Kinh tế

Dân buôn online "khôn lỏi", khó mà thu thuế triệt để

Việc thu thuế bán hàng trên mạng khó mà đạt hiệu quả cao bởi giới kinh doanh online luôn tìm nhiều cách để lách luật và né thuế.

Vô vàn “chiêu” né thuế

Mới đây, vụ né thuế “khủng” của một cá nhân tại TPHCM đã gây “chấn động” trong dư luận. Theo đó, Cục Thuế TPHCM đã truy thu thuế bán hàng trên mạng của người phụ nữ tên D. với số tiền lên tới 9,1 tỷ đồng.

Bà D. là người sáng lập và điều hành một thương hiệu mỹ phẩm, chuyên bán kem làm trắng da, trị nám, giảm cân trên mạng xã hội.

Tài khoản cá nhân của bà D. bị truy thu thuế có đến hơn 56.000 lượt theo dõi, thường xuyên livestream tư vấn cách chăm sóc da, sử dụng sản phẩm. Mỗi đoạn video được phát có đến hơn 20.000 - 30.000 lượt người xem. Không những bán trực tiếp, bà D. còn bỏ sỉ cho hàng trăm đại lý trong và ngoài nước.

Cách “né” thuế của người phụ nữ này là chuyển đổi mô hình từ doanh nghiệp sang hộ kinh doanh cá thể và thay đổi địa chỉ hoạt động. Tuy nhiên, số tiền hơn 439 tỷ đồng chuyển vào tài khoản cá nhân của bà D. cộng với nhiều thông tin khác đã “tố cáo” bà.

Theo quy định, những cá nhân buôn bán trên mạng internet có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm phải nộp thuế thu nhập cá nhân 0,5%, thuế giá trị gia tăng 1%. Thế nhưng, việc xác định được doanh thu của người bán hàng quả là một công việc hết sức gian nan.

Người bán hàng trên mạng có rất nhiều “chiêu” né thuế.

Một cửa hàng kinh doanh đồ thể thao trên mạng và trưng bày ngoài thực tế.

TP HCM có hàng chục ngàn tài khoản bán hàng trên mạng.

Người bán hàng trên mạng luôn tìm mọi cách để khiến các cơ quan chức năng khó xác định doanh thu của họ, nhất là đối với những người bán hàng qua facebook, zalo, viber hay instagram.

Chị Thu, một người bán mỹ phẩm tại quận Phú Nhuận, TPHCM cho biết, chị buôn bán chủ yếu trên facebook với nhiều fanpage khác nhau. Khi có khách đặt hàng thì chị sẽ cho shipper (người giao hàng) mang đến tận nơi và thanh toán tiền mặt tại chỗ. Do vậy, doanh thu mỗi năm chỉ có chị Thu là người nắm rõ nhất.

“Một năm thì doanh thu cũng được vài trăm triệu đồng nhưng mình chưa phải nộp đồng thuế nào cả. Nhiều điểm bán mỹ phẩm còn có doanh thu lớn gấp hàng chục lần của mình nhưng họ có đóng thuế đâu”, chị Thu nói.

Anh Nguyễn Hùng, chuyên kinh doanh đồ thể thao trên mạng tại quận Tân Bình, TPHCM chia sẻ, ngoài việc “lách luật” bằng cách giao hàng tận nơi và thu tiền trực tiếp thì người bán hàng qua mạng cũng thu tiền của khách thông qua hình thức chuyển khoản.

Dựa vào những giao dịch qua ngân hàng, cán bộ ngành thuế sẽ phần nào xác định được doanh thu của người bán hàng.

Tuy nhiên, theo anh Hùng thì người bán hàng có thể không đứng ra làm chủ tài khoản nhận tiền mà sẽ giao cho một người thân nào đó làm chủ tài khoản giao dịch để nhận tiền giúp.

Như vậy, người bán và người nhận tiền hoàn toàn khác nhau khiến ngành thuế khó xác định được doanh thu thật của họ.

Ngoài ra, các địa chỉ mà người bán hàng công khai trên mạng cũng thường là không có thật. Điều này gây khó khăn khá lớn cho các cán bộ ngành thuế khi xác định danh tính người bán hàng.

Chỉ bắt được “cá lớn”

Lãnh đạo một Chi cục Thuế tại TPHCM nhận định, việc thu thuế người bán hàng trên mạng đang gặp nhiều khó khăn bởi người bán đang tung ra nhiều “chiêu” để đối phó.

Đối với những người bán hàng trên mạng và sử dụng tiền mặt để giao dịch thì ngành thuế hầu như không thể làm được gì. Chỉ có hình thức bán hàng trên mạng, giao dịch qua ngân hàng mới có cơ sở để truy thu thuế.

Để xác định được doanh thu của người bán hàng qua mạng thì ngành thuế phải phối hợp với ngân hàng để kiểm tra các giao dịch “bất thường”, số tiền giao dịch lớn.

Sau đó, lực lượng chức năng sẽ yêu cầu giải trình giao dịch. Nếu đúng là giao dịch bán hàng qua mạng sẽ tiến hành làm rõ và truy thu thuế. Tuy nhiên, công tác phối hợp với ngành ngân hàng chỉ phù hợp với các giao dịch có số tiền lớn thực sự.

“Nếu người ta mua cái quần, cái áo hay lọ kem dưỡng da trị giá vài trăm ngàn đồng rồi chuyển khoản cho nhau thì ngành thuế cũng rất khó truy thu thuế đối với những giao dịch này”, lãnh đạo Chi cục Thuế nói.

Cũng theo vị lãnh đạo Chi cục Thuế, cán bộ thuế có thể “nhập vai” người mua để tìm bằng chứng, truy thu thuế bán hàng qua mạng. Tuy nhiên, pháp luật chưa cho phép cơ quan thuế có chức năng điều tra thuế. Nếu pháp luật quy định tất cả các giao dịch mua bán hàng trên mạng phải qua ngân hàng thì mới có pháp chế xử lý.

Bà Lê Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Thuế TPHCM cho biết, tính đến tháng 11/2017, đơn vị này đã truy thu thuế bán hàng qua mạng hơn 7 tỷ đồng. Trong đó, thuế giá trị gia tăng 4,6 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp trên 2,5 tỷ đồng, thuế thu nhập cá nhân là 12 triệu đồng. Tổng số tiền phạt và tiền chậm nộp là 128 triệu đồng.

Cộng thêm số tiền 9,1 tỷ đồng vừa truy thu được thì Cục Thuế TPHCM mới chỉ thu được tổng cộng khoảng hơn 16 tỷ đồng.

Đây là con số khá “khiêm tốn” so với một thành phố có lượng người bán hàng qua mạng đông đảo hàng đầu cả nước như TPHCM, bởi chỉ tính riêng số lượng bán hàng trên mạng xã hội facebook thì TPHCM đã có hơn 13.500 tài khoản.

Cục Thuế TPHCM đang tiếp tục rà soát, thu thập thông tin và thông báo bằng văn bản đến các tổ chức, cá nhân kinh doanh qua mạng internet để vận động, hướng dẫn người nộp thuế chấp hành tốt pháp luật về thuế.

Tác giả: Đại Việt – Công Quang

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP