Người dân nợ đất tái định cư ở Đà Nẵng sẽ được vay vốn ưu đãi. (Ảnh minh họa) |
.
Để gỡ nút thắt này, HĐND TP Đà Nẵng sẽ đưa vào nghị quyết nội dung ủy thác 250 tỉ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội giúp hàng ngàn hộ dân nợ tiền đất được vay.
Nỗi ám ảnh nợ đất tái định cư
Bà Lê Thị Thu, một hộ diện tái định cư ở quận Sơn Trà bị giải tỏa vào năm 2007 và được bố trí ở khu đầu tuyến đường Sơn Trà - Điện Ngọc với điều kiện cho nợ tiền sử dụng đất 10 năm. Bà nợ tổng cộng 60 triệu đồng/90m2. Đến đầu năm 2019, gia đình gom đủ tiền trả nợ đến Văn phòng Đăng ký đất đai quận Sơn Trà để nộp, mới tá hỏa nhận được thông báo số nợ của gia đình đã lên đến gần… 2 tỉ đồng.
Số nợ dôi lên này căn cứ theo Quyết định 06/2019/QĐ-UBND có hiệu lực kể từ ngày 11/2, về quy định bảng giá đất mới của TP Đà Nẵng. Theo đó, phần lớn các khu vực trên toàn thành phố đều được áp giá đất thay đổi lên gấp nhiều lần so với bảng giá trước đó. Và với số nợ như trên, bà Thu cũng như hàng trăm hộ tương tự ở quận Sơn Trà không biết đến bao giờ mới có thể trả được.
Trong lúc bế tắc, tháng 10/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định ban hành Nghị định 79/2019 sửa đổi Điều 16 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất.
Nghị định sửa đổi Điều 16 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 10/12/2019, đồng thời Nghị định này cũng bãi bỏ Điều 16 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định về thu tiền sử dụng đất.
Thủ tướng Chính phủ giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương rà soát tất cả các trường hợp ghi nợ tiền sử dụng đất tại địa phương, nhưng đến nay chưa hoàn thành việc trả nợ để thông báo đến các trường hợp còn nợ tiền sử dụng đất về việc ghi nợ, thanh toán nợ và xóa nợ tiền sử dụng đất theo đúng quy định tại Nghị định này. Với quyết định ra đời trên, hàng ngàn hộ dân của Đà Nẵng gánh trên mình hàng trăm tỷ đồng nợ đất tái định cư như “mở cờ trong bụng”.
Đưa vào Nghị quyết ủy thác 250 tỉ đồng gỡ nút thắt
Tuy nhiên, tại Kỳ họp thứ 15 HĐND khóa IX ngày 7/7, Đại biểu Lê Xuân Hòa cho biết, tính tới 30/4, TP Đà Nẵng đã giải quyết được 1.839/2.963 hồ sơ nợ tiền sử dụng đất. Nhưng số liệu của cơ quan thuế thể hiện, có tới 3.900 hồ sơ, hiện vẫn chưa chốt được số liệu này.
Theo ông Lê Xuân Hòa, việc thực hiện Nghị định 79/2019 về thu tiền sử dụng đất tại TP Đà Nẵng đang gặp rất nhiều vướng mắc. Nhóm vướng mắc về đối tượng được thu nợ gồm đối tượng không thuộc diện ghi nợ theo Nghị định 79 nhưng đã được phê duyệt ghi nợ trước ngày Nghị định 79 có hiệu lực, song đến nay chưa làm thủ tục ghi nợ.
Các trường hợp giải tỏa trước ngày Nghị định 79 có hiệu lực, nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà chưa được làm thủ tục ghi nợ. Các hộ đã được làm thủ tục ghi nợ nhưng hồ sơ, sổ sách không tuân theo hướng dẫn của thành phố. “Đề nghị đưa các hộ dân này vào diện được ghi nợ để hoàn thiện hồ sơ và thu nợ theo Nghị định 79”, ông Hòa nói.
Một vướng mắc khác nữa cũng được các đại biểu chỉ ra, rằng trước đây thành phố cho phép chuyển nhượng tên người nhận đất tái định cư. Sau khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực, tháng 7/2014, thành phố đã chấm dứt chủ trương này.
Tuy nhiên, các trường hợp đã chuyển nhượng đất trước tháng 7/2014, có rất nhiều hồ sơ không làm được thủ tục. Lý do, người chuyển nhượng không hợp tác, đã định cư ở nước ngoài, đã chết... dẫn đến vướng mắc trong việc cấp giấy chứng nhận.
Một nhóm vướng mắc nữa liên quan các sai số, sai sót trong hợp đồng được ghi nợ, quy hoạch, dự án, tên đường… Nguyên nhân do quá trình giải tỏa diễn ra trong một thời gian dài, khối lượng hồ sơ khổng lồ. Cùng với đó, việc giải thể, sáp nhập các ban quản lý dự án trước đây. Việc này gây khó khăn trong công tác sao lục, hoàn thiện hồ sơ.
Trả lời ý kiến đại biểu, ông Trần Văn Miên, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho hay, Nghị định 79 đã triển khai hơn nửa năm nhưng số người dân nộp hạn chế vì đa số dân nghèo. Theo số liệu thống kê của cơ quan thuế, hiện nay có đến 303 hộ với số tiền 37 tỉ đồng đã nhận thông báo thuế nhưng vẫn không có tiền để nộp.
Những trường hợp này, hiện số tiền rất thấp khoảng 100 - 200 triệu đồng nhưng không đủ để nộp. Nếu sau này lên vài tỉ đồng chắc chắn các hộ sẽ không còn khả năng thực hiện. Vì thế, thành phố cần hướng dẫn để bà con tiếp cận ngay gói vay, để đến tháng 3/2021 có thể sở hữu mảnh đất của mình.
Ông Miên nêu, UBND thành phố đề nghị ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội 200 tỉ đồng để hộ tái định cư vay, bổ sung đối tượng được vay. Sau khi HĐND thành phố thông qua, UBND thành phố sẽ đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội Trung ương bổ sung đối tượng.
Trước mắt trong năm 2020, UBND TP Đà Nẵng đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội ủy thác 50 tỉ đồng cho vay theo quy định, giúp người dân giải quyết nhà ở với lãi suất 4,5%/năm, vay trong 15-20 năm. “Gói 200 tỉ cũng được đề nghị cho vay với lãi suất 4,5%/năm. Thành phố cũng đã báo cáo Chính phủ xin giãn thực hiện nghị định thêm một năm”, ông Miên nói thêm.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu và Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Nho Trung cũng có ý kiến thống nhất sẽ đưa nội dung nói trên vào dự thảo nghị quyết để biểu quyết thông qua.
Tác giả: Vũ Vân Anh
Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam