8h sáng ngày 8/2, theo ghi nhận của Người Đưa Tin, tiếng còi xe tải, tiếng gầm xe múc ngân vang liên hồi trong khuôn viên doanh nghiệp Phú Hải Hoàng, quận Thanh Khê, Tp.Đà Nẵng. Tiếng động cơ náo nhiệt báo hiệu cho một lễ xuất quân đầu năm Nhâm Dần 2022 sục sôi khí thế.
Những đoàn xe xuất quân ra công trường với tâm thế năm mới thắng lợi mới. |
Không khí, khí thế tươi vui ngày đầu năm khiến ai ai cũng phấn khởi. Như lời ông Trần Hữu Hải - chủ doanh nghiệp Phú Hải Hoàng, vượt qua năm 2021 với nhiều thăng trầm bởi dịch bệnh, năm nay, ông chọn ngày mồng 8 Tết Nguyên đán Nhâm Dần làm lễ xuất quân. Ngày lành tháng tốt, ông kỳ vọng một năm mới công việc hanh thông, thuận lợi.
"Vượt qua một năm dịch bệnh để hướng tới năm mới tươi sáng. Sau lễ xuất quân, từng đoàn xe Phú Hải Hoàng tiến về các công trình trọng điểm để làm việc, xây dựng cho thành phố", ông Hải chia sẻ.
Những cỗ máy khổng lồ sẵn sàng nơi công trường nắng gió. |
Cách quận Thanh Khê không xa, vượt qua cầu Thuận Phước là sự náo nhiệt không kém nơi miền biển Sơn Trà. Sau khi cùng gia đình đón Tết cổ truyền ấm áp, những người cha, người anh trụ cột gia đình lại tất bật dọn dẹp tàu thuyền để chuẩn bị lên đường ra khơi. Chuyến biển đầu năm luôn mang đến những cảm xúc, tâm thế đặc biệt. Đó không chỉ là kỳ vọng tôm cá bội thu mà còn là niềm kiêu hãnh biển trời đại dương xanh.
Đứng từ âu thuyền Thọ Quang, phóng tầm mắt ra xa có thể bắt trọn khoảnh khắc từng con tàu rẽ sóng nước vươn ra biển khơi. Cảnh tượng vừa đẹp vừa hùng vĩ.
Tàu thuyền rẽ sóng vươn ra biển lớn. Những chuyến biển đầu năm luôn mang nhiều kỳ vọng, tâm tư của ngư dân. |
Thuyền lớn ra khơi xa, thuyền nhỏ đánh bắt gần bờ, không khí miệt biển những ngày đầu năm chưa bao giờ hết nhộn nhịp. Cái không khí nhộn nhịp ấy là cảnh cả chục, cả trăm thuyền xúc ruốc cập bến mỗi độ sáng sớm nơi biển Thọ Quang.
Mùa ruốc thực ra bắt đầu từ tháng 11 âm lịch năm trước đến hết tháng 3 âm lịch năm sau, nhưng sôi động nhất là những ngày đầu năm. Thời điểm này ruốc vừa được giá mà hơn nữa những chuyến biển đầu năm bao giờ cũng mang lại nhiều cung bậc cảm xúc.
Theo lời một ngư dân, thuyền đi xúc sẽ khởi hành từ chiều rồi đánh bắt qua đêm cho đến tờ mờ sáng thì cập bờ. Cứ mỗi chuyến như vậy mỗi thuyền thu về non nửa tấn ruốc. Tính theo thời giá của ruốc hiện tại, con số mà thuyền thu hoạch được rơi vào tầm 2 - 3 triệu cho một chuyến đi xuyên đêm "săn" lộc biển đầu năm.
Mùa ruốc bội thu đầu năm giúp ngư dân kiếm bộn tiền. Ảnh: Ánh Dương. |
Cũng là ruốc nhưng là ốc ruốc đã và đang mang lại bạc triệu cho người dân miệt biển Đà Nẵng thời điểm này. Cứ mỗi độ mồng 5 Tết trở đi, những người con miền biển Ngũ Hành Sơn lại kéo nhau ra biển cào ốc ruốc. Mùa cào ốc ruốc ở bãi biển Đà Nẵng kéo dài từ thời điểm này đến tháng 4 Âm lịch. Gọi lại cào ốc nhưng công việc này đa phần giành cho cánh trai tráng lực lưỡng bởi sự vất vả của nó.
Ông Nguyễn Mười, ngư dân biển Ngũ Hành Sơn cho biết, mỗi sớm ông sẽ đi khảo sát rồi tung dụng cụ cào ốc ruốc. Dụng cụ cào ốc là chiếc vợt lưới mắt cá gắn lưỡi cào bằng kim loại. Để cào ốc, những ngư dân thường lội ra vùng nước cách bờ khoảng vài trăm mét đỗ lại để cào. Cứ thế thợ cào ngụp lặn nơi biển dã để cho về những mẻ ốc nặng trĩu.
Ốc sau khi được chọn lọc sẽ cho vào nước biển rửa lại để sạch cát bám. Sau khoảng 3 - 4 tiếng ngâm bằng nước biển, con ốc ruốc sạch cát thì được rửa tiếp bằng nước sạch. Từ đây, ốc được thương lái thu mua bán vào các chợ, các quán ăn để làm nên món ốc ruốc thơm lừng trứ danh của Đà Nẵng.
Ốc ruốc là đặc sản trứ danh của Đà Nẵng. Đây cũng là nguồn thu nhập đáng kể cho các ngư dân miệt biển ngày Xuân. Ảnh: Đ.T. |
Theo tính toán của nhóm thợ cào ốc ruốc ruốc, mỗi ngày họ xuống biển cào ốc mất khoảng 2 đến 3 tiếng nhưng thu về hàng chục, hàng trăm kg. Giá mỗi kg ốc khoảng 10.000 đồng cũng giúp ngư dân có thu nhập từ vài trăm cho đến cả triệu đồng nhờ nguồn lộc từ biển cả này.
Tác giả: Lê Nhâm Thân
Nguồn tin: nguoiduatin.vn