Sáng 24/11, thảo luận về luật Quốc phòng (sửa đổi), Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng - Phó Chính ủy Quân khu 7 cho rằng, đơn vị quân đội làm kinh tế quốc phòng là một trong những nhân tố chính trị rất rõ. Việc xem lợi ích quốc phòng bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ quyết định, kinh tế là nhiệm vụ quan trọng.
Mục đích đầu tiên của việc quân đội làm kinh tế là gia tăng sức mạnh quân sự, sức mạnh quốc phòng, từ đó gia tăng sức mạnh quốc gia.
“Quân đội làm kinh tế góp phần xây dựng một nền kinh tế độc lập tự chủ, cùng với những tiến bộ của công nghệ quốc phòng ngày càng hiện đại. Quân đội làm kinh tế chính là gánh vác nhiệm vụ chính trị xã hội”, Thiếu tướng Hoàng nói và cho biết, thời gian tới theo đề án được Chính phủ phê duyệt, quân đội sẽ tái cơ cấu các doanh nghiệp.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng |
Cùng vấn đề trên, Thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh - Phó Viện trưởng Viện KSND tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương cho biết, quân đội tham gia phát triển kinh tế - xã hội sẽ góp phần thực hiện 4 mục tiêu đó là, Gia tăng sức mạnh quân đội và sức mạnh tổng hợp quốc gia; Xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ; Tận dụng tiềm lực tiềm năng đất nước; Từng bước nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam.
Hiệu quả của việc kết hợp kinh tế quốc phòng được Thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh chỉ rõ, hiện có nhiều doanh nghiệp quân đội chiếm lĩnh thị trường và đầu tư ra nước ngoài, giữ vị trí xứng đáng trong nền kinh tế.
Dù vậy, để nâng cao hiệu quả kinh tế quốc phòng, hiện nay Bộ Quốc phòng cũng đang sắp xếp theo hướng các doanh nghiệp quân đội không làm kinh tế đơn thuần mà làm kinh tế quốc phòng, kinh tế khoa học công nghệ để phục vụ phát triển tiềm lực quốc phòng, góp phần gia tăng sức mạnh quân đội và tiềm lực quốc gia.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn TP Hà Nội) cho rằng, kinh tế và quốc phòng có mối quan hệ chặt chẽ. Hiện quân đội đã có những tập đoàn làm kinh tế rất thành công, hoạt động đúng quy định của pháp luật, có doanh thu lớn nộp ngân sách rất nhiều.
Cụ thể, từ 2012 quân đội sản xuất kinh doanh nộp ngân sách 16.500 tỉ đồng, năm 2015 lên đến 43.000 tỉ đồng, năm nay dự kiến 47.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên, theo đại biểu đoàn TP Hà Nội, kết hợp kinh tế quốc phòng, quân đội cần phải rạch ròi từng nhiệm vụ. Cụ thể là kinh tế phục vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc với nội dung hoạt động kinh tế đơn thuần và đặc biệt không sử dụng đất đai sai mục đích như vụ sân bay Tân Sơn Nhất gây xôn xao dư luận vừa qua.
Đại biểu Phùng Đức Tiến (đoàn Hà Nam) đề nghị trong luật cần quy định rõ trách nhiệm của Bộ Quốc phòng trong việc chủ trì phối hợp với các bộ ngành liên quan và trách nhiệm của Bộ Quốc phòng trong tổ chức, quản lý và các hình thức kết hợp quốc phòng kinh tế.
Ông cũng đề nghị trong luật cần quy định rõ việc kết hợp kinh tế với quốc phòng do chủ thể nào thực hiện, thực hiện như thế nào. Đặc biệt là chính sách nhà nước với nhiệm vụ này, nhất là đối với nhiệm vụ vùng sâu, vùng biên giới, hải đảo.
Giải trình thêm, Đại tướng Ngô Xuân Lịch - Bộ trưởng Quốc phòng khẳng định, nhiệm vụ quân đội tham gia làm kinh tế đã, đang và luôn là chức năng quan trọng của quân đội nên cần quy định trong dự thảo luật.
Theo Đại tướng Ngô Xuân Lịch, 70 năm phát triển lực lượng quân đội đã tham gia xây dựng kinh tế ở nhiều vùng, miền – những địa bàn các doanh nghiệp dân sự hầu như không đầu tư vì lợi nhuận thấp.
Nhắc tới tên những doanh nghiệp quân đội như Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel), Tổng công ty trực thăng Việt Nam, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB)…, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cho biết, các doanh nghiệp quân đội không ngừng đổi mới, phát triển hội nhập, nhiều thương hiệu doanh nghiệp đi đầu, tạo sản phẩm có giá trị cao, đóng góp lớn vào ngân sách Nhà nước.
Theo Bộ trưởng, thực hiện đề án cơ cấu lại doanh nghiệp quân đội tới đây, Bộ Quốc Phòng sẽ chỉ giữ lại 100% vốn Nhà nước tại 17 trong 88 doanh nghiệp hiện có. “Số doanh nghiệp quân đội còn lại sẽ thực hiện cổ phần hoá, thoái vốn, sáp nhập…”, Đại tướng Ngô Xuân Lịch – Bội trưởng Bộ Quốc phòng nói thêm.
Tác giả: Quang Phong
Nguồn tin: Báo Dân trí