Nghị quyết số ES-11/L.1 được đưa ra sau một phiên họp khẩn cấp của Đại Hội đồng và nhận được sự ủng hộ của 141 trong số quốc gia thành viên LHQ. Nga, Belarus, CHDCND Triều Tiên, Eritrea và Syria bỏ phiếu chống, 12 quốc gia vắng mặt, trong khi 35 quốc gia bỏ phiếu trắng bao gồm cả Trung Quốc.
Nội dung của nghị quyết này lên án “hành động gây chiến chống lại Ukraine” của Nga.Tuy nghị quyết của Đại Hội đồng LHQ không có tính ràng buộc, nhưng nó vẫn mang tác động đáng kể đối với dư luận và chính trị.
Đại sứ Ukraine Sergiy Kyslytsa gọi nghị quyết mới là “một trong những viên gạch xây dựng nên bức tường” chặn cuộc tấn công của Nga.
Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield phát biểu rằng Nga sẽ leo thang mức độ tấn công quân sự và yêu cầu các quốc gia thành viên bắt Nga phải chịu trách nhiệm về việc vi phạm luật quốc tế khi đưa bom nhiệt áp và bom chùm vào Ukraine.
Bà Thomas-Greenfield tuyên bố: "Hãy bỏ phiếu ủng hộ nếu [các đại biểu] tin rằng các quốc gia thành viên LHQ - bao gồm cả quốc gia của chính mình - có quyền chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Hãy bỏ phiếu ủng hộ nếu tin rằng Nga cần chịu trách nhiệm về hành động của mình”.
Quang cảnh tại buổi họp khẩn của Đại Hội đồng LHQ về xung đột Nga-Ukraine. Ảnh: Reuters/Carlo Allegri. |
Trong khi đó, Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia bác bỏ việc quân đội Nga nhằm vào dân thường và cáo buộc chính phủ các nước phương Tây gây sức ép với các quốc gia thành viên Đại Hội đồng.
Ông Nebenzia nói rằng nghị quyết nếu được thông qua có thể làm gia tăng xung đột, lặp lại quan điểm rằng hành động của Nga chỉ là một “chiến dịch quân sự đặc biệt” có mục đích chấm dứt bạo lực ở các vùng ly khai Donetsk và Luhansk. Đại sứ Nga tại LHQ còn cáo buộc lực lượng Ukraine sử dụng dân thường làm lá chắn và dùng vũ khí hạng nặng ở các khu vực dân cư.
Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Trương Quân thì cho rằng nghị quyết này không có “sự tham vấn đầy đủ” của các thành viên Đại Hội đồng. Ông Trương phát biểu: “Nghị quyết không chỉ xem xét đầy đủ lịch sử và mức độ phức tạp của cuộc khủng hoảng hiện nay, mà còn không nhấn mạnh tầm quan trọng của nguyên tắc ‘an ninh không thể tách rời’ hay tính cấp bách của việc khuyến khích thỏa thuận chính trị và tăng cường nỗ lực ngoại giao… Những điều như vậy không phù hợp với quan điểm thống nhất của Trung Quốc.”
Sau một tuần tuyên bố tấn công quân sự Ukraine, Nga dường như vẫn chưa đạt được mục đích của mình trong khi vấp phải sự phản đối dữ dội từ nhiều quốc gia. Các lệnh trừng phạt nhằm vào nền kinh tế Nga cũng đang dần khiến quốc gia này phải liên tục có các biện pháp như tăng lãi suất cơ bản và hạn chế ngoại tệ rời Nga nhằm giữ ổn định hệ thống tài chính.
Tác giả: Tùng Phong (Theo Reuters)
Nguồn tin: nguoiduatin.vn