Tin địa phương

Đà Nẵng: Vỡ quỹ đất vì quản lý kém

Vấn đề vỡ quỹ đất tái định cư (TĐC) tại TP.Đà Nẵng được đưa ra 'mổ xẻ' tại chương trình 'HĐND với cử tri', trong đó có trách nhiệm quản lý lỏng lẻo của các địa phương.

Hiện trạng dự án kênh thoát lũ Hòa Liên.ẢNH: N.T

Trả lời kiểu “cho uống thuốc an thần”

Câu chuyện tiến độ dự án kênh thoát lũ xã Hòa Liên (H.Hòa Vang) kéo dài hơn 2 năm vẫn chưa xong (Báo Thanh Niên đã phản ánh) được nhiều đại biểu đưa ra phân tích trong chương trình đối thoại trước kỳ họp thứ 4 HĐND TP.Đà Nẵng khóa 9 nhiệm kỳ 2016 - 2021 tổ chức sáng qua (14.11).

Ông Tô Hùng, Trưởng ban Đô thị HĐND TP.Đà Nẵng, cho rằng nguyên nhân chính khiến dự án chậm do lúc chuẩn bị đầu tư, lập dự án, khảo sát thì chỉ có 87 hộ dân với 145 lô đất TĐC, nhưng nay phát sinh thêm 44 hộ và 90 lô đất, phải lấy đất trường học và thêm quỹ đất công cộng chia lô nhưng vẫn không đủ.

"Quận, huyện cố gắng quản lý cho tốt. Thanh tra TP sẽ cho thanh tra một số, xử lý hết xã phường, địa phương để xảy ra sai sót"

Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng

Bà Phan Thị Thúy Linh, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP, cho biết không chỉ ở Hòa Liên mà một số dự án TĐC Q.Ngũ Hành Sơn, hay 4 dự án ở Q.Cẩm Lệ, cũng chậm giải tỏa đền bù với lý do tương tự, trong khi quỹ đất TĐC nơi khác của TP vẫn còn nên cần cơ chế linh hoạt hơn mới giải quyết được. “Trong khi đó Trung tâm Phát triển quỹ đất TP sau khi sáp nhập 3 ban cấp dưới và mở 3 chi nhánh, 7 tháng qua chưa có cơ chế thống nhất, xử lý vướng mắc lòng vòng”, bà Linh thẳng thắn.

Ông Nguyễn Nho Trung, Phó Chủ tịch HĐND TP (chủ trì cuộc họp), cũng đề cập dự án kênh thoát lũ xã Hòa Liên trễ 20 tháng, HĐND nhiều lần hỏi nhưng cơ quan chức năng chỉ trả lời kiểu “cho uống thuốc an thần” chứ không ai dám cam kết tiến độ. “Giải tỏa đền bù là vấn đề bức xúc của cử tri, người dân cần ổn định cuộc sống, dự án cần triển khai nhanh, tiền đầu tư từ phát hành trái phiếu phải trả nợ. Nguyên nhân Trung tâm Phát triển quỹ đất với các chi nhánh chưa đồng bộ, chưa hiệu quả cần phải làm rõ trách nhiệm”, ông Trung khẳng định.

Không “kiếm” đủ đất để giải tỏa

Ông Nguyễn Nho Trung dẫn chứng thêm về việc vỡ quỹ đất TĐC ở dự án giải tỏa ô nhiễm xung quanh nhà máy thép Dana Úc, Dana Ý xã Hòa Liên, ban đầu chỉ 150 hộ dân nhưng giờ cần đến… 1.300 lô đất, nên không thể “kiếm” đâu ra đủ đất để giải tỏa. Rồi ở Hòa Xuân cũng bị đội chi phí phát sinh giải tỏa từ 54 tỉ đồng lên 106 tỉ đồng.


Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, cho rằng vấn đề giải tỏa TĐC hiện đã phân cấp xuống quận huyện nên không thể đổ cho ai được nữa. TP chỉ phê duyệt về mặt nguyên tắc, trách nhiệm lớn ở chính quyền địa phương các cấp không quyết liệt, chưa kể “việc gì cũng giấy tờ, họp qua trình lại rất lâu”. Chủ tịch TP dẫn chứng dự án đường gom đường sắt từ ngã ba Huế đến cầu vượt Hòa Cầm, ban đầu Giám đốc Sở KH-ĐT Lê Văn Sơn nói “yên tâm chỉ có 40 tỉ thôi” nhưng nay đã đội vốn gấp 3 - 4 lần. “Kênh thoát lũ Hòa Liên đụng vô không đủ đất TĐC mà cấp. Mở đường Hoàng Văn Thái hy vọng khai thác, đấu giá quỹ đất 2 bên trả lại vốn, nhưng riêng đền bù giải tỏa không đủ để làm đường”, ông Thơ nói.

Ông Huỳnh Đức Thơ cho rằng công tác quản lý nhà nước, phân cấp cho quận huyện quản lý từ lâu quản lý lỏng lẻo, vừa qua kêu gọi đầu tư 3 - 4 khu công nghiệp nhưng nhà đầu tư khảo sát đều lắc đầu “bởi ngó thì đồng không mông quạnh nhưng có sổ đỏ hết, đền bù không nổi”.

Ông Thơ kể, có lần đột ngột thị sát khu vực Ga đường sắt mới đã chứng kiến cảnh lấp ruộng đồng ao hồ để dân xây nhà rồi cấp sổ đỏ, khiến TP rất khó khăn quy hoạch đô thị. “Quận, huyện cố gắng quản lý cho tốt. Thanh tra TP sẽ cho thanh tra một số, xử lý hết xã phường, địa phương để xảy ra sai sót”, ông Thơ khẳng định.

Tác giả: Nguyễn Tú

Nguồn tin: Báo Thanh niên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP