|
Đàn ông vẫn thường hay than trách, sau kết hôn vợ mình đổi thay nhiều quá. Đâu rồi cô gái thơm tho xinh đẹp ngày nào? Đâu rồi vẻ dịu dàng e ấp? Đâu rồi vẻ nũng nịu như một chú mèo con? Sao bây giờ vợ mình lại hay cau có, lắm điều, đụng đến việc gì cũng phùng mang trợn má, thái độ không khác gì một con sư tử đang tìm cách vồ mồi.
Có bao giờ đàn ông nghĩ, vợ mình thay đổi nhiều như vậy, mọi khía cạnh đều đi xuống theo hướng tiêu cực như vậy là do bởi mình không? Phụ nữ từ chỗ hiền như một con mèo khi yêu bỗng hóa thành sư tử sau khi cưới là bởi vì:
Đàn ông vẫn nghĩ : Đàn ông chỉ việc xây nhà...
Qua niệm đó xưa rồi, bởi nó chỉ hợp với ngày xưa thôi. Thời mà đàn ông chinh chiến bôn ba bên ngoài, còn đàn bà chỉ suốt ngày lo việc cửa nhà bếp núc. Thời đàn ông đi làm, còn đàn bà đi chợ nấu cơm. Thời đó, việc kiếm tiền xây nhà là của đàn ông, còn đàn bà chỉ lo khơi bếp lửa.
Ngày nay, đàn ông đi làm, đàn bà cũng đi làm. Đàn ông kiếm tiền, đàn bà cũng kiếm tiền. Đàn ông mua được gạch, đàn bà cũng mua được xi măng. Vợ chồng đều có thể cùng nhau góp sức góp của xây nhà, vậy sao việc nhà đàn bà vẫn phải một mình gánh vác?
Thói quen ăn sâu, nhiều người vẫn coi việc nhà là việc vặt, là việc không tên. Thực ra thì là việc có tên cả đấy, việc vặt nhưng mà nhiều quá làm cũng không hết, cũng mệt mỏi. Đàn ông sức dài vai rộng, tan sở về chỉ nằm dài trên ghế xem ti vi, đọc báo, chơi game…Đàn bà tài hèn sức mọn, rời cơ quan về nhà là ngập trong một mớ công việc mang tên “việc của đàn bà”.
Trong lúc đàn bà vừa nhặt rau vừa đun nấu, nếu chồng có thể bước vào bếp mà nói một câu, “để anh nhặt rau giúp cho” “cần gì anh phụ giúp cho”, phụ nữ cáu lúc này mới gọi là vô lý.
Đàn ông vẫn nghĩ : Việc của đàn bà là xây tổ ấm
Nhà cửa không sạch sẽ, là do đàn bà lười nhác. Con cái gầy gò là do đàn bà không biết chăm. Con cái không ngoan là do đàn bà không biết dạy. Chồng ngoại tình là do đàn bà không biết giữ. Chồng mê gái đẹp là do vợ không biết chăm chút bản thân…Trăm dâu đem đổ hết đầu tằm, trăm thứ lỗi cứ đem đàn bà ra mà gán.
Vậy rốt cuộc đàn ông là gì ở trong nhà, là gì trong một cuộc hôn nhân? Nếu một người chăm chút nhưng người còn lại vẫn hững hờ. Nếu một người thắp lửa những người còn lại cứ dửng dưng, vậy tổ ấm có còn thực sự ấm?
Chồng lười biếng, việc lớn nhỏ vợ phải lo, mệt mỏi ắt hẳn sẽ sinh ra cảm xúc khó chịu, bất mãn. Chồng vô tâm, vợ chắc chắn sẽ buồn bực, tủi thân mà sinh ra lắm lời.
Vai trò của người đàn bà trong việc gìn giữ hôn nhân, xây dựng tổ ấm gia đình dĩ nhiên rất quan trọng. Tuy nhiên nó cũng là một gánh nặng mà một người không thể mang. Như một cái bàn cần hai người khiêng, hôn nhân cũng vậy. Không phải một người không đủ sức khiêng, nhưng khiêng một mình vô cùng nặng nhọc và mệt mỏi, rồi cũng sẽ có lúc đuối sức mà chán nản buông lơi.
