Xã hội

Dân bản vùng biên Thanh Hóa 'khóc ròng' vì sập bẫy tiền ảo, đa cấp

Lợi dụng sự cả tin và thiếu hiểu biết của những người Mông ở vùng biên huyện Mường Lát (Thanh Hóa), những kẻ xấu đã dụ dỗ họ nạp tiền chơi tiền ảo, đa cấp rồi mất hút.

Hiện tượng chơi tiền ảo, đa cấp bắt đầu xuất hiện ở bản Suối Phái, xã Tam Chung, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) từ đầu năm 2019; sau đó, lan rộng ra các bản xung quanh của đồng bào người H'Mông.

Vốn quanh năm làm nương rẫy, chẳng biết gì về đầu tư tài chính, tiền ảo, cũng chẳng biết blockchain là gì nhưng khi nghe những lời hứa hẹn ngon ngọt về một tương lai giàu có, không làm mà vẫn có ăn từ những kẻ lừa đảo, nhiều người dễ dàng sập bẫy.

Quen một người đàn ông qua mạng, chị H.T.D, ở bản Suối Phái, xã Tam Chung cho biết, ban đầu, người đàn ông tiếp cận chị làm quen, tán tỉnh. Sau khi cả hai đã trở nên thân thiết, người này rủ tham gia đầu tư tiền ảo. Anh ta nói với chị chỉ cần bỏ ra từ 4-5 triệu đồng, hàng tháng sẽ được tiền lãi cao, cuối năm có thể thu về hàng trăm triệu đồng. Nếu rủ thêm người tham gia, chị còn được hưởng hoa hồng.

Tin tưởng, chị D. dành hết số tiền 2 triệu đồng dành dụm được gửi cho gã này với mong muốn sinh lời, giúp chị có thêm thu nhập.

Nhiều nạn nhân là phụ nữ H'Mông ở huyện Mường Lát sập bẫy tiền ảo của kẻ lừa đảo

Sau những lời hứa hẹn, lãi chẳng thấy đâu, chỉ biết người đàn ông đã "lặn mất tăm". Không chỉ mình chị D., nhiều người khác trong bản cũng bị rủ rê và mất tiền với cách thức tương tự, chủ yếu là những người trong họ hàng rủ nhau tham gia vì cả tin.

“Tôi chỉ làm nương rẫy, thật khó để kiếm ra số tiền đó. Tôi rất buồn vì bị kẻ xấu lừa, nhưng qua việc này cũng rút ra được một bài học và cảnh báo cho những người khác trong bản biết để cảnh giác hơn”, chị D. nói.

Nắm bắt thông tin, tháng 9/2021, Công an huyện Mường Lát phối hợp Công an tỉnh Thanh Hóa đã vào cuộc kiểm tra, xác minh, bước đầu xác định hoạt động đầu tư của một bộ phận người dân tộc Mông trên địa bàn huyện đã và đang diễn ra theo 2 hình thức.

Thứ nhất, đầu tư đồng tiền ảo TRON (TRX) trên mạng Iternet: Có 35 người Mông đang tham gia, chủ yếu là phụ nữ và chia thành các nhóm, gồm: Nhóm bản Suối Phái, xã Tam Chung có 28 người (do Vàng A Chu đứng đầu); nhóm xã Pù Nhi có 3 người (do Lâu Văn Gấu đứng đầu); nhóm bản Suối Lóng, xã Tam Chung có 4 người (do Sùng Thị Cợ đứng đầu).

Các nhóm trên tham gia theo cùng một đối tượng đứng đầu là Kouher Koukham (ở thành phố Viêng Chăn, Lào). Cách thức vận hành của hình thức này là mỗi người tham gia đóng 1 khoản tiền dao động từ 1 đến 2 triệu đồng, tùy thuộc vào tỷ lệ quy đổi giữa tiền Việt Nam đồng và đồng tiền ảo để mua được 510 TRX; sau khi đóng tiền, người tham gia sẽ lập 1 ví tiền ảo Klever với mã số riêng, khi người tham gia lôi kéo được người khác sẽ được hưởng phần trăm hoa hồng từ người sau đóng góp theo hình thức đa cấp dạng bậc thang, số tiền hoa hồng này sẽ được chuyển về ví điện tử của người tham gia.

Đáng chú ý nếu người tham gia không giới thiệu được người khác cùng chơi theo sẽ mất số tiền đóng ban đầu.

Thứ 2, đầu tư thông qua Công ty Vitae: Hiện có 42 người dân tộc Mông tham gia, chủ yếu là các cặp vợ chồng ở các bản Pha Đén (xã Pù Nhi) và Pa Búa (xã Trung Lý). Hoạt động này xâm nhập vào địa bàn từ năm 2019 do một số đối tượng ở tỉnh Điện Biên tuyên truyền trên mạng xã hội.

Về cách thức đầu tư, mỗi người tham gia đóng từ 5-6 triệu đồng với lời hứa được trả lương hàng tháng dựa trên lợi nhuận của Công ty Vitae và khi giới thiệu người mới tham gia, đến cuối năm 2021, mỗi người sẽ được nhận tổng số tiền từ 100 - 200 triệu đồng. Tuy nhiên, sau một thời gian, đến tháng 7/2020, Công ty Vitae tuyên bố phá sản nên người tham gia bị mất số tiền đã nộp, dẫn đến hệ lụy mâu thuẫn giữa những người tham gia và người thân, họ hàng khi lôi kéo họ tham gia.

Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát cho biết: “Trung bình số tiền mà các hộ người Mông bị lừa chỉ từ 1-2 triệu đồng. Chưa phải là số tiền lớn nên hậu quả để lại cũng chưa nghiêm trọng. Tuy nhiên, qua sự việc này, cũng rút ra được bài học kinh nghiệm, nâng cao cảnh giác hơn đối với người dân và chính quyền địa phương trước các thủ đoạn lừa đảo của kẻ xấu. Hiện chính quyền địa phương cũng vẫn tiếp tục tuyên truyền để người dân hiểu và tránh xa những thủ đoạn lừa đảo tương tự”.

Theo ông Bình, những kẻ cầm đầu không phải người trong nước, mà là người nước bạn Lào, hiện nay Công an huyện đang phối hợp với Công an tỉnh tiếp tục làm rõ thủ đoạn của các đối tượng. Đồng thời, tuyên truyền đến người dân. Đến thời điểm này, bà con đã nhận ra được mưu đồ của đối tượng xấu, chưa phát hiện người dân tiếp tục tham gia.

Tác giả: Lương Diễn

Nguồn tin: antt.nguoiduatin.vn

  Từ khóa: tiền ảo , đa cấp , thanh hóa

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP