Một tòa nhà bị phá hủy sau cuộc không kích của Israel xuống Dải Gaza ngày 1/3/2024. (Ảnh: THX/TTXVN) |
Trưa 4/3 (rạng sáng 5/3 theo giờ Việt Nam), Đại hội đồng Liên hợp quốc đã nhóm họp để thảo luận về việc Mỹ phủ quyết một dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an kêu gọi ngừng bắn khẩn cấp tại Gaza.
Theo phóng viên TTXVN tại New York, trước toàn thể Đại hội đồng, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Dennis Francis đã lên án tình hình "thảm khốc và vô nhân đạo" ở Dải Gaza.
Ông Francis phát biểu: “Những gì đang diễn ra ở Gaza là đáng hổ thẹn. Tôi bị sốc và choáng váng trước những thông tin về số người thương vong trong vụ tấn công vào những người đang chờ viện trợ hồi tuần trước ở phía Tây thành phố Gaza.”
Chủ tịch Đại hội đồng một lần nữa kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động ngay để chấm dứt cuộc khủng hoảng. Bày tỏ lo ngại sâu sắc về kế hoạch tấn công trên bộ của Israel vào Rafah, nơi cư trú của 1,5 triệu người, ông Dennis Francis hối thúc việc kiềm chế tối đa các hành động quân sự để bảo vệ tính mạng của thường dân vô tội.
Tại cuộc họp, Giám đốc Cơ quan cứu trợ người tị nạn Palestine của Liên hợp quốc (UNRWA) Philippe Lazzarini nói rằng nỗi thống khổ của người dân tại Gaza hiện nay là không thể diễn tả bằng lời.
Theo quan chức này, hơn 30.000 người Palestine đã bị thiệt mạng kể từ khi xung đột bùng phát, 5% dân số vùng lãnh thổ này bị thương vong hoặc mất tích, các nguồn cung y tế và nhu yếu phẩm đang thiết hụt nghiêm trọng và nạn đói đang cận kề. Ông Lazzarini hối thúc các nước thành viên Liên hợp quốc cam kết một tiến trình chính trị vì hòa bình giữa Palestine và Israel.
Về phần mình, phát biểu đại diện cho Nhóm E-10 gồm các Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an, Đại sứ Malta Vanessa Frazier bày tỏ sự lấy làm tiếc khi cơ quan quyền lực nhất Liên hợp quốc phủ quyết dự thảo nghị quyết về Gaza hôm 20/2, lưu ý rằng đây là một văn bản được soạn thảo “rất cẩn thận” nhằm giải quyết một cách toàn diện tình hình ở dải đất ven biển này.
Bà Vanessa nhấn mạnh vấn đề bảo vệ dân thường và tất cả các bên phải tuân thủ nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế, trong đó có luật nhân quyền và nhân đạo quốc tế. Nhà ngoại giao này khẳng định UNRWA có vai trò trung tâm trong việc ứng phó hiệu quả với tình hình nhân đạo ở Gaza và hai nhà nước là giải pháp cho cuộc khủng hoảng.
Cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc diễn ra sau khi Hội đồng Bảo an những tuần qua tiếp tục chia rẽ và bế tắc trong nỗ lực thông qua một nghị quyết nhằm chấm dứt vòng xoáy xung đột hiện nay giữa Israel và Hamas. Mỹ đã nhiều lần phủ quyết các bản dự thảo nghị quyết liên quan tới cuộc xung đột này.
Cũng trong ngày 4/3, theo phóng viên TTXVN tại khu vực Trung Đông-Bắc Phi, ngày 4/3, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry nhấn mạnh sự cần thiết phải đạt được lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza và tăng cường chuyển hàng viện trợ nhân đạo vào dải đất này của Palestine trước khi bắt đầu tháng lễ Ramadan của các tín đồ Hồi giáo vào tuần tới.
Bộ Ngoại giao Ai Cập cho biết ông Shoukry đưa ra tuyên bố trên trong cuộc gặp Điều phối viên cấp cao về Tái thiết và Nhân đạo của Liên hợp quốc tại Dải Gaza, bà Sigrid Kaag, để bàn về các điều kiện nhân đạo đang xấu đi ở dải đất ven Địa Trung Hải của Palestine.
Tại cuộc gặp, hai quan chức đã thảo luận việc phong tỏa của Israel và các cuộc tấn công vào dân thường cũng như các đoàn xe chở viện trợ nhân đạo, gây ra tình hình thiếu lương thực trên khắp Dải Gaza.
Hàng viện trợ được thả xuống Dải Gaza ngày 1/3/2024. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Ngoại trưởng Shoukry khẳng định cần phải tăng cường cung cấp viện trợ nhân đạo và cứu trợ để đáp ứng nhu cầu của người dân Gaza. Ngoài ra, ông nhấn mạnh những tác động nhân đạo phát sinh từ những nỗ lực mà ông cho là “có hệ thống” nhắm vào công việc của Cơ quan Cứu trợ của Liên hợp quốc dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA).
Quan chức ngoại giao Ai Cập cũng đề cập việc một số nhà tài trợ đình chỉ viện trợ cho UNRWA trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Gaza, kêu gọi các nước này xem xét nối lại hoàn toàn nguồn tài trợ cho cơ quan nói trên để có thể cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho người Palestine, theo yêu cầu của Liên hợp quốc.
Về phần mình, bà Kaag đánh giá cao những nỗ lực quan trọng của Ai Cập nhằm đạt được lệnh ngừng bắn ở Gaza, kiềm chế cuộc khủng hoảng ngày càng trầm trọng cũng như cung cấp và chuyển viện trợ nhân đạo cho người dân Palestine. Bà cam kết phối hợp với Ai Cập trong nỗ lực tăng cường vận chuyển hàng hóa viện trợ tới Gaza.
Cùng ngày 4/3, trong cuộc gặp với người đồng cấp Hà Lan Hanke Bruins Slot, Ngoại trưởng Shoukry thừa nhận thỏa thuận ngừng bắn vẫn chưa đạt được, nhưng bày tỏ hy vọng vòng đàm phán hiện nay về lệnh ngừng bắn sẽ có kết quả.
Tại cuộc hội đàm ở Cairo, cả hai Ngoại trưởng Ai Cập và Hà Lan kêu gọi đưa ngay hàng hóa viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza, trong bối cảnh Israel tiếp tục các cuộc tấn công và tình hình nhân đạo ngày càng tồi tệ ở dải dất này.
Ngoại trưởng Shoukry khẳng định Ai Cập hoàn toàn tin tưởng vào các cơ quan của Liên hợp quốc, bày tỏ lập trường phản đối mọi nỗ lực nhằm di dời người Palestine ra khỏi Dải Gaza.
Về phần mình, Ngoại trưởng Hà Lan nói rằng nước này ủng hộ các tổ chức nhân đạo cung cấp viện trợ cho Gaza, trong đó có UNRWA, và bày tỏ hy vọng sẽ cung cấp thêm viện trợ cho người Palestine.
Bà cho rằng việc ngăn chặn leo thang trong khu vực là rất quan trọng, kêu gọi các bên liên quan phải tuân thủ phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế.
Cùng ngày, tại phiên họp thứ 161 của Liên đoàn Arab (AL) ở thủ đô Cairo của Ai Cập, AL đã kêu gọi gửi viện trợ khẩn cấp cho người dân ở Gaza.
Phát biểu tại phiên họp, Đại diện thường trực của Mauritania tại AL đồng thời là Chủ tọa phiên họp, ông Hussein Sidi Abdellah Deh nhấn mạnh: "Đây là vấn đề khẩn cấp và không có thời gian để chờ đợi. Cộng đồng quốc tế phải có nghĩa vụ giải quyết nạn đói vốn đã bắt đầu ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của dân Gaza, nhất là người già và trẻ em."
