Theo ông Lê Văn Trung, với sự phát triển đô thị mạnh mẽ thời gian qua, diện mạo Đà Nẵng có nhiều biến đổi sâu sắc. Cùng với đầu tư các khu đô thị mới, TP cũng đặc biệt quan tâm cải tạo các khu đô thị cũ. Nhiều tuyến đường, nút giao thông được cải tạo, mở rộng bên cạnh việc đầu tư xây dựng mới một số công trình giao thông ở khu vực nội đô đã góp phần chỉnh trang cảnh quan đô thị, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân đi lại.
Áp lực về ùn tắc giao thông khu vực trung tâm TP Đà Nẵng ngày càng gia tăng (Ảnh: HC) |
Tuy nhiên, trong bối cánh sự phát triển kinh tế, gia tăng dân số, đời sống và thu nhập của người dân được cải thiện đáng kể, nhu cầu đi lại, mua sắm, sử dụng phương tiện cá nhân gia tăng nhanh chóng thì hệ thống giao thông công cộng hiện tại chỉ mới đáp ứng được từ 1-2% so với yêu cầu. Hiện khu vực trung tâm TP đang chịu áp lực ngày càng gia tăng về điều kiện hạ tầng do số lượng các tuyến đường làm mới không theo kịp với tốc độ tăng trưởng dân số.
“Trong bối cảnh quỹ đất dành cho hạ tầng giao thông nói chung, giao thông tĩnh nói riêng còn hạn chế, nhất là ở khu vực trung tâm thì tình trạng dừng, đỗ xe tràn lan trên các tuyến phố chính xảy ra thường xuyên, gây cản trở giao thông, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, dẫn đến hiện tượng ùn tắc giao thông!” – Ông Lê Văn Trung nói.
Trước tình hình đó, ông Lê Văn Trung cho biết, Sở GTVT Đà Nẵng đã tham mưu lãnh đạo TP ban hành Nghị quyết số 102/2017/NQ-HĐND ngày 07/7/2017 thông qua Đề án “Tăng cường vận tải công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông, kiểm soát và điều tiết hợp lý các phương tiện vận tải vào trung tâm TP giai đoạn 2018-2020”.
Theo đó, 06 nhóm giải pháp trọng tâm đã được xác định ưu tiên nhằm ngăn chặn tình trạng ùn tắc giao thông từ nay đến năm 2025 đảm bảo phù hợp với hiện trạng, quy hoạch đô thị và hạ tầng giao thông TP Đà Nẵng.
Cụ thể: Nhóm giải pháp liên quan đến cơ chế, chính sách, quy hoạch GTVT; Nhóm giải pháp liên quan đến đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông; Nhóm giải pháp phát triển, mở rộng mạng lưới vận tải hành khách công cộng; nhóm giải pháp về quản lý giao thông; Nhóm các giải pháp về kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông; Nhóm giải pháp về điều tiết phương tiện cơ giới vào trung tâm TP.
“Việc phân luồng lại giao thông khu vực trung tâm TP là một trong các giải pháp quan trọng. Trên cơ sở số liệu về nhu cầu đi lại của người dân sẽ phân tích, đánh giá mạng lưới giao thông hiện trạng và xây dựng mô hình giao thông tổng thể, qua đó hỗ trợ cho quá trình tổ chức phân luồng giao thông theo không gian, thời gian nhằm khai thác tối đa hạ tầng giao thông hiện có, hạn chế ùn tắc giao thông, nhất là khu vực trung tâm TP” – Ông Lê Văn Trung nhấn mạnh.
Ông cũng cho biết, để thực hiện giải pháp này, Sở GTVT Đà Nẵng đã chủ trì triển khai khảo sát đánh giá hiện trạng giao thông đô thị; dự báo nhu cầu, xây dựng mô hình mô phỏng giao thông và xây dựng phương án phân luồng giao thông khu vực trung tâm TP. Và hội thảo “Phương án phân luồng giao thông khu vực trung tâm TP” do Sở GTVT Đà Nẵng tổ chức ngày 25/5 tới chính là để tiếp tục hoàn thiện các nội dung này.
Hội thảo nhằm tiếp nhận ý kiến đóng góp về hiện trạng giao thông đô thị (trên cơ sở số liệu khảo sát nhu cầu đi lại thực tế của: người dân, hành khách vận tải công cộng, phương tiện vận chuyển hàng hóa và kinh doanh dịch vụ vận tải tại các đầu mối trung chuyển như nhà ga, sân bay, bến xe …); dự báo nhu cầu, xây dựng mô hình mô phỏng giao thông và xây dựng phương án phân luồng giao thông khu vực trung tâm TP.
“Hội thảo cũng là dịp để các chuyên gia, các nhà khoa học và người dân cùng trao đổi, thảo luận, đề xuất ý tưởng về các vấn đề liên quan đến phương án phân luồng giao thông khu vực trung tâm TP Đà Nẵng để Sở GTVT tiếp thu, xây dựng hoàn chỉnh các phương án, kịch bản giao thông làm cơ sở triển khai trên phạm vi toàn TP trong thời gian đến!” – Ông Lê Văn Trung cho hay.
Tác giả: HẢI CHÂU
Nguồn tin: Báo Infonet