Trong nước

Đại biểu đề xuất Quốc hội họp 4 kỳ/năm

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) đề xuất nên nghiên cứu có thể thiết kế 4 kỳ họp trong năm, mỗi kỳ có thể khoảng 2 tuần, thay cho 2 kỳ họp/năm như hiện nay.

Tiếp tục chương trình kỳ họp, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu đề xuất Quốc hội nên họp 4 kỳ trong năm, mỗi kỳ có thể khoảng 2 tuần, thay cho 2 kỳ họp/năm như hiện nay.

Theo đại biểu, thay đổi này sẽ giúp xử lý kịp thời những nhiệm vụ của Đảng, của Quốc hội, của Chính phủ. Khi xuất hiện những vấn đề bức xúc của cử tri cũng được đưa ngay đến diễn đàn nghị trường.

Bên cạnh đó, hầu hết các đại biểu Quốc hội là kiêm nhiệm và kiêm nhiệm thì nhiệm vụ chuyên môn đương nhiên phải là chủ yếu, khi thiết kế khoảng 2 tuần thì các đại biểu Quốc hội cũng sẽ dễ dàng trong việc sắp xếp, bố trí, thiết kế thời gian để thực hiện công việc của mình, để tránh việc đại biểu phải nghỉ nhiều, vắng nhiều.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu đề xuất Quốc hội nên họp 4 kỳ trong năm

“Tất nhiên, việc thiết kế kỳ họp phải nghiên cứu để phù hợp trong mối quan hệ với các Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương để sau đó còn thực hiện các nhiệm vụ của các Hội nghị Trung ương”, đại biểu nói.

Đồng thời, theo đại biểu, điều này cũng phù hợp về tâm lý và sức khỏe, giúp các đại biểu vừa tham gia họp được tốt nhất, có sức khỏe tốt nhất và công việc chuyên môn cũng tốt nhất.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) lại đề xuất, đại biểu Quốc hội không thể và không nên là công chức hành pháp, tư pháp, vì như vậy sẽ khó có thể thực hiện triệt để nguyên tắc hiến định, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp.

“Đại biểu Quốc hội là người của nhân dân, trước hết phải được lựa chọn từ nhân dân và do nhân dân lựa chọn. Đại biểu dân cử là chính khách nhưng không nên bị ràng buộc bởi ngành mà phải bị ràng buộc bởi cử tri”, đại biểu nói.

Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội cũng cho rằng, cần phát triển đại biểu dân cử từ cán bộ hưu trí đã kinh qua công tác, có kinh nghiệm và bản lĩnh chính trị tham gia Quốc hội, Hội đồng nhân dân.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân đề nghị nâng tuổi đại biểu Quốc hội (ảnh QH)

Theo đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương), nếu tăng đại biểu chuyên trách là chìa khóa để nâng cao về chất lượng hoạt của Quốc hội thì còn lý do nào khác để Quốc hội tranh luận?

Đại biểu cho rằng, không ít đại biểu chuyên trách ở thời điểm hoàng hôn nhiệm kỳ, nhưng không thể phủ nhận trình độ, năng lực tư duy và bản lĩnh nghị trường của nhiều người trong số đó mà các đại biểu trẻ khó lòng có được. Sau 5 năm chắt lọc tinh hoa, kiến thức, kinh nghiệm quốc hội, cuối cùng họ cũng phải lui về vì những quy định cứng nhắc trong điều kiện, đây có phải là một sự lãng phí nguồn lực. Dự thảo luật này phải giải quyết thực tiễn trên ra sao để giữ được những tinh hoa làm trụ cột thứ nhất trở thành trung tâm thật sự của Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị sửa luật theo hướng là quy định tỷ lệ tối thiểu đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách là 40% để có cơ sở phấn đấu quy hoạch bố trí cán bộ.

“Nếu cứ quy định là tối thiểu, ít nhất là 35%, có thể phấn đấu lên 40%, 50%, 60% nhưng nói như thế thì rất vô cùng, không có ngưỡng để phấn đấu. Chúng ta chỉ cần làm 35,1% cũng khá rồi. Tôi đề nghị nên mạnh dạn nâng lên ít nhất là 40% để phấn đấu”, đại biểu nhấn mạnh.

Tác giả: Phương Thảo

Nguồn tin: Báo Pháp luật và Xã hội

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP