Các tỉnh miền Trung đang bước vào đợt cao điểm của dịch bệnh sốt xuất huyết. Tại thành phố Đà Nẵng, số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục tăng cao và diễn biến phức tạp.
Bà Đỗ Thị Hồng, ở phường An Khê, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng vừa vào bệnh viện vì mắc bệnh sốt xuất huyết. Bà Hồng nhập viện buổi sáng thì buổi chiều, con trai của bà cũng phải nhập viện vì căn bệnh này. Bà Hồng cho biết, bản thân bà và gia đình rất ý thức trong việc vệ sinh nhà cửa và nơi làm việc nhưng không hiểu sao lại mắc bệnh.
Số ca sốt xuất huyết ngày một tăng cao và nhập viện khi diễn biến nặng. |
“Tôi và con trai cùng bị sốt, nhưng sức khỏe của con tốt hơn. Con tôi đi xét nghiệm mới biết bị sốt xuất huyết. Chúng tôi không biết có phải nhiễm sốt xuất huyết tại môi trường làm việc hay không, hoặc do phía trước nhà tôi có một vườn rau, tôi thường sang đó tưới rau nên bị nhiễm bệnh”, bà Hồng cho biết.
Tại Khoa Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng trung bình mỗi ngày tiếp nhập 70 ca sốt xuất huyết. Chỉ riêng 3 tuần của tháng 7/2019, đã ghi nhận gần 250 ca sốt xuất huyết. Trong 6 tháng đầu năm nay, Khoa Y học nhiệt đới ghi nhận 1.300 trường hợp nhập viện điều trị sốt xuất huyết, tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng nói là trong điều kiện thời tiết nắng nóng, nhiều người nhầm tưởng bị say nắng, cảm sốt nên thường tự điều trị ở nhà, chỉ đến bệnh viện khi bệnh nặng.
Bác sĩ Trương Thị Hoa, Khoa Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng khuyến cáo: “Số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết nặng so với năm ngoái tăng cao. Đến ngày thứ 4, thứ 5, bệnh nhân bắt đầu có triệu chứng mệt ly bì, nôn mửa thì mới nhập viện. Khuyến cáo đối với người dân là không chủ quan với sốt xuất huyết”.
Người dân dọn vệ sinh xung quanh nhà ở để phòng chống sốt xuất huyết. |
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng, tính đến giữa tháng 7, trên địa bàn thành phố ghi nhận hơn 3.200 ca mắc sốt xuất huyết, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái, chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Mặc dù Đà Nẵng đã phát động chương trình diệt loăng quăng, bọ gậy phòng chống sốt xuất huyết nhưng số ca sốt xuất huyết vẫn tăng cao và diễn biến phức tạp.
Ông Nguyễn Tam Lãm, Trưởng Khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng cho biết: “Hiện nay, tại Trung tâm đã thành lập 2 đội cơ động phòng chống dịch và mỗi quận, huyện cũng thành lập 1 đội cơ động phòng chống dịch. Mỗi đội như vậy, chúng tôi cũng chủ động trang bị máy móc, máy phun hóa chất, dụng cụ điều tra cũng như xử lý bọ gậy và đặc biệt là hóa chất. Trong quá trình chúng tôi triển khai cũng mong muốn chính quyền địa phương quan tâm hợp tác tốt với ngành y tế”./.
Tác giả: Thành Long
Nguồn tin: Báo VOV