Đàn ông vẫn nghĩ: đàn bà chăm lo, hi sinh cho gia đình là việc đương nhiên
Đàn ông lấy người con gái mình yêu về làm vợ, nhưng không chỉ thế. Sau đó người phụ nữ còn làm mẹ, làm dâu. Phụ nữ thời nào cũng thế, lấy chồng không phải chỉ có chồng, mà còn anh em họ tộc nhà chồng, cái gì cũng phải chu đáo, điều gì cũng phải chu toàn. Làm không xong thì không phải một người vợ, một người mẹ, một người con dâu tốt.
Bố mẹ chồng không hài lòng về nàng dâu, trong con mắt đàn ông, không phải do bố mẹ mình khó tính mà do vợ mình không đủ tận tâm hiếu thuận. Giả sử vợ mình không sai đi nữa thì cũng phải nhẫn nhục phục tùng. Thương chồng thì phải lo cho nhà chồng, ấy là chân lý.
Con ốm, dĩ nhiên vợ sẽ phải nghỉ việc ở nhà mà trông con, mặc công việc của vợ chồng chất, mặc sếp vợ quở trách, phàn nàn, cắt thưởng, bỏ thi đua. Hiếm có ông chồng nào khi con ốm mà xin nghỉ việc ở nhà chăm con. Việc chăm lo con cái, tất nhiên, việc vợ phải làm.
Đàn ông thường nghĩ, đàn bà có chồng rồi, đẹp với ai mà ăn diện. Đàn bà có chồng rồi, thời gian đâu mà bạn bè bù khú. Bổn phận của phụ nữ là chăm sóc gia đình, lo cho chồng cho con, lấy niềm vui của chồng con làm hạnh phúc của đời mình. Đàn bà không biết hi sinh mà chỉ biết lo cho bản thân thì vứt.
Đàn ông vẫn nghĩ, vợ chồng rồi còn màu mè gì nữa
Phụ nữ lấy chồng, giống như con chim đã được nhốt trong lồng, giống như con cá đã bị nuôi trong bể. Hồi yêu đương tán tỉnh, đàn ông không ngại tốn công tốn sức thả thính mồi chài. Giờ chài được rồi, là của mình rồi, cũng không cần ngọt ngào lãng mạn nữa.
Tiếc thay đàn bà lại là cái giống ưa những lời ngọt ngào. Họ có thể vắt kiệt sức mà lo cho chồng con, chỉ một câu “Em vất vả quá” của chồng cũng khiến mọi mệt nhọc tan biến. Họ có thể luôn tay luôn chân việc nọ việc kia, chỉ cần chồng nói “Để đó anh làm cho” cũng thấy lòng phơi phới như được quà.
Một bó hoa nhân ngày kỉ niệm, một cái ôm nhẹ lúc sớm mai, một câu hỏi lúc mệt mỏi “em có ổn không”, hay một câu dỗ dành khi giận dỗi cũng đủ để đàn bà cảm thấy được yêu thương. Nhưng đàn ông, họ cho rằng như vậy là sáo rỗng, là màu mè, là không cần thiết. Vậy nên, vốn dĩ chỉ cần một câu nói, họ cũng nhất quyết không nói, mặc kệ vợ mình ấm ức tủi thân.
Đàn bà không sợ khổ, không sợ thiệt thòi, không ngại hi sinh. Họ chỉ sợ người đàn ông của họ vô tâm, không ghi nhận, không cảm kích những hi sinh của họ. Một khi không được hiểu, nỗi khó chịu bật phát thành lời cũng dễ hiểu thôi.
Đàn bà lắm lời đúng là chẳng ai thích, các ông chồng thì lại càng không. Chính bản thân đàn bà cũng không hề muốn mình trở nên như vậy. Nhưng tâm lý chung, mọi thứ trên đời đều phải tự sinh tự diệt để có thể cân bằng. Nỗi buồn tủi của đàn bà một khi nhiều quá, không còn cách nào khác là phải nói ra. Mếu có một ngày nửa câu cũng không muốn nói ra, e rằng không còn là người bình thường nữa.
Các ông chồng nhiều khi còn so bì tị nạnh, rằng vợ người ta cũng việc trong việc ngoài mà lúc nào cũng rạng rỡ vui tươi. Phụ nữ chỉ rạng rỡ hân hoan khi tâm họ thực sự an yên hạnh phúc, còn không, có điểm phấn tô son cũng không che nổi những phiền muộn. Muốn vợ mình được như vợ người ta, bản thân các ông chồng cũng hãy giống như chồng người ta đi đã.
Tác giả: L. G
Nguồn tin: Báo Dân trí