Các nhóm cứu trợ cho biết hoạt động vận chuyển hàng hóa viện trợ nhân đạo gần như không thể thực hiện được ở hầu hết các khu vực của Gaza vì khó khăn trong phối hợp với quân đội Israel, tình trạng thù địch vẫn đang diễn ra và trật tự công cộng bị phá vỡ.
Liên hợp quốc cho biết ít nhất 25% dân số Gaza đang đối mặt với nạn đói, khoảng 80% dân số tại đây đã phải rời bỏ nhà cửa và gần như toàn bộ 2,3 triệu người đang rất cần lương thực.
Trong diễn biến liên quan, ngày 4/3, Bộ Ngoại giao Ireland cho biết việc dùng máy bay thả hàng viện trợ xuống Gaza là một trong số các vấn đề được thảo luận gần đây giữa nước này và Jordan. Tuy nhiên, các sáng kiến như thả hàng viện trợ xuống Gaza “không được làm xao lãng nhu cầu cấp thiết phải tăng cường đáng kể mức độ hỗ trợ nhân đạo cho Gaza bằng đường bộ.”
Cũng trong ngày 4/3, Bỉ đã điều một máy bay vận tải quân sự tham gia một chiến dịch quốc tế cùng Mỹ, Pháp và Jordan thả hàng viện trợ xuống khu vực Gaza đang bị chiến tranh tàn phá.
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, hiện hàng viện trợ đã được đưa đến Jordan, nơi các quan chức Israel sẽ kiểm tra trước khi cho phép thả dù diễn ra sớm nhất vào ngày 6/3. Đại tá Bruno Beeckmans, Chỉ huy trưởng chiến dịch của Bỉ, cho biết lực lượng tham gia chiến dịch sẽ tuân thủ mọi quyết định khi nào máy bay được vào trong khu vực, vì đây là vùng cấm bay nên cần có sự phối hợp chính xác.
Máy bay vận tải Airbus A400M của quân đội Bỉ sẽ thực hiện một chuyến bay khác từ Brussels đến căn cứ không quân Zarqa của Jordan bên ngoài thủ đô Amman để nhận thêm hàng viện trợ và nhân sự cho chuyến bay. Trước đó, ngày 2/7, Mỹ đã bắt đầu thả hàng viện trợ xuống Gaza.
Các quan chức Liên hợp quốc nhấn mạnh tình trạng thảm khốc mà người dân ở Gaza phải đối mặt khi nguồn cung cấp lương thực ngày càng cạn kiệt khiến phần lớn người dân nơi đây đứng trước nguy cơ bị đói, đòi hỏi cần có lệnh ngừng bắn ngay lập tức.
Cộng đồng quốc tế đang kêu gọi một lệnh ngừng bắn nữa ở Gaza. Mỹ, Ai Cập và Qatar hiện đang thúc đẩy các nỗ lực nhằm đảm bảo một thỏa thuận tạm dừng giao tranh và trao đổi con tin giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas.
Các nhà hòa giải và phái đoàn của phong trào Hồi giáo Hamas đã đạt được “tiến triển đáng kể” hướng tới thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza, khi cuộc đàm phán ở Cairo (Ai Cập) bước sang ngày thứ hai.
Các nhà hòa giải hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận ngừng bắn trước tháng lễ Ramadan của tín đồ Hồi giáo, dự kiến bắt đầu vào ngày 11/3 tới. Đến nay, Israel và Hamas vẫn chưa thể giải quyết những bất đồng về các yêu cầu của nhau.
Cuộc tấn công của Hamas hôm 7/10/2023 vào miền Nam Israel đã châm ngòi cuộc xung đột tàn khốc hiện nay ở Gaza.
Theo cơ quan y tế tại Gaza, số người thiệt mạng ở vùng lãnh thổ này đã vượt 30.400 người.
Tác giả: Nguyễn Tùng-Nguyễn Trường-Vũ Hội-Hương Giang
Nguồn: vietnamplus.vn