|
Xóa sổ cả một vựa tôm
Gần nửa tháng nay, 4 người trong gia đình bà Nguyễn Thị Thu Hường (55 tuổi, xã Vạn Thắng, Vạn Ninh) phải sống trong trong căn chòi tạm. Cơn bão số 12 đã phá sập hoàn toàn ngôi nhà ngói, biến nó thành một bãi đất trống. Không những thế, chiếc thuyền đánh cá mà gia đình bỏ ra 500 triệu đồng mua lại hồi năm ngoái cũng bị đánh chìm ở ngoài bãi Lau. Mấy ngày nay, chồng và 2 người con trai của bà đang ở ngoài đó kéo thuyền lên, sửa chữa để có thể tiếp tục bám biển.
“Nhà sập ở chòi tạm cũng được. Nhưng thuyền hỏng lấy gì làm ăn. Tính sơ sơ tiền sửa chữa cũng mất gần 200 triệu đồng, mà giờ kiếm đâu tiền đâu mà sửa chữa. Trước đó, khi mua chúng tôi phải vay 150 triệu đồng, còn chưa kịp trả. Giờ đổ nát thế này, ai còn cho mình vay mượn nữa”, bà Hường thổ lộ.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Khánh Hòa, toàn tỉnh có 5.070 khách hàng vay vốn bị thiệt hại, dư nợ vay hơn 1.192 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay ngân hàng thiệt hại ước tính khoảng 589 tỷ đồng. Riêng, Ngân hàng NN&PTNT chiếm hơn 82% vốn vay bị thiệt hại, với con số báo cáo là 486 tỷ đồng. |
Còn ông Trần Văn Thiên, (tổ 8, TT Vạn Giã) vẫn chưa hết bàng hoàng sau cơn bão. Ở cái tuổi 63, ông được xem là người có nhiều kinh nghiệm trong nghề, chống chọi với thiên tai, dịch bệnh trong vùng. Thế nhưng, chỉ trong 1 ngày, cơn bão đã lấy đi của ông quá nhiều thứ. 185 ô với 11.000 con tôm hùm sắp tới mùa thu hoạch, giá trị tới 11 tỉ đồng trôi xuống biển hết.
Ông Thiên nhớ lại, đêm trước khi bão vào, do cứ nghĩ vịnh Vân Phong kín gió nên 11 người trong gia đình vẫn ở lại trên lồng bè để giữ, dù đã được chính quyền vận động không được ra biển vì có thể nguy hiểm. Tuy nhiên, đến 5h sáng (ngày 4/11), gió bão quật mạnh với sóng cao đã đánh tan lồng bè của ông. Lúc này, ông Thiên mới bảo mọi người nhảy xuống biển ôm thùng phuy bơi vào bờ.
“Đứa con trai út không chịu nhảy mà vẫn cố bám trụ vào bè. Nó bảo ba cứ bơi vào đi, con ở lại, tôm chết thì con chết theo luôn. Tôi nói bão thế này giờ mất hết rồi con ơi và mọi người phải cưỡng chế nó mới chịu nhảy khỏi bè để bơi vào bờ”, ông Thiên buồn bã kể.
Tôm hùm là đặc sản có giá trị kinh tế cao của vùng đất Vạn Ninh, giúp xóa đói, giảm nghèo cho hàng trăm hộ dân nơi đây. Thế nhưng, sau cơn bão, chính nó cũng khiến họ lâm vào cảnh nợ nần. Theo thống kê từ huyện Vạn Ninh, cơn bão số 12 đã gây thiệt hại 12.400 lồng nuôi tôm hùm, trên 350ha nuôi thủy sản cùng hàng trăm tàu cá của ngư dân. Thiệt hại ước tính gần 4.000 tỷ đồng.
“Với số lượng lồng bè thiệt hại như trên, vựa tôm hùm Vạn Ninh gần như bị xóa sổ. Rất khó để phục hồi trong thời gian tới”, ông Võ Hoàn Hải, Bí thư Huyện ủy Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa ngậm ngùi.
Gắng gượng sau bão
Không thể buông xuôi, người dân Vạn Ninh đang cố gắng gượng đứng dậy sau bão. Dọc theo vùng bờ biển huyện Vạn Ninh vào những ngày này là cảnh tấp nập người đan lưới, đóng lồng, tiếng đục, tiếng gõ vá tàu..., cố vá víu, tận dụng những gì còn dùng được để tiếp tục sản xuất, lấy kế sinh nhai.
“Gom được gì thì mình lấy cái đó, cố gắng tận dụng lại mọi thứ chứ lấy tiền đâu mà đóng mới. Hiện tại đi gom đồ cũng phải thuê tàu với giá 1,5 triệu đồng/chuyến. Với tình hình hiện nay, chắc nhà tôi phải mất khoảng 1 tháng nữa mới có thể đóng lại được lồng bè mới”, anh Nguyễn Minh Tân (xã Vạn Thắng) cho biết.
Trong khi đó, theo UBND huyện Vạn Ninh, hiện nay địa phương mới có chính sách hỗ trợ gia đình có người bị chết, mất tích, nhà bị sập… do thiên tai gây ra thực hiện theo quy định tại Nghị định số 136 của Chính phủ chứ chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể cho những ngư dân bị thiệt hại cho bão. Theo đó, nhà sập hoàn toàn được hỗ trợ 20 triệu đồng, nhà hư hỏng nặng thì không quá 15 triệu đồng.
Còn theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa, cơn bão vừa qua đã đánh chìm, làm hư hỏng hơn 1.200 chiếc thuyền, chủ yếu tàu dưới 90CV, ước tính thiệt hại khoảng 70 tỷ đồng. Địa phương đang đề xuất hỗ trợ đóng 100 chiếc tàu khai thác đánh bắt xa bờ cho đội ngũ ngư dân khai thác ven bờ. Những người không ra khơi sẽ tạo điều kiện đào tạo nghề, cho vay vốn chuyển đổi nghề. Mục đích làm giảm áp lực khai thác ven bờ, tái cơ cấu lại ngành thủy sản địa phương. Còn với những thiệt hại về nuôi trồng, tỉnh hiện mới thống kế, đề xuất hỗ trợ chứ chưa có chính sách cụ thể.
Về việc giãn nợ, xóa nợ, hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại trong cơn bão vừa qua, trong cuộc họp mới đây với UBND tỉnh Khánh Hòa, ông Trần Văn Tần, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định: Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét phương án sản xuất kinh doanh của các đối tượng để tiếp tục cho vay. Không vì lý do đối tượng còn nợ mà gây khó khăn cho việc vay mới.
“Phải cơ cấu lại nợ, cho người dân vay để sản xuất kinh doanh, giữ nguyên nhóm nợ”, ông Tần cho biết.
Tác giả: Quốc Nhựt
Nguồn tin: Báo Giao thông