chỉnh. Tôi thường nghĩ rằng chúng tôi có lẽ là những người duy nhất ăn tối vào nửa đêm”, Gao Li, một công nhân môi trường ở Urumqi cho biết.
Trường học, sân bay, ga tàu cũng hoạt động với giờ giấc hết sức oái oăm. Các kỳ thi quốc gia thi thoảng thậm chí diễn ra khi trời đã tối mịt, nhiều nhà hàng vẫn mở cửa phục vụ bữa tối dù đêm đã xuống.
Ở Tân Cương, các nhóm dân cư đã sử dụng những giờ giấc khác nhau. Trong khi người Duy Ngô Nhĩ có xu hướng điều chỉnh đồng hồ sớm hơn 2 tiếng, thì nhóm khác lại sử dụng múi giờ Bắc Kinh phổ biến. Điều này gây cản trở, mệt mỏi và bực dọc đặc biệt với giới trẻ ở đây khi họ tham gia các hoạt động chung.
Jin Xiaolong, một giáo viên thể dục 28 tuổi, chia sẻ rằng lịch làm việc của anh với những người đồng nghiệp Duy Ngô Nhĩ thực sự là một thách thức.
“Tôi thường tới sớm, và luôn trong tình trạng một mình. Khi đi ăn ở một nhà hàng nào đó, tôi lại phải chờ đợi thêm, và rốt cuộc là tôi phải bắt đầu tự rèn luyện tính kiên nhẫn”, Jin nói.
Năm 1912, Trung Quốc vốn có nhiều múi giờ khác nhau, trải dài từ múi giờ GMT+5:30 đến GMT+8:30. Nhưng đến năm 1949, Chủ tịch Trung Quốc lúc bấy giờ là Mao Trạch Đông quyết định sử dụng một múi giờ duy nhất với hy vọng thống nhất đất nước.
Tác giả bài viết: Minh Phương