Tin địa phương

Đà Nẵng sắp hết đất

Diện tích Đà Nẵng hiện chỉ còn khoảng 14% để phát triển đô thị song đó là đất tương đối khó xây dựng.

Tuần qua, UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức Hội thảo xem xét và sửa đổi ý tưởng quy hoạch chung Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 với sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia khẳng định thực trạng quỹ đất của Đà Nẵng phần lớn đã có chủ và nếu thực hiện đúng theo quy hoạch hiện nay thì đến 2045 thành phố hết đất, cần phải đánh giá lại cách sử dụng đất của Đà Nẵng.

Chia sẻ với Đất Việt sau hội thảo, KTS Phan Đức Hải, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng, cho biết, tư vấn mới báo cáo đợt 1 - chủ yếu đi vào thực trạng, bối cảnh, nhiều vấn đề chưa đi vào trọng tâm điều chỉnh, mục tiêu điều chỉnh chưa có sự kế thừa quy hoạch cũ.

"Tư vấn chủ yếu xới công việc lên để các chuyên gia phản biện, góp ý, trên cơ sở đó tư vấn nắm và điều chỉnh cho phù hợp để báo cáo kỳ tiếp theo", ông Hải nói.


KTS Phan Đức Hải đồng tình với thực trạng về đất đai Đà Nẵng được nhiều đại biểu tham dự hội thảo đưa ra. Theo đó, diện tích đất Đà Nẵng do thiếu kiểm soát nên quy hoạch, xây dựng, mở rộng dàn trải khiến quỹ đất cho tương lai còn rất ít.

"Theo đánh giá của tư vấn, hiện Đà Nẵng chỉ còn khoảng 14% diện tích để phát triển đô thị, nhưng thực ra 14% ấy là đất xây dựng tương đối khó do gần sông nước, hay ngập lụt...

Vì vậy, các chuyên gia cho rằng cần phải xem xét lại, tư vấn cần nghiên cứu tiếp trên cơ sở quỹ đất xây dựng của Đà Nẵng còn rất hạn chế.

Đất đai là vấn đề nan giải trong quy hoạch chung Đà Nẵng vì thành phố sắp hết đất

Tư vấn cho biết có những vùng đất ở phía Tây thành phố đã có các dự án đầu tư hết, họ không muốn đụng vào song các chuyên gia đề nghị phải làm việc lại cụ thể với thành phố để thành phố chỉ đạo hướng phát triển đô thị.

Nếu còn đất hoặc có những dự án đang giao nhưng nhà đầu tư không làm thì có thu hồi được không; hoặc phải tìm cách để phát triển trong các khu vực đó, không thể nào xây dựng cho hết đất, như vậy làm sao phát triển trong tương lai được?", KTS Phan Đức Hải nêu rõ.

Về mô hình phát triển, nhiều ý kiến đề xuất Đà Nẵng có thể phải xây dựng những mô hình tái thiết lại các khu đô thị cũ, những khu đô thị có mật độ thấp để lấy quỹ đất cho xây dựng nhà ở, các công trình công cộng, cây xanh và mô hình đô thị nén TOD trong tương lai trên cơ sở cấu trúc lại các phương tiện giao thông công cộng, kết nối nhiều tầng. Những việc đó, theo ông Hải, tư vấn phải làm rõ.

Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng cho biết thêm, tư vấn chưa nói đến vấn đề phát triển không gian đô thị, các trung tâm đô thị và giải quyết các vấn đề dân cư đô thị.

"Nhìn chung tư vấn mới xới lên một số vấn đề cơ bản, còn nhiều vấn đề chưa làm rõ, chuyên gia đánh giá chưa đạt được yêu cầu, tư vấn cần nghiên cứu tiếp", KTS Phan Đức Hải đánh giá.

Nhìn lại đất đai của Đà Nẵng, vị chuyên gia thừa nhận đây là vấn đề nan giải trong quá trình làm quy hoạch chung thành phố.

"Phải xem xét lại lịch sử, quá trình phát triển để xem quỹ đất như thế nào. Nếu quỹ đất còn rất ít hoặc không còn thì phải tính tới các mô hình phát triển đô thị theo kiểu khác, hoặc các chuyên gia nghiên cứu đô thị của Đà Nẵng trên một phạm vi rộng hơn, ví dụ các vùng tiếp cận với Đà Nẵng như Điện Bàn - Quảng Nam, Lăng Cô - Thừa Thiên Huế...

Nếu đặt quan hệ quy hoạch chung là quy hoạch vùng thì sau năm 2045, Đà Nẵng không chỉ có như bây giờ, đô thị phát triển sẽ là cả một vùng mà Đà Nẵng là trung tâm. Phần này tư vấn phải nghiên cứu riêng, còn nghiên cứu như bây giờ không thể làm được đô thị 2 triệu dân vì không còn quỹ đất", KTS Phan Đức Hải lưu ý.

Dự án “Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045” được thực hiện trong 1 năm, từ tháng 1/2019 đến 1/2020.

Công ty tư vấn Surbana Jurong (Singapore) - đơn vị tư vấn quy hoạch chung thành phố, nhấn mạnh điểm mấu chốt là thành phố cần đưa ra chiến lược quy hoạch lâu dài phục vụ cho sự phát triển.

Trong lần điều chỉnh này, đơn vị đưa ra một số giải pháp quy hoạch cho thành phố như lựa chọn phương án giữ nguyên hiện trạng và mở rộng sân bay Đà Nẵng nhằm tăng tải trọng hành khách trong năm, đồng thời có kết nối tốt với các sân bay lớn của cả nước; nhanh chóng xây dựng cảng biển Liên Chiểu và có hệ thống giao thông kết nối đồng bộ với sân bay, ga đường sắt, khu công nghiệp.

Đối với việc quy hoạch nguồn nước, đơn vị đề xuất giữ nguyên hiện trạng các nhà máy nước hiện nay, phát triển thêm các nhà máy nước ở khu vực phía tây, hình thành và sử dụng hiệu quả các hồ nước có sẵn làm nơi dự trữ nguồn nước ngọt cho thành phố; bảo đảm nguồn nước thải từ các khu công nghiệp phải được xử lý tốt nhất có thể trước khi thải ra môi trường.

Trong giai đoạn 2020 - 2030 cần xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn ở phía bắc thành phố, nhưng sau 2030 đến 2045 cần xây dựng thêm ở phía nam thành phố nhằm đáp ứng được nhu cầu phát triển…

Về giải pháp đô thị, Đà Nẵng nên đi theo mô hình đô thị nén, tạo sức lan tỏa ra các vùng xung quanh.

Tác giả: Thành Luân

Nguồn tin: Báo Đất việt

  Từ khóa: đất đai , Đà Nẵng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP