Nút giao thông phía Tây cầu Rồng được đề xuất cải tạo thành nút giao thông khác mức với 2 hầm chui |
Trong đó, nút giao khác mức bằng hầm chui, kết hợp cầu vượt được đánh giá là phù hợp nhất...
Vì sao chọn hầm chui?
Ghi nhận thực tế từ 17h - 19h hàng ngày, lượng phương tiện qua nút giao phía Tây cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý ken đặc người, xe. Nhiều phương tiện phải mất 2-3 chu kỳ tín hiệu đèn mới vượt khỏi nút giao.
Khảo sát các đơn vị tư vấn cho thấy, đây là các nút giao thông phức tạp, đặc thù gồm nhiều đèn tín hiệu gần nhau, có 18 hướng giao thông tập trung vào nút, trong đó có 3 trục giao thông chính... Điển hình, nút phía Tây cầu Trần Thị Lý là cụm 3 nút giao gần nhau 120-150m, tập trung nhiều nhà hàng tiệc cưới, hướng chính đi vào sân bay. Trong khi đó, lưu lượng thực tế của một số nhánh đường vào các nút giao đã đạt ngưỡng khả năng thông hành.
"Cần có giải pháp phân luồng tăng cường khả năng lưu thông theo trục dọc Bắc - Nam; kế đến cải tạo các nút giao thông này thành nút giao nhau khác mức theo hình thức nút giao liên thông”. TS. KTS Tô Văn Hùng |
Theo lãnh đạo Sở GTVT Đà Nẵng, đây là hai điểm “nóng” xung đột giao thông cần cấp thiết đầu tư, cải tạo sớm. Với tốc độ tăng trưởng phương tiện của Đà Nẵng lên đến 14,5%/năm hiện nay, chỉ 1-2 năm tới nếu không triển khai cải tạo, hai nút giao trên sẽ ùn tắc kéo dài. Cái khó là phương án phải đảm bảo quan điểm thiết kế: Hạn chế đến mức tối đa thay đổi cảnh quan khu vực, đặc biệt khu vực Cổ viện Chàm, cầu Rồng; Đảm bảo tổ chức giao thông cho cả cụm nút giao, hạn chế phân tán lưu lượng giao thông qua các nút lân cận, tránh hình thành các điểm xung đột ùn tắc mới; hạn chế tối đa công tác GPMB, thu hẹp dòng chảy của sông Hàn... và đảm bảo phương án tài chính.
Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng Lê Văn Trung cho hay, thời gian qua, thành phố tập trung lấy ý kiến các chuyên gia, đơn vị tư vấn thiết kế, người dân... Qua đó, chọn 5 phương án cải tạo nút giao phía Tây cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý với giải pháp chính: Cùng mức, khác mức bằng cầu vượt, khác mức bằng hầm chui (có kết hợp cầu vượt ở nút giao phía Tây cầu Trần Thị Lý).
Tại hội thảo chuyên đề về cải tạo hai nút giao này do Đà Nẵng tổ chức mới đây, các chuyên gia chỉ rõ trên cơ sở đánh giá hiện trạng, tính phù hợp so với quy hoạch được duyệt và kết quả từ mô hình cho thấy, phương án cùng mức, phân luồng giao thông đều gây tác động trên các trục chính khu vực trung tâm qua cầu Rồng hoặc cầu Trần Thị Lý, không giải quyết triệt để vấn nạn ùn tắc giao thông. Trong khi đó, giải pháp nút giao khác mức được đánh giá phù hợp, đảm bảo tiêu chí thiết kế nút giao.
“Phương án khác mức được đánh giá tối ưu nhất, đảm bảo hiệu quả tổ chức giao thông và phương án tài chính. Cụ thể, phương án cùng mức ở nút giao phía Tây cầu Rồng cần đến 1.100 tỷ đồng (xây dựng 20 tỷ, còn lại GPMB), nhưng phương án hầm chui chỉ 250-350 tỷ đồng (tùy 1 hay 2 hầm chui)”, lãnh đạo Sở GTVT cho biết.
Tránh trộn dòng phương tiện
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, giảng viên Khoa Kết cấu công trình (ĐH GTVT Hà Nội) cho hay, phương án 2 hầm tại nút giao phía Tây cầu Rồng sẽ giải quyết tốt vấn đề ùn tắc. Nhưng cần tính đến phương án lưu thông tổng thể. Như hướng lưu thông từ sân bay quốc tế Đà Nẵng qua đường Nguyễn Văn Linh, muốn về đường Bạch Đằng phải vòng qua đường 2/9 để qua hầm, tránh gây xung đột và trộn dòng phương tiện. Vị trí nút giao cầu Trần Thị Lý, ông Nghĩa đề xuất có đường ven sông Hàn để tạo cảnh quan và giải quyết tốt ùn tắc.
“Như vậy, cầu vượt ở nút giao này có thể không cần thiết, tiết kiệm được kinh phí. Đồng thời, giảm diện tích hở của hầm để tăng diện tích sử dụng của mặt đường bên trên”, ông Nghĩa nói.
Nút giao phía Tây cầu Rồng có hai phương án khác mức gồm 1 hầm chui và phương án 2 hầm (1 hầm nối liền đường Trần Phú - đường 2/9, dài 120m và 1 hầm nối liền đường Bạch Đằng nối dài - đường 2/9 đến Bạch Đằng, dài 120m). Nút giao phía Tây cầu Trần Thị Lý được đề xuất cải tạo bằng hầm chui kết hợp cầu vượt gồm: Hầm chui bắt đầu từ Bộ Chỉ huy QK5 chui qua nút Núi Thành kéo dài qua đường 2/9 và tiếp tục chui dưới nút đường Bạch Đằng nối dài, kết thúc cách đầu cầu Trần Thị Lý 175m. Cầu vượt thép thiết kế theo hướng trục đường 2/9, với kinh phí dự kiến khoảng 520 tỷ đồng. |
PGS. TS. Phan Cao Thọ, Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Đà Nẵng cho rằng, việc đầu tư hai hầm tách biệt tại nút giao Tây cầu Rồng cần phải có phương án phân luồng từ xa để tránh xung đột chứ không phải chỉ giải quyết ngay tại trục chính. “Nút giao cầu Trần Thị Lý làm nút giao thông khác mức 3 tầng là hợp lý. Nhưng cũng cần xem lại là làm ngay hay phân kỳ đầu tư. Nếu với 520 tỷ mà làm được nút giao 3 tầng như vậy là quá tốt”, ông Thọ nói.
Ông Đặng Hoàng Hiệp, Trưởng phòng Thiết kế đường, Trung tâm Tư vấn quốc tế Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) nhận định, phương án hai hầm chui tại nút giao thông Tây cầu Rồng sẽ giải quyết được hiệu quả vấn đề ùn tắc giao thông của Đà Nẵng. Đơn vị tư vấn cũng đề xuất cần có phương án cụ thể để các phương tiện lưu thông một cách thuận lợi nhất như rút ngắn độ dài hầm để giảm chi phí đầu tư và khi các phương tiện rẽ trái đi lại cũng thuận lợi hơn.
Theo ông Hiệp, việc cải tạo nút giao thông Tây cầu Trần Thị Lý cần xem xét phân kỳ đầu tư. Giai đoạn 1 làm hầm, giai đoạn 2 mới xem xét làm cầu. Việc đầu tư hầm rất cần thiết vì nhà ga sân bay quốc tế Đà Nẵng, lúc đó lưu lượng phương tiện trên đường Duy Tân rất lớn. Còn cầu vượt, cần xem xét vì ảnh hưởng đến cảnh quan.
Tác giả: Vĩnh Nhân
Nguồn tin: Báo Giao thông