Đợt sạt lở tháng 10/2022 khiến hàng trăm khối đá lớn, nặng hàng tấn nằm ngổn ngang dưới gầm cầu khu vực suối Lương chảy qua đường dẫn phía Nam hầm Hải Vân. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN) |
Ngày 11/4, bà Vũ Thị Bích Hậu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố Đà Nẵng cho biết sau khi TTXVN đăng thông tin về tình trạng khô cạn tại suối Lương (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng), lãnh đạo Sở đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn đi kiểm tra, đánh giá thực tế.
Cụ thể, Sở đã giao Chi cục Thủy lợi và Chi cục Kiểm lâm thành phố Đà Nẵng phối hợp với chính quyền địa phương để kiểm tra, đánh giá hiện trạng tại khu vực suối Lương.
Đồng thời, dưới góc độ quản lý nhà nước, các chi cục nghiên cứu các đề xuất, kiến nghị của địa phương để có giải pháp bảo vệ dòng suối, báo cáo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố.
Theo ông Lê Văn Tuyến, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi thành phố Đà Nẵng, ngày 2/4 vừa qua, Đoàn công tác gồm Chi cục Thủy lợi, Chi cục Kiểm Lâm, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân phường Hòa Hiệp Bắc khảo sát, kiểm tra thực tế tại thượng nguồn suối Lương. Đơn vị đang tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với chính quyền địa phương để đề xuất, tham mưu phương án đối với việc suối Lương bị khô cạn.
Trước đó, ngày 25/3, phóng viên TTXVN đưa tin "Đà Nẵng: Đầu nguồn suối Lương cạn trơ đáy, nguy cơ thiếu nước." Theo đó, tuy chưa vào cao điểm mùa khô nhưng thượng nguồn suối Lương chỉ chảy một khe nước rất nhỏ, len lỏi qua những kẽ đá. Dòng suối trơ đáy, để lộ ra những tảng đá to, nặng hàng tấn, trơ trọi giữa rừng. Hai bên bờ suối bị sạt lở, nhiều cây cối ngã đổ xuống lòng suối.
Trên dòng suối Lương hiện có hàng chục điểm kinh doanh ăn uống không phép, cần được chính quyền quy hoạch, quản lý để phát triển bền vững. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN) |
Theo Ủy ban Nhân dân phường Hòa Hiệp Bắc, bên cạnh nguyên nhân biến đổi khí hậu, còn có nguyên nhân do thượng nguồn suối Lương (giáp với tỉnh Thừa Thiên-Huế) đã bị một khối lượng đá lớn chặn dòng, chia cắt thành nhiều dòng suối nhỏ.
Lượng nước chảy về nhánh suối Lương rất ít ỏi. Dọc hai bên bờ suối trồng nhiều cây keo lá tràm, sau nhiều năm đã bị sạt lở nghiêm trọng, đất đá tràn xuống lòng suối, cây cối ngã đổ.
Đặc biệt, sau trận lũ lụt lịch sử tháng 10/2022 tại thành phố Đà Nẵng, một khối lượng lớn đất, đá đã sạt lở, che lấp dòng chảy, làm mất các điểm tích nước tự nhiên trên mặt suối.
Việc suối Lương bị khô hạn dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nước phục vụ cho đời sống sinh hoạt của người dân Hòa Hiệp Bắc, thiếu nước tưới tiêu cho hơn 10ha đất trồng lúa ở hạ lưu suối.
Dòng suối Lương còn đóng một vai trò rất quan trọng trong việc điều tiết khí hậu của rừng Nam Hải Vân, đảm bảo môi trường sống cho động vật, thực vật tự nhiên…
Để bảo tồn, khôi phục suối Lương, cần nguồn lực lớn để thực hiện các giải pháp căn cơ lâu dài, sự chung tay vào cuộc của các cấp chính quyền thành phố Đà Nẵng và người dân địa phương./.
Tác giả: Quốc Dũng
Nguồn tin: vietnamplus.vn