Tin địa phương

Đà Nẵng tìm lại thành phố biển đáng sống

Dù sớm hay muộn, Đà Nẵng cần phải quy hoạch tổng thể toàn bộ khu vực ven biển và ven sông để tận dụng tối đa các lợi thế không gian sông nước...

Theo Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị, mục tiêu và tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng sẽ trở thành TP biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á. Tuy nhiên, tại cuộc tọa đàm “Không gian kiến trúc cao tầng ven biển - Tầm nhìn và giải pháp” diễn ra tại Đà Nẵng ngày 4-7, các chuyên gia bày tỏ lo ngại việc xây dựng ồ ạt các công trình cao tầng ven biển đang từng ngày phá vỡ quy hoạch của một TP biển đáng sống.

Ngăn cản gió, nắng và tầm nhìn

Kiến trúc sư (KTS) Phan Đức Hải, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng, cho hay khu vực ven biển phía đông TP Đà Nẵng có mật độ xây dựng tương đối cao, tập trung nhiều công trình quy mô, cao tầng theo trục đường lớn. Tuy nhiên, hình thức công trình tiêu biểu trên toàn tuyến chưa có sự quản lý về kiến trúc tầng cao và khoảng lùi, gây ra tình trạng mặt đứng không đồng bộ, chưa tạo được hình ảnh đô thị, thiếu những không gian xanh.

“Các kiến trúc cao tầng ven biển là yếu tố quan trọng tạo nên không gian cảnh quan đô thị biển Đà Nẵng. Nhưng xu hướng phát triển nhà cao tầng bám sát chiều dài mặt biển đã ngăn cản gió, nắng và tầm nhìn ra biển. Việc xây dựng nhà cao tầng ven biển với mật độ dày đặc cũng tác động đến cảnh quan và hạ tầng đô thị” - ông Hải nói.

Nhận định về thực trạng nhà cao tầng ven biển Đà Nẵng hiện nay, ông Nguyễn Cửu Loan, Tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng, cho rằng tầm nhìn của các cấp lãnh đạo, các nhà chuyên môn thời gian qua còn hạn chế. Bên cạnh đó, vốn đầu tư luôn thiếu hụt cũng ảnh hưởng nhiều trong việc quy hoạch phát triển nên có khi chưa xây dựng xong thì công trình đã lạc hậu.

“Có khi quá xem trọng việc thu hút vốn đầu tư, các cấp lãnh đạo đã bỏ qua một số nguyên tắc cần phải giữ như không cho phép xây dựng các khu nghỉ dưỡng trên bờ biển, nhà hàng làm chắn tầm nhìn ra biển. Thiếu kiểm soát các công trình mới mọc, ít quan tâm đến giới hạn mật độ và tầng cao nên ít nhiều làm thu hẹp không gian sống và chắn hướng biển của đô thị. Cuối cùng, căn nguyên của mọi căn nguyên là do chậm về thiết kế đô thị để định hướng, dù rằng vấn đề này đã được đặt ra trước đó cả chục năm” - ông Loan nói.

Mật độ dày đặc khách sạn cao tầng ven biển TP Đà Nẵng. Ảnh: TẤN VIỆT

Người dân phải có lối ra biển

Ông Nguyễn Thế Phương, Tổng giám đốc Công ty TNHH Liên minh thiết kế quốc tế Finko, cho rằng trào lưu khai thác đất ven biển một cách ào ạt như hiện nay là rất lãng phí. Bởi thay vì đa dạng về nguồn thu, các địa phương lại đang tạo ra sự cạnh tranh trực tiếp khi mô hình các dự án đều giống nhau.

“Đà Nẵng cũng đã bỏ quên kinh tế biển. Sự bỏ quên này không phải là không tập trung đầu tư vào phát triển cảng biển, mà là sự phát triển và quy hoạch đô thị không hướng đến phục vụ cho một thương cảng quy mô quốc tế” - ông Phương nói.

Trước mắt Đà Nẵng cần rà soát các dự án phát triển đô thị, du lịch chậm triển khai, làm cơ sở tái cấu trúc lại quy hoạch vùng phía đông ven biển trên nguyên tắc tạo ra các tuyến không gian mở, không gian xanh hướng biển. Kiên quyết không sử dụng giải pháp lấn biển để phát triển du lịch, đô thị…

GS-TS-KTSNGUYỄN QUỐC THÔNG, Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam

KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng để sửa sai cho những sai lầm quy hoạch trong quá khứ, Đà Nẵng dù sớm hay muộn cần phải thực hiện quy hoạch tổng thể toàn bộ khu vực ven biển và ven sông của đô thị để tận dụng được tối đa các lợi thế không gian sông nước của mình, bảo tồn kết hợp phát triển bền vững.

Giới thiệu tám định hướng chiến lược quy hoạch khu vực ven biển và ven sông của Đà Nẵng (theo mô hình TP New York, Mỹ), ông Sơn nhấn mạnh việc phải tạo kết nối tiện lợi, mở rộng kết nối công cộng ra bờ biển, bờ sông.

“Sau hàng thập niên cho phép nhiều khu resort phát triển nối tiếp nhau hàng kilomet không những đóng cửa đối với nhu cầu lối đi công cộng ra biển của người dân, mà còn tạo nút thắt đóng cửa cơ hội phát triển của các vùng đất phía tây trục đường ven biển” - ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, đến nay không gian ven sông và bờ biển tại Đà Nẵng thường chỉ được xem là cơ hội để phát triển các dự án địa ốc. Đã đến lúc các không gian đáng giá này cần được quy hoạch tốt hơn với một tầm nhìn mới, ưu tiên bảo vệ và nâng cấp giá trị môi trường xanh của không gian ven sông và ven biển. Điều này phải đặt trong mối tương quan phục vụ lợi ích công cộng, người dân, hài hòa với lợi ích của nhà đầu tư.

Sự sung sướng mang tính ích kỷ

KTS Bùi Huy Trí, Trưởng phòng Quản lý quy hoạch và Phát triển đô thị, Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, cho biết nhiều dự án cao tầng ven biển đang còn ý kiến khác biệt trong tư duy giữa nhà quản lý và nhà đầu tư. Ngay trong hệ thống quản lý nhà nước, các tư duy vẫn còn khác nhau. “Tôi là chủ đồ án tuyến đường Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa ven biển. Các nhà hàng dọc theo Công viên Biển Đông bây giờ không hề có trong quy hoạch nhưng vẫn được mọc lên. Sự sung sướng của thực khách hay chủ nhà hàng là sự sung sướng mang tính ích kỷ. Tôi cũng thấy đau đớn lắm!” - ông Trí nói.

Tác giả: TẤN VIỆT

Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP