Làng chài Nam Ô phát triển theo hướng du lịch cộng đồng bền vững - Ảnh: Nguyễn Tú |
Nhiều đề án “kết hợp”
Q.Sơn Trà đang xây dựng đề án phát triển du lịch kết hợp với cộng đồng tại bãi biển Thọ Quang - Mân Thái, một trong các làng chài còn lại của Đà Nẵng vẫn giữ được nghề biển truyền thống với nhiều gia đình ngư dân cha truyền con nối. Hướng đầu tư này của quận du lịch Sơn Trà không chỉ phù hợp với định hướng phát triển các sản phẩm du lịch - lưu niệm mới, mà còn tạo sinh kế cho người dân làng chài.
Tại Thọ Quang, Mân Thái, ngoài các sản phẩm truyền thống nghề biển, địa phương còn hỗ trợ xây dựng sản phẩm lưu niệm từ cói, thổ cẩm, phát triển hộ kinh doanh “ngôi nhà biển”. Các sản phẩm được đưa vào chợ đêm Sơn Trà, phát triển nhiều chọ khác thành chợ du lịch. Đặc biệt, bãi biển Thọ Quang, Mân Thái được quy hoạch mô hình du lịch cộng đồng mà chủ thể chính là người dân địa phương với các dịch vụ ẩm thực chợ hải sản, quà lưu niệm, spa - massage, bar - pub bãi biển. Du khách đến đây được trải nghiệm một ngày làm ngư dân với các hoạt động đánh bắt, đan lưới, kéo lưới, đi câu bằng thuyền thúng... cùng với cơ hội thưởng thức loại hình văn hóa biển như bài chòi, bả trạo, hát tuồng, trò chơi dân gian.
Còn tại Q.Ngũ Hành Sơn, đề án phát triển du lịch tại Khu căn cứ cách mạng K20 (P.Khuê Mỹ), một di tích lịch sử cấp quốc gia, cũng lấy người dân địa phương làm trọng tâm. Bởi đặc thù lịch sử nơi đây hình thành nên vùng cách mạng Đa Mặn, nuôi giấu cán bộ trong lòng địch làm bàn đạp tấn công về phía sân bay Nước Mặn bên kia sông. Trong vùng di tích rộng 6ha, có hơn 50 hộ dân sinh sống với nông nghiệp và nghề chài lưới; nơi đây còn giữ được hệ thống công sự, hầm ngầm chằng chịt ngay bên dưới nhà hoặc trong khuôn viên… Trước mắt, địa đạo Xóm Đồng và một số hầm bí mật tại nhà dân được khôi phục, mặc dù còn dở dang nhưng từ đầu năm đến nay K20 đã đón gần 5.000 lượt khách tham quan, về nguồn. Trong tương lai, nơi đây nằm trên tuyến du lịch đường sông của TP, chắc chắn trở thành điểm đến hấp dẫn.
Lễ hội cầu ngư đang được bảo tồn, tạo giá trị văn hóa biển |
Xã hội hóa
Ông Nguyễn Đức Vũ, Trưởng ban quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch TP.Đà Nẵng, cho biết nếu vệt biển phía Đông đã xây dựng đề án phát triển du lịch cộng đồng có tham khảo mô hình Boracay (Philippines), thì ở vệt biển phía Tây (vịnh Đà Nẵng) TP đã có chủ trương xã hội hóa phát triển làng chài Nam Ô tạo sản phẩm du lịch mới.
Mới đây, UBND TP cũng đã giao Sở Du lịch chủ trì, cùng phối hợp Công ty CP Tập đoàn Trung Thủy thông qua đề án phát triển du lịch cộng đồng tại Nam Ô do tập đoàn này xây dựng. Đề án này nhằm phát huy tiềm năng du lịch địa phương và tạo việc làm, chuyển đổi ngành nghề cho người dân. Trước mắt, các bên xây dựng tour khám phá văn hóa, lịch sử Nam Ô trên cơ sở bảo tồn các công trình tâm linh (lăng Ngư Ông, miếu Âm Hồn, miếu Bà Liễu Hạnh...). Tiếp đến, hình thành tour khám phá lễ hội, lế tế truyền thống; tour tìm hiểu - trải nghiệm nghề làm nước mắm, nghề làm pháo, thưởng thức đặc sản... Chủ đầu tư cũng sẽ hỗ trợ đưa sản phẩm nước mắm Nam, hải sản Nam Ô vào sử dụng, phân phối tại hệ thống nhà hàng du lịch của công ty.
Ông Nguyễn Đức Vũ đánh giá, du lịch cộng đồng là xu hướng chung của thế giới, các địa bàn lân cận đặc biệt là Hội An đang phát triển rất tốt. Đà Nẵng cũng đang hướng đến, trước mắt đã có ở một số làng dân tộc phía Tây Bắc TP. “Mấu chốt của du lịch cộng đồng là sản phẩm du lịch gắn với văn hóa địa phương, người dân địa phương là chủ thể chính và thu được lợi nhuận, là đối tượng kinh tế chính”, ông Vũ chia sẻ.
Điều mấu chốt không chỉ có ý tưởng mà còn tìm kiếm nguồn lực đầu tư. Ngoài ngân sách, Đà Nẵng xúc tiến xã hội hóa cho hạ tầng, cơ sở vật chất. Ngoài ra, người dân địa phương cũng cần đào tạo nghề, nhất là nghiệp vụ du lịch… bởi họ chính là diễn viên chính, “linh hồn” của cộng đồng.
Tác giả: Nguyễn Tú
Nguồn tin: Báo Thanh niên