Thế giới

Dân Philippines xuống đường đòi tổng thống Duterte giữ lời hứa

Hơn chục ngàn công nhân và các nhà hoạt động đã tuần hành đến Phủ Tổng thống Philippines trong Ngày Quốc tế Lao động yêu cầu chính phủ phải giải quyết các vấn đề liên quan chính sách lao động.

Người dân Philippines tham gia tuần hành yêu cầu Chính phủ sửa đổi chính sách lao động tại thủ đô Manila, ngày 1-5 - Ảnh: REUTERS

Cảnh sát ước tính có tới 10.000 người thuộc các nhóm khác nhau đã tham gia tuần hành gần Phủ Tổng thống Philippines (tên gọi chính thức là Malacanang) để phản đối việc Tổng thống Rodrigo Duterte không thực hiện đầy đủ cam kết chính mà ông đưa ra trong chiến dịch tranh cử trước đây nhằm loại bỏ các hợp đồng lao động ngắn hạn.

Đoàn tuần hành cũng đề nghị chính phủ giải quyết các vấn đề khác như lương thấp, thất nghiệp và quyền lợi công đoàn.

Trước hoạt động trên, khoảng 8.000 cảnh sát và binh sĩ đã được điều động để đảm bảo an ninh. Hiện chưa có thông báo về tình trạng bạo lực trong tuần hành.

Cuộc tuần hành ngày 1-5 qui tụ đến cả chục ngàn người - Ảnh: REUTERS

Trong khi đó, ông Harry Roque - người phát ngôn của Tổng thống Duterte cho biết ông Duterte đang tổ chức nhiều cuộc gặp với các nhóm người lao động nhằm giải quyết vấn đề trên, đồng thời để ngỏ khả năng ký kết một sắc lệnh nhằm yêu cầu chấm dứt tình trạng thuê lao động theo hợp đồng ngắn hạn.

Việc cam kết hành động chống những chủ lao động thuê công nhân làm việc ngắn hạn mà không trả đủ các khoản trợ cấp đã góp phần giúp ông Duterte giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Philippines hồi tháng 5-2016.

Thậm chí một thời gian ngắn sau khi lên nắm quyền, ông Duterte đã cảnh báo sẽ đóng cửa bất kỳ công ty nào không dừng việc thuê lao động ngắn hạn.

Tuy nhiên, các nghiệp đoàn thương mại khẳng định thực trạng trên vẫn tiếp diễn, đặc biệt tại các trung tâm thương mại và trong ngành đồ ăn nhanh, nơi các doanh nghiệp liên tục thuê nhân viên với hợp đồng ngắn hạn, nhằm tránh việc phải đáp ứng đầy đủ mọi quyền lợi cho người lao động.

Đoàn người tuần hành tỏ ra tức giận cáo buộc Tổng thống Duterte là "Vua nói dối" - Ảnh: REUTERS

Trong thời gian gần đây, không chỉ gặp chỉ số lạm phát tăng cao, kinh tế Philippines còn bị ảnh hưởng từ những sự cố liên quan đến người lao động ở nước ngoài.

Trong các sự vụ này, cách xử lý của ông Duterte khá cứng rắn là yêu cầu ngừng xuất khẩu lao động và rút lao động khỏi Kuwait trong khi đó là nguồn thu cho không ít gia đình người dân nước ngày.

Hôm 29-4, Tổng thống Duterte đã tuyên bố lệnh cấm xuất khẩu lao động từ Philippines sang Kuwait đã chuyển từ "tạm thời" sang "dài hạn" sau khi cuộc khủng hoảng ngoại giao với quốc gia vùng Vịnh này chưa giải quyết ổn thỏa.

Phát biểu trước báo giới tại thành phố Davao, nhà lãnh đạo Philippines cho biết lệnh cấm xuất khẩu lao động sang Kuwait, sau khi được ban hành tạm thời hồi tháng 2-2018, đã chuyển sang dài hạn. Ông khẳng định sẽ không còn bất cứ hình thức tuyển dụng người giúp việc gia đình.

Theo thống kê của Bộ Ngoại giao Philippines, hiện có khoảng 220.000 công dân nước này làm việc tại Kuwait và gần 60% trong số đó làm giúp việc gia đình.

Kinh tế Philippines đang gặp khó khăn với tỉ lệ lạm phát trong tháng 3-2018 lên 4,3% - Ảnh: REUTERS

Vào tháng 2-2018, Philippines đã ban hành lệnh cấm tạm thời xuất khẩu lao động sang Kuwait sau vụ giết hại một nữ giúp việc Philippines, 29 tuổi và thi thể cô này được tìm thấy trong tình trạng đông cứng trong tủ lạnh.

Chính quyền của ông Duterte sau đó đã có những phản ứng mạnh mẽ với thông điệp bảo vệ người dân đang làm việc ở nước ngoài.

Thậm chí đã có việc nhân viên Đại sứ quán Philippines tổ chức giúp lao động nước này tại Kuwait trốn khỏi giới chủ được cho là lạm dụng.

Vụ việc bị công bố trên mạng khiến chính quyền Kuwait cảm thấy bị "xâm phạm chủ quyền" và tiến hành bắt giữ một số người Philippines dính líu vào 2 vụ giải cứu người khỏi nhà chủ.

Giới chức Philippines đã phải xin lỗi về hình ảnh nói trên, nhưng phía Kuwait vẫn thông báo trục xuất Đại sứ Philippines và triệu hồi đại sứ nước này từ Manila.

Theo số liệu thống kê của Chính phủ Philippines, hiện có khoảng 10 triệu người đi xuất khẩu lao động nhằm kiếm được việc làm có thu nhập cao, và lượng kiều hối từ những người Philippines đi xuất khẩu lao động là một nguồn thu chính của quốc gia Đông Nam Á này.

Tác giả: TƯỜNG NGUYỄN

Nguồn tin: tuoitre.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP