Câu nói này xuất phát từ việc, hồi tháng 8, Tổng thống Donald Trump xuất hiện trên truyền hình tuyên bố rằng, chính quyền Mỹ không loại trừ việc “sử dụng biện pháp quân sự” để giải quyết cuộc khủng hoảng tại Venezuela.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley. Ảnh: Reuters |
Đứng cạnh Tổng thống Donald Trump lúc đó là Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley. Ngay khi ông Trump vừa dứt lời, trên khuôn mặt của bà Haley thoáng chút ngạc nhiên. Bà nhíu mày, quay sang nhìn về phía ông và rồi cúi xuống nhìn bàn tay mình.
Ngay lập tức trên Twitter tràn ngập nội dung liên quan đến bà:
“Hãy chú ý khuôn mặt của bà ấy”
“Tất cả chúng ta đều có chung tâm trạng như Nikki Haley”
“Bà ấy đã chấp nhận thách thức rồi”
Khoảnh khắc “không thể nào quên ấy” càng làm nổi bật vai trò đầy khó khăn của bà Haley tại cơ quan quan trọng nhất trên thế giới. Bà chính là tiếng nói đại diện cho ông Trump tại Liên Hợp Quốc, nhưng bà cũng là một chính trị gia đầy tham vọng và luôn đưa ra những quan điểm hết sức độc lập về những vấn đề trọng yếu trên thế giới như Iran hay Triều Tiên.
Ảnh hưởng không thể chối cãi
Không những thế, bà Haley còn cho thấy mình là người đủ sức lay chuyển cả Tổng thống Donald Trump- người nổi tiếng là không bao giờ dễ dàng chấp nhận thỏa hiệp- trong nhiều vấn đề không kém phần quan trọng khác như lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, người nhập cư.
Ảnh hưởng của bà Haley với Tổng thống Donald Trump sẽ được “thử lửa thực sự” khi ông Trump lần đầu tiên đến thăm Liên Hợp Quốc- cơ quan đã nhiều lần bị chính Tổng thống Mỹ bêu riếu và thậm chí còn cho rằng, có vai trò thứ yếu trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế.
Tuy nhiên, ngay trước chuyến thăm của ông Trump vào ngày 19/9, bà Haley đã tự tin tuyên bố rằng, ông Trump sẽ “tạo ra những ảnh hưởng lớn lao” lên Liên Hợp Quốc dù bà không nói rõ những ảnh hưởng đó là như thế nào.
Dự kiến, trong ngày 19/9, ông Trump sẽ có bài phát biểu tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, ăn trưa với Tổng Thư ký António Guterres nhưng sẽ không tham gia cuộc họp về biến đổi khí hậu do chính ông Guterres làm chủ tọa bởi chính ông Trump hồi tháng 6 đã tuyên bố sẽ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Rất nhiều quan chức trên thế giới đã kỳ vọng rằng bà Haley có thể khiến ông Donald Trump thay đổi quan điểm của mình về tầm quan trọng của Liên Hợp Quốc.
Giám đốc Tổ chức Giám sát Nhân quyền Quốc tế Kenneth Roth nhấn mạnh: “Ông Trump cần phải hợp tác nhiều hơn với Liên Hợp Quốc thay vì “dội bom” tổ chức này từ xa. Không nghi ngờ gì nữa, bà Haley sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc này. Việc hủy hoại Liên Hợp Quốc sẽ không đem lại điều gì tốt đẹp cho nền chính trị Mỹ”.
Bản thân bà Haley cũng không ngớt lời ca ngợi ông chủ của mình: “Tôi nghĩ rằng Tổng thống đã lựa chọn đúng người cần bị vỗ vai và người cần được ôm hôn. Nhờ thế, Mỹ sẽ sớm trở nên mạnh mẽ hơn”.
Một chính trị gia nhạy bén với thời cuộc
Từ lâu, bà Haley luôn được ca ngợi là một chính trị gia nhạy bén và hết sức tinh tế. Những bài phát biểu của bà thường được viết bằng ngôn ngữ hết sức gần gũi với người dân.
Bà cũng thường gọi các trợ lý làm việc cho mình là “nhóm Haley” và cụm từ này thường xuyên xuất hiện trên các nội dung Twitter của bà. Điều này cho thấy bà rất coi trọng tổ chức và luôn biết “lùi lại phía sau để bao quát công việc” như một nhà lãnh đạo tài năng.
Năng lực của bà Haley cũng được rất nhiều đồng nghiệp của bà tại Liên Hợp Quốc đánh gia cao. Đại sứ Pháp François Delattre không ít lần đề cập đến “bản năng chính trị mạnh mẽ đã trở thành thương hiệu” của bà Haley.
Ông Delattre nhớ lại lần bà Haley tổ chức buổi tiệc trưa tại Nhà Trắng mời 14 nhà ngoại giao của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và phu nhân/phu quân của họ đến dự hồi tháng 4. Tại buổi tiệc, bà đã thể hiện được sự tinh tế, trí tuệ và tài điều phối của mình.
Đại sứ Pháp François Delattre cũng không tiếc lời khen ngợi bà Haley vì đã kết nối được các nhà lập pháp tại Quốc hội Mỹ để họ bác đề xuất cắt giảm mạnh mẽ số tiền mà Mỹ đóng góp cho Liên Hợp Quốc.
“Bà ấy rất giỏi trong việc kết nối những người có quan điểm hết sức trái ngược nhau để đạt được mục tiêu chung. Để làm được điều này, bạn cần phải có được những kỹ năng và bản năng về chính trị và ngoại giao đặc biệt”, ông François Delattre nói.
Trong khi đó, khi xử lý những vấn đề nhạy cảm hoặc còn gây tranh cãi, bà Haley tỏ ra hết sức thật trọng trong những phát ngôn hoặc chia sẻ trước công chúng nhưng lại hết sức quyết liệt trong hành động.
Đề cập đến cuộc tuần hành ủng hộ phong trào da trắng là thượng đẳng ở Charlottesville, bà Haley chỉ chia sẻ trên Twitter rằng, bà hiểu rõ “nỗi đau mà sự hận thù mang lại”.
Trong khi đó, bà gửi thư trực tiếp đến các nhân viên của mình, trong đó nói rõ: “Những kẻ tham gia cuộc tuần hành này dù không nhiều nhưng rất to mồm. Chúng ta cần phải ngăn chặn mọi hành động của chúng, khiến chúng cảm thấy mình như đang sống trên đảo hoang và cô lập chúng theo đúng cách mà chúng muốn cô lập những người khác”.
Những thăng trầm trong sự nghiệp
Dù thường là quan chức Mỹ đầu tiên tuyên bố quan điểm của mình trong những vấn đề nóng trên thế giới như hòa bình Trung Đông hay Iran, bà Haley vẫn bị chỉ trích là cố tình phớt lờ sự thật để đạt được mục tiêu của mình.
Gần đây nhất, ngày 15/9, bà Haley tuyên bố, những lệnh trừng phạt mới nhất nhằm vào Triều Tiên là nhằm ngăn nước này kiếm tiền từ việc xuất khẩu lao động trong khi trên thực tế, lệnh trừng phạt này chỉ ngăn các nước nâng số lượng lao động Triều Tiên mà họ được tiếp nhận so với thời điểm hiện tại.
Trong khi đó, trong vụ Iran, bà Haley từng tuyên bố Tổng thống Donald Trump hoàn toàn có lý khi đe dọa rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử với lý do Iran vi phạm thỏa thuận này. Tuy nhiên, trên thực tế, chính Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) xác nhận cho đến nay, Iran vẫn tuân thủ nghiêm ngặt thỏa thuận này.
Trong khi đó, thành công lớn nhất của bà Haley theo nhận định của các đồng nghiệp, chính là khả năng thích nghi với hệ thống làm việc chồng chéo của Liên Hợp Quốc thay vì tìm cách né tránh nó.
“Nhiều người cho rằng, không sớm thì muộn bà ấy cũng bị trầy vi tróc vẩy nhưng bà ấy đã cho thấy mình là một chính trị gia tài năng”, ông Stewart M. Patrick, một chuyên gia phân tích về đối ngoại nhận định.
Ngoài ra, bà Haley cũng là người được ca ngợi vì không ngại đối đầu trong các cuộc đàm phán căn thẳng. Nỗ lực của bà trong việc giảm ngân sách của lực lượng hòa bình đã khiến ngân sách của tổ chức này bị giảm khoảng 600 triệu USD xuống còn 8 tỷ USD.
Chính bà Haley là người thuyết phục các quan chức Liên Hợp Quốc chấp thuận để lực lượng gìn giữ hòa bình giải giáp vũ khí của lực lượng Hezbollah tại Lebanon dù bà từng chỉ trích tư lệnh lực lượng quân đội Lebanon là “nhắm mắt làm ngơ” cho Hezbollah đưa vũ khí đến khu vực biên giới với Israel.
Dù không đạt được thỏa thuận trừng phạt Triều Tiên “một cách mạnh mẽ nhất” theo mong muốn của Mỹ sau vụ quốc gia Đông Á này thử hạt nhân, bà Haley cũng là người tiến hành cuộc đàm phán chớp nhoáng nhưng hết sức căng thẳng với Nga và Trung Quốc và chấp nhận nhượng bộ để hai quốc gia nói trên chấp nhận trừng phạt Triều Tiên.
Tuy nhiên, điều này khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump không hài lòng. “Đây không phải là một thỏa thuận tốt”, ông Trump công khai tuyên bố. Ngay lập tức, bà Haley thể hiện năng lực ngoại giao của mình khi xoa dịu ông chủ: “Tôi nghĩ rằng, điều Tổng thống muốn nói là thỏa thuận này mới chỉ là bước khởi đầu của những gì chúng tôi có thể làm tiếp theo”.
Tác giả: Trần Khánh
Nguồn tin: Báo VOV