HĐQT của Công ty Cổ phần Hùng Vương (HVG) vừa bất ngờ quyết định thoái toàn bộ vốn góp hơn 21 triệu cổ phần, tương đương 54,3% vốn tại CTCP Thực Phẩm Sao Ta (FMC), trái ngược với tuyên bố hủy bán FMC cho đối tác Nhật trước đó.
|
Thực Phẩm Sao Ta được xem là cỗ máy in tiền và là doanh nghiệp hoạt động hiệu quả nhất hệ thống HVG của ông Dương Ngọc Minh (chủ tịch HĐQT).
Sao Ta vừa đưa ra ước tính lợi nhuận năm 2017 ở mức cao kỷ lục, tăng 60% so với cùng kỳ và vượt 25% kế hoạch năm nhờ nuôi tôm trúng và giá tôm nguyên liệu khi vào vụ không giảm mà còn tăng nhẹ. FMC vừa quyết định tạm ứng tiếp cổ tức đợt 2/2017 bằng tiền tỷ lệ 15%, sau 30% trong lần 1.
Trước đó, ông Dương Ngọc Minh vẫn rất tin tưởng vào khả năng hồi phục của HVG. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh gần đây ghi nhận Hùng Vương thua lỗ hơn 130 tỷ đồng trong năm tài chính kết thúc quý 3 vừa qua. Bên cạnh đó, HVG đang gặp vấn đề về thanh khoản.
Ông Dương Ngọc Minh được biết đến là đại gia trong ngành thủy sản. Người tình tin đồn của Mỹ tâm ôm mộng ông trùm với hàng loạt vụ thâu tóm, mua bán sáp nhập trong và ngoài nước trong vài năm gần đây.
Hàng loạt các kế hoạch khủng nhưng thực tế đang cho thấy kết quả ngược lại. Cổ phiếu lao dốc và nhiều nhà đầu tư mất tiền vì kỳ vọng của các ông chủ doanh nghiệp. Cổ phiếu HVG đã rớt 50% giá trong vòng 1 năm qua, chỉ còn 5.500 đồng/cp.
Tham vọng tỷ USD của ông Dương Ngọc Minh đang trở nên xa vời hơn bao giờ hết khi các hàng loạt các kế hoạch của đại gia ngành thủy sản đứng trước nguy cơ đổ vỡ.
Trước đó, ông Dương Ngọc Minh cũng đã phải bán tài sản trả nợ sau một chuỗi ngày vung tiền ngàn tỷ vào hàng loạt các vụ thâu tóm trong ngành thủy sản. HVG đã thoái vốn và giải thể CTCP Địa ốc An Lạc. Hùng Vương thanh lý hết các bất động sản hiện có thuộc Địa ốc An Lạc, gồm rất nhiều lô bất động sản ở những vị trí đắc địa tại TP.HCM.
Trước đó, HVG đưa ra một kế hoạch kinh doanh 2017 rất ấn tượng, với doanh thu hợp nhất 20 ngàn tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 400 tỷ đồng, tương ứng cao hơn 11% và gấp 7 lần con số thực hiện 2016.
Tuy nhiên, những gì thực hiện thì hoàn toàn ngược lại. HVG lỗ hơn 130 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh 3 quý của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán (TTCK) đa số là tích cực, với hàng loạt các đơn vị báo lãi cao gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm trước. Đây là lý do khiến thị trường sôi động trong 10 tháng qua.
Tuy nhiên, cũng có hàng chục doanh nghiệp gặp khó khăn và thua lỗ giống như Thủy sản Hùng Vương của ông Dương Ngọc Minh. Nhiều doanh nghiệp vẫn ở trong tình trạng thua lỗ liên miên và chưa có cơ hội phục hồi.
CTCP Vận tải Biển Việt Nam - Vosco (VOS) vừa công bố lỗ 9 tháng hơn 230 tỷ đồng, lũy kế lỗ lên tới cả ngàn tỷ đồng. Doanh nghiệp này lỗ quý thứ 11 liên tiếp và chưa có dấu hiệu hồi phục.
Vinaconex 39 (PVV) cũng ghi nhân quý thứ 7 lỗ liên tiếp. Trong khi Đạm Hà Bắc ôm khoản lỗ hơn 2,2 ngàn tỷ đồng…
Ở chiều ngược, phần lớn các doanh nghiệp khác có kết quả kinh doanh ấn tượng. Nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản, thực phẩm, bán lẻ… có kết quả kinh doanh rất tốt.
Giới đầu tư vừa nhận được thông tin khá bất ngờ từ một ngân hàng thuộc tầm trung trên thị trường và trước đó gặp rất nhiều khó khăn sau một thương vụ sáp nhập.
Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) của ông Đỗ Quang Hiển vừa lãi đột biến từ hoạt động dịch vụ. Mảng dịch vụ của SHB bất ngờ vượt qua 3 ông lớn BIDV, Vietcombank, VietinBank và làm nên kỷ lục mới trên thị trường.
SHB báo lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt gần 850 tỷ đồng, cao gấp 15 lần cùng kỳ và vượt cả thu nhập lãi thuần. Đây là tín hiệu rất tốt bởi lợi nhuận ngân hàng Việt Nam lâu nay vẫn phụ thuộc quá lớn vào tín dụng.
Hàng loạt các cổ phiếu lớn sắp IPO và lên sàn cũng làm cho tính hấp dẫn của TTCK tăng cao.
Trong phiên đầu tháng 11, VN-Index đã chinh phục lại ngưỡng 840 điểm cho dù áp lực chốt lời tăng cao và tình trạng “xanh vỏ đỏ lòng” vẫn còn. Các cổ phiếu lớn như ROS, VNM, GAS, SAB, FPT, MSN, VIC, VJC và các cổ phiếu ngân hàng như BID, CTG, VCB,… đã nâng đỡ thị trường.
Thị trường cũng có những tín hiệu tích cực hơn khi có sự tăng giá của nhiều nhóm ngành.
Khối ngoại mua ròng phiên thứ 5 liên tiếp với giá trị mua ròng đạt 260 tỷ đồng. Các cổ phiếu được mua ròng nhiều là: VNM, KDH, VIC, VJC, HBC, VCG…
Về tổng thể, thị trường chứng khoán được đánh giá có triển vọng dài hạn vẫn khá tích cực. Quy mô và chất lượng sẽ còn tăng mạnh và đây là yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư lớn trên thế giới.
Theo đánh giá chung của nhiều CTCK, thị trường vẫn tiềm ẩn nguy cơ điều chỉnh và cần thêm thời gian để kiểm chứng về mức độ bền vững của dòng tiền tại một số nhóm dẫn dắt như dầu khí, hàng tiêu dùng... Nhưng nhìn chung về dài hạn vẫn tích cực.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 1/11, VN-index tăng 5,43 điểm lên 842,71 điểm; HNX-Index giảm 0,18 điểm xuống 104,98 điểm. Upcom-Index giảm 0,2 điểm xuống 52,3 điểm. Thanh khoản đạt gần 225 triệu cổ phần được giao dịch. Giá trị đạt 4,5 ngàn tỷ đồng, thấp hơn so với mức trung bình những tuần sôi động gần 4,8 ngàn tỷ đồng hồi tháng 6-7.
Tác giả: H.Tú
Nguồn tin: Báo VietNamNet