Dịch Covid-19 tác động khiến thị trường vận tải hàng không Việt Nam trên cả hai phân khúc quốc tế và nội địa liên tục sụt giảm nhanh, mạnh so với cùng kỳ và kế hoạch năm. Sản lượng khách toàn mạng quý I/2020 giảm 26% so với 2019 và chỉ đạt 18,6%/ kế hoạch năm, trong đó quốc tế giảm 54% so với cùng kỳ 2019.
Sản lượng tháng 3/2020 tiếp tục ghi nhận sụt giảm mạnh, theo đó sản lượng khách toàn mạng tháng 2, 3 lần lượt giảm so với kỳ tháng trước 29%, 48%, và giảm 59% so với cùng kỳ 2019.
Trong đó, quốc tế tháng 2- 3/2020 so kỳ tháng trước giảm lần lượt 48%, 68% và so với cùng kỳ năm 2019 giảm 80%. Nội địa tháng 2-3/2020 so kỳ tháng trước giảm lần lượt 18%, 41% và so với cùng kỳ năm 2019 giảm 46%.
ACV báo lãi gần 2.000 tỷ đồng trong quý I/2020 |
Đáng chú ý, trong khi các doanh nghiệp đều báo lỗ thì Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) vẫn báo lãi với lợi nhuận quý I/2020 ước đạt 1.857 tỷ đồng, giảm 586 tỷ đồng so với cùng năm 2019. Tổng doanh thu của ACV trong quý I/2020 ước đạt 4.064 tỷ đồng, giảm 832 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019.
Dự kiến cả năm 2020, doanh thu của ACV đạt 11.339 tỷ đồng, giảm 10.230 tỷ đồng so với kế hoạch 2020; lợi nhuận đạt 1.476 tỷ đồng, giảm 9.335 tỷ đồng so với kế hoạch 2020.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Lại Xuân Thanh - Chủ tịch Hội đồng thành viên ACV - cho biết: “Doanh thu tài chính quý I dự kiến là 1.857 tỷ đồng, cả năm 2020 dự kiến 1.442 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận từ kinh doanh dịch vụ của ACV chỉ còn 33,9 tỷ đồng, giảm 99,6% so với kế hoạch, còn lại lợi nhuận chủ yếu là khoản lãi tiền gửi ngân hàng từ dòng tiền tích lũy 31.000 tỷ đồng của ACV. Năm 2020 dự kiến lãi suất tiền gửi giảm”.
Theo Chủ tịch ACV, đối với khoản thu cổ tức từ các công ty con, liên doanh liên kết năm 2020 đều giảm do ngành nghề dịch vụ của các Công ty chủ yếu cung cấp tiện ích dịch vụ hàng không và với ảnh hưởng chung của thị trường tình hình hoạt động các công ty đều có lợi nhuận giảm hơn 95%.
Chủ tịch ACV cho rằng, mức lãi sản xuất kinh doanh như trên thì cũng coi như bằng 0, bởi đó chỉ là con số tài chính, còn thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh bị sụt giảm rất mạnh và chưa biết khi nào kết thúc dịch. Kịch bản dự kiến là tháng 6/2020 dịch sẽ kết thúc, kỳ vọng thị trường khách nội địa sẽ phục hồi vào tháng 7 và thị trường quốc tế là tháng 9. ACV đang cố gắng tiết giảm chi phí tối đa để kinh doanh không bị lỗ.
Khoản lãi của ACV được lý giải chủ yếu là lãi suất tiền gửi ngân hàng |
Hiện nay, vấn đề lớn nhất của các doanh nghiệp hàng không Việt Nam chính là dòng tiền. Các hãng hàng không đều mất hết dòng tiền và mất khả năng trang trải, lịch sử ngành hàng không Việt Nam chưa bao giờ rơi vào tình trạng khó khăn, bi đát như bây giờ.
Mặc dù vậy, với ACV, Chủ tịch Lại Xuân Thanh cho rằng điều may mắn là doanh nghiệp này chưa bị mất cân đối dòng tiền, mọi thứ vẫn được bảo toàn.
“ACV là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khai thác cảng hàng không, khi các hãng vận chuyển không bay, không mua dịch vụ của ACV thì không có giá trị gia tăng về lợi nhuận, nhưng dòng tiền của ACV vẫn được bảo toàn” - ông Thanh cho hay.
Với mô hình doanh nghiệp quản lý khai thác hạ tầng Cảng hàng không hơn 70% chi phí của ACV là chí phí cố định như chi nhân viên, chi bảo trì vận hành hệ thống thiết bị và kết cấu hạ tầng Cảng theo tài liệu quy chuẩn kỹ thuật, chi cho công tác đảm bảo an ninh an toàn hàng không, chi nộp nhượng quyền khai thác, các khoản nộp thuế đất… Như vậy trong trường hợp tần suất khai thác giảm đặc biệt sản lượng quốc tế giảm, ACV vẫn phải đảm bảo việc duy trì vận hành hệ thống cảng hàng không liên tục và an toàn.
ACV đưa ra giải pháp sắp xếp bố trí lao động và xem xét phương án trả lương phù hợp nhằm điều chỉnh giảm kế hoạch chi phí, đảm bảo hoạt động kinh doanh của ACV không bị lỗ và ổn định đời sống cho 10.000 người lao động.
Trong điều kiện lợi nhuận sụt giảm hơn 99%, ACV đã có chính sách hỗ trợ giám giá một số dịch vụ hàng không trong thẩm quyền cho các hãng hàng không và các đơn vị trong để chia sẻ một phần khó khăn chung của thị trường hàng không.
Tác giả: Châu Như Quỳnh
Nguồn tin: Báo Dân trí