Kinh tế

Dân hoang mang, người sản xuất tù mù về chất Asen trong nước mắm

Ngay sau khi Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) và Liên Hiệp hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam công bố kết quả khảo sát101/150 mẫu nước mắm có hàm lượng Asen (thạch tín) vượt ngưỡng cho phép, nhiều người tiêu dùng và doanh nghiệp cảm thấy lo lắng về sản phẩm mình sản xuất, sử dụng. Thị trường nước mắm cung có những xáo trộn nhất định.

Nước mắm là thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn của các gia đình. Tuy nhiên, từ khi có thông tin trong nước mắm có chất Arsen đã gây nên nỗi lo lắng, mà đáng ngại hơn là một mối ngờ vực về độ tin cậy, chất lượng của sản phẩm mình tiêu dùng của các bà nội trợ. Tại các quày bán hàng, nhiều khách hàng tỏ ra đắn đo và do dự khi phải chọn mua loại thực phẩm trong bối cảnh này.

Bà Nguyễn Thị Lan - Phường Quang Trung - Thành phố Vinh lo lắng: Người dân đi mua hàng thường gửi gắm niềm tin vào hàng hóa được bày bán trên siêu thị. Giờ nghe thông tin này, bàn thân tôi thấy hoang mang và e ngại sử dụng loại gia vị của nhãn hàng mà mình đã từng tin tưởng.


Trong khi người tiêu dùng hoang mang về chất asen trong nước mắm...

Làng nghề nước mắm Phú Lợi là làng nghề truyền thống đã thành lập từ năm 1958 và được công nhận làng nghề vào năm 2005. Mỗi năm làng nghề nước mắm Phú Lợi cung cấp cho thị trường khoảng gần 2,1 triệu lít với tổng thu nhập trên 17 tỷ đồng. Mặc dù là chủ của một cơ sở sản xuất nước mắm bao đời naygắn bó với nghề, nhưng bản thôn ông Hoàng Đức Cương vẫn bất ngờ và lạ lẫm với cái gọi là Arsen hay thạch tín. Ông Hoàng Đức Cương - Chủ cơ sở sản xuất nước mắm Cương Ngần nói: Gia đình tôi sản xuất theo phương pháp cổ truyền, chỉ có muối và cá, không dùng hóa chất. Tôi giờ mới nghe nói đến chất Arsen cũng không biết là chất chi cả. Không biết nó có ở trong nước biển hay không...

...thì người sản xuất lại không có kiến thức về chất này, và nó ở đâu ra...

Trước sự hoang mang của người tiêu dùng, cả mối lo lắng của các chủ sản xuất, kinh doanh nước mắm truyền thống, sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ, Ban chỉ đạo 389 mà lực lượng chủ yếu là Chi cục quản lý thị trường tỉnh đã phối hợp với các sở ngành liên quan như: Sở NN&PTNT, Sở Khoa học & công nghệ tổ chức các đoàn đi kiểm tra và lấy mẫu tại các tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh nước mắm trên địa bàn tỉnh. Bước đầu 2 đoàn đã đi kiểm tra tại các địa bàn trọng điểm như: Quỳnh Lưu, Hoàng Mai, Diễn Châu, Cửa Lò, Nghi Lộc và Thành phố Vinh. Tuy nhiên, công tác kiểm tra này lại gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Thắng- Phó chi cục trưởng- Chi cục Quản lý thị trường Nghệ An cho biết: Cả nước mới chỉ có 3 đơn vị được chỉ định kiểm nghiệm nước mắm, Trong nước mắm, để phân tích được các chỉ tiêu vi sinh vượt ngưỡng phải cần thời gian dài. Kinh phí để kiểm nghiệm một mẫu nước mắm bình quân phải từ 4-5 triệu đồng, lại phải đưa đến các tỉnh khác để kiểm nghiệm trong quá trình dài ngày, điều đó sẽ ảnh hưởng đến quá trình sản xuất kinh doanh của DN.

Trước đó, theo kết quả của đợt khảo sát 150 mẫu nước mắm tại 19 tỉnh thành và 1 mẫu của Thái Lan cho thấy có 125/150 mẫu khảo sát đều có ít nhất 1 tiêu chuẩn trong 5 chỉ tiêu của nhóm hoá học được khảo sát không đạt so với tiêu chuẩn hoặc so với công bố trên nhãn hàng hoá. Đặc biệt, có khoảng 67% mẫu không đạt chỉ tiêu arsen tổng theo quy định của Bộ Y tế. Tuy nhiên, khi thử nghiệm 20 mẫu trong số các mẫu khảo sát có Arsen tổng vượt ngưỡng quy định thì đều không phát hiện Arsen vô cơ (với giới hạn phát hiện là 0,01mg/L), đây là loại Arsen gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng.


Thông tin 101/150 mẫu nước mắm có hàm lượng Asen (thạch tín) vượt ngưỡng cho phép cần phải được đánh giá một cách khách quan, kỹ lưỡng

PGS.TS Nguyễn Hoa Du - Trưởng khoa Hóa - Trường Đại học Vinh: Cần lưu ý, trong các xét nghiệm, các nhà khoa học sẽ phân biệt asen vô cơ và asen hữu cơ, Có nhiều hợp chất asen hữu cơ thì sẽ ít độc. Đối với nước mắm thì cũng phải nghiên cứu và phân biệt rõ ràng thành phần này. Đối với tôi, nước mắm cho asen vô cơ thì người tiêu dùng không phải lo lắng, còn asen hữu cơ cần phải đánh giá thêm.

Người tiêu dùng thì hoang mang, nhà sản xuất thì không có nhiều kiến thức về chất chứa trong sản phẩm của mình. Trong khi đó, đến nay, vẫn chưa thể kết luận Arsen hữu cơ hoàn toàn không độc hại. Việc công bố danh sách 88 sản phẩm nước mắm có hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng cho phép cũng không thuộc trách nhiệm của đơn vị khảo sát. Vậy để có kết luận chính thức các mẫu kiểm tra đảm bảo an toàn cho người sử dụng hay không rất cần sự vào cuộc sớm của các cơ quan chức năng, các nhà khoa học, để không chỉ người tiêu dùng tự tin lựa chọn sản phẩm mà nhà sản xuất cũng không hoài nghi về chất lượng nước mắm mình cung cấp ra thị trường.

Tác giả bài viết: Bùi Thọ - Phạm Gái

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP