Tin địa phương

Đà Nẵng ứng phó với “tour không đồng” như thế nào?

Đà Nẵng sẽ xúc tiến mở rộng thị trường Đông Bắc Á, Ấn Độ, Nga, Tây Âu… để đa dạng nguồn khách, tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc đang nổi lên tình trạng “tour không đồng” làm phát sinh nhiều vấn đề

Luật Du lịch, Luật Xuất nhập cảnh còn nhiều kẽ hở

Như tin đã đưa, ngày 11/6, Văn phòng UBND TP Đà Nẵng đã nhận được văn bản số 174/BC-SDL do Phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Nguyễn Xuân Bình ký ngày 8/6, báo cáo về tình hình hoạt động kinh doanh lữ hành khai thác khách thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc trong 6 tháng đầu năm 2018.

HDV người Trung Quốc đang hướng dẫn du lịch trái phép tại chùa Linh Ứng Bãi Bụt, Đà Nẵng (Ảnh: HC)

Báo cáo đã nêu lên những tồn tại, hạn chế trong hoạt động của các doanh nghiệp lữ hành, trong hoạt động của hướng dẫn viên (HDV) cũng như trong công tác quản lý nhà nước và phối hợp liên ngành trên địa bàn trước tình trạng thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc tăng trưởng nóng đi cùng với việc kinh doanh tour giá rẻ (tour không đồng) làm phát sinh nhiều vấn đề bất cập.

Theo Phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Nguyễn Xuân Bình, Hàn Quốc và Trung Quốc với lợi thế thị trường gửi khách lớn, có sự cạnh tranh khốc liệt về giá để thu hút khách. Việc khai thác tour giá rẻ của hai thị trường này là tình trạng chung đối với nhiều điểm đến tại Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới hiện đang phải đối mặt.

Trong bối cảnh đó, theo Sở Du lịch Đà Nẵng, một trong nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế trong hoạt động kinh doanh lữ hành khai thác khách thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc là “điều kiện thành lập doanh nghiệp kinh doanh lữ hành với quy định đơn giản; do đó các tổ chức, cá nhân dễ dàng thành lập doanh nghiệp để cho người nước ngoài sử dụng tư cách pháp nhân hoạt động kinh doanh du lịch trái pháp luật”.

Mặt khác, kinh doanh lữ hành là hoạt động có tính chất tổng hợp với sự liên kết của các chuỗi cung ứng dịch vụ, chịu tác động của nhiều yếu tố trong từng thời điểm, phạm vi rộng và linh hoạt, liên quan nhiều lĩnh vực. Trong khi đó, văn bản pháp luật một số lĩnh vực có liên quan chưa chi phối kịp thời và còn chồng chéo, tạo kẽ hở cho doanh nghiệp hoạt động trái pháp luật. Đồng thời mức xử phạt lĩnh vực du lịch chưa tạo được sự răn đe cao đối với hành vi vi phạm.

“Đặc biệt, Luật Xuất nhập cảnh chưa quy định cụ thể phạm vi công việc đối với thị thực doanh nghiệp (cấp cho người nước ngoài vào làm việc với doanh nghiệp tại Việt Nam). Do đó người nước ngoài dễ dàng nhập cảnh dưới hình thức chuyên gia, hỗ trợ tư vấn để trực tiếp tham gia điều hành doanh nghiệp, hướng dẫn trái pháp luật. Đồng thời, chưa có quy định chặt chẽ trong việc quản lý, giám sát đối với doanh nghiệp trực tiếp bảo lãnh thực hiện thủ tục nhập cảnh cho du khách Trung Quốc!” – Ông Nguyễn Xuân Bình nhấn mạnh.

HDV mới vào nghề chấp nhận tiếp tay cho người nước ngoài làm trái pháp luật

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Bình, vai trò của các Hiệp hội Du lịch, Hội Lữ hành chưa thể hiện rõ, chưa tạo được sự đồng thuận và gắn kết trong cộng đồng doanh nghiệp, Do đó các đối tác nước ngoài giữ vai trò chủ động trong việc gửi khách, dễ dàng thao tứng và chi phối. Mặt khác, Luật Du lịch không bắt buộc các doanh nghiệp lữ hành phải thực hiện các chương trình du lịch trọn gói, nên các doanh nghiệp lách luật để không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế.

Đối với HDV, theo Sở Du lịch Đà Nẵng, hiện nay điều kiện cấp thẻ còn đơn giản, phạm vi hoạt động toàn quốc nên có nhiều khó khăn trong việc quản lý hoạt động của đội ngũ này. Đặc thù của nghề HDV đòi hỏi yêu cầu cao về nghiệp vụ và ngoại ngữ. Do đó, để có một HDV giỏi về kỹ năng, ngoại ngữ và có đạo đức nghề nghiệp tốt sẽ khó khăn hơn các ngành nghề khác trong lĩnh vực du lịch và đòi hỏi thời gian dài trong nghề, phải có ý thức tự trau dồi học hỏi.

Ông Nguyễn Xuân Bình nhấn mạnh: “Phần lớn HDV mới cấp thẻ là sinh viên ngoại ngữ vừa tốt nghiệp, đi làm HDV với mục đích kiếm tiền để trang trải cuộc sống, đã chấp nhận tiếp tay cho người nước ngoài hướng dẫn trái phép để được doanh nghiệp lữ hành trả lương cố định từ 5 – 7 triệu đồng/đoàn khách.

Bên cạnh đó, đặc thù của thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc hiện nay chủ yếu phụ thuộc vào chi tiêu mua sắm từ du khách để thu lợi nhuận bù vào chi phí tổ chức tour giá rẻ. Có sự thỏa thuận ngầm giữa doanh nghiệp lữ hành, HDV và cơ sở mua sắm, với hiện tượng giao khoán đoàn khách cho HDV, dẫn đến tình trạng HDV không tập trung chuyên môn do áp lực tìm nguồn thu để thu lợi nhuận cho doanh nghiệp lữ hành!”.

Mở rộng thị trường, tránh phụ thuộc vào Trung Quốc, Hàn Quốc

Trước tình hình nêu trên, Sở Du lịch Đà Nẵng đề nghị UBND TP chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh lữ hành, HDV vào mùa cao điểm tháng 7 – 8/2018; chú trọng kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp lữ hành đón khách Trung Quốc, Hàn Quốc trong việc thực hiện các hợp đồng tour với đối tác, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật. Đồng thời phát huy vai trò của Tổ phản ứng nhanh gắn với hoạt động thanh tra, kịp thời xử lý khi có thông tin phản ánh từ người dân và du khách.

Sở Du lịch Đà Nẵng cũng kiến nghị UBND TP thuê đơn vị tư vấn để tổ chức khảo sát thực trạng hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Qua đó đề xuất các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp du lịch. Tổ chức gặp mặt doanh nghiệp lữ hành và HDV để quán triệt quy định pháp luật, trao đổi về tình hình kinh doanh, tháo gỡ khó khăn vướng mắc…

Trước mắt, ông Nguyễn Xuân Bình cho biết, Sở Du lịch Đà Nẵng sẽ tham dự hội nghị tăng cường quản lý, khai thác thị trường khách du lịch Trung Quốc do Tổng cục Du lịch tổ chức ngày 13/6 tại Hà Nội để trao đổi, chia sẻ về kinh nghiệm khai thác khách Trung Quốc của các địa phương và đề xuất các giải pháp nhắm tăng cường công tác quản lý nhà nước.

Về lâu dài, ông Nguyễn Xuân Bình cho biết, ngành du lịch Đà Nẵng tập trung khai thác sản phẩm chất lượng cao; ưu tiên đối tượng khách có khả năng chi tiêu cao. Đồng thời triển khai chiến lược xúc tiến mở rộng thị trường khách Đông Bắc Á, Ấn Độ, Nga, Tây Âu… để đa dạng nguồn khách, tránh sự phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống.

“Đà Nẵng sẽ triển khai hoạt động của đại diện Sở Du lịch tại Hàn Quốc và thiết lập đại diện của Sở tại Nhật Bản, Trung Quốc. Đồng thời nghiên cứu mở đại diện du lịch Đà Nẵng ở châu Âu. Ngoài ra, lồng ghép nội dung phổ biến các quy định pháp luật về kinh doanh du lịch trong các chương trình xúc tiến quảng bá tại các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc…” – Báo cáo của Sở Du lịch Đà Nẵng nhấn mạnh.

Tác giả: HẢI CHÂU

Nguồn tin: Báo Infonet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP