Xã hội

Đà Nẵng quyết liệt chống thực phẩm bẩn

Ngày 15-4, Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) TP Đà Nẵng tổ chức lễ phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2017 với chủ đề "Sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm tươi sống an toàn; kiểm tra rượu, phòng tránh ngộ độc rượu". Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng - Đặng Việt Dũng dự và phát biểu chỉ đạo.

Còn đó những nỗi lo

Theo ông Nguyễn Tứ - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông - Lâm - Thủy sản (Sở NN&PTNT TP), hoạt động kiểm tra, kiểm soát đầu vào của rau củ quả tại TP Đà Nẵng bước đầu đã được quản lý, các sản phẩm nông - lâm - thủy sản bước đầu đã kiểm soát được thông tin xuất xứ. Bên cạnh những doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh làm ăn tốt, đảm bảo quy định thì vẫn còn một số tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chưa nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo VSATTP cho người tiêu dùng.


Phó Chủ tịch Thường trực Đặng Việt Dũng kiểm tra chất lượng sản phẩm rau - củ - quả tại chợ đầu mối Hòa Cường.


Qua công tác thanh tra ATTP năm 2016, Sở NN&PTNT đã phát hiện 175 trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật về ATTP, tiến hành xử phạt hành chính số tiền 370 triệu đồng (chiếm 13,5% tổng số cơ sở kiểm tra). Từ đó thấy nhiều cơ sở vẫn chưa tuân thủ quy định pháp luật về VSATTP và đây là nỗi lo lắng, bất an của toàn xã hội.

Ông Nguyễn Tứ cho rằng, với trách nhiệm của mình, trong thời gian đến, Sở NN&PTNT cam kết 100% động vật và sản phẩm động vật, thịt, trứng nhập vào thành phố đều được kiểm tra vệ sinh thú y và ATTP; 100% gia súc, gia cầm đưa vào giết mổ tập trung được kiểm tra trước, trong và sau giết mổ đảm bảo vệ sinh thú y. Ngoài ra, các vùng rau sản xuất tập trung trên địa bàn thành phố đều được giám sát chặt chẽ, đảm bảo sản phẩm rau ATTP trước khi đưa ra thị trường; 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh do ngành nông nghiệp quản lý trên địa bàn thành phố đều được kiểm tra xếp loại, đảm bảo điều kiện ATTP theo quy định. Bên cạnh đó, trên 90% sản phẩm thủy sản tươi sống nhập vào cảng cá, chợ cá thực hiện khai báo đầy đủ về nguồn gốc xuất xứ. Đặc biệt, ngành nông nghiệp sẽ tăng cường công tác giám sát lấy mẫu ATTP nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các sản phẩm không ATTP; đẩy mạnh hoạt động trong thanh tra chuyên ngành đột xuất về ATTP, xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân vi phạm các quy định về ATTP…

"Sở NN&PTNT kêu gọi người dân trên địa bàn thành phố hỗ trợ, cung cấp thông tin về những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông - lâm - thủy sản không an toàn để đơn vị tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm. Đồng thời, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông - lâm - thủy sản hãy là người tiên phong, có trách nhiệm xã hội trong việc cung cấp thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng và tích cực tham gia xây dựng các chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn. Đối với người tiêu dùng thì không mua, không sử dụng thực phẩm, nhất là thực phẩm đã qua chế biến không có thông tin xuất xứ sản phẩm theo quy định pháp luật", ông Nguyễn Tứ nói.

Số rượu không có hóa đơn, chứng từ mang nhãn hiệu Vodka Hà Nội, Bầu Đá bị Chi cục Quản lý thịtrường TP Đà Nẵng phát hiện, thu giữ trong thời gian gần đây. Ảnh: C. Khanh

Khó khăn trong việc kiểm soát rượu "3 không"

Theo ông Nguyễn Đình Phúc - Phó giám đốc Sở Công thương TP Đà Nẵng, thời gian gần đây, các vụ vi phạm về ATTP ngày càng tăng cao, trong đó nhiều trường hợp tử vong do sử dụng rượu tự nấu, rượu pha từ cồn công nghiệp, methenol, rượu không đảm bảo ATTP đã gây nên sự lo lắng, bức xúc trong xã hội…

Đà Nẵng hiện có khoảng 300 hộ sản xuất kinh doanh rượu, tuy nhiên con số đăng ký giấy phép kinh doanh mới chỉ dừng lại ở 2 doanh nghiệp và 3 cơ sở, số còn lại là tự phát, nhỏ lẻ. Đến nay, trên địa bàn TP Đà Nẵng chưa phát hiện trường hợp nào sử dụng methanol, cồn công nghiệp để sản xuất, pha chế rượu. Tuy nhiên, theo ông Phúc thì thực tế việc kiểm soát rượu "3 không" (không nhãn mác, không địa chỉ sản xuất, không thành phẩm) đang gặp nhiều khó khăn.

Do giá rẻ, nhiều người đã chọn rượu "quê" không rõ nguồn gốc để uống. Điều đáng nói là hầu hết các cơ sở sản xuất rượu trên địa bàn thành phố là cơ sở nhỏ lẻ, thủ công, truyền thống nên các điều kiện về máy móc, trang thiết bị hiện nay đã lạc hậu, cơ sở vật chất xuống cấp, không đáp ứng các yêu cầu về ATTP. Bên cạnh đó, hàng hóa đi vào thành phố bằng nhiều con đường khác nhau, thủ đoạn làm giả sản phẩm rượu tinh vi nên công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh rượu giả, nhập lậu, không có nguồn gốc xuất xứ còn gặp nhiều khó khăn. Từ thực tế đó, ông Nguyễn Đình Phúc cho rằng, tất cả cửa hàng ăn uống khi đăng ký kinh doanh phải có đăng ký kinh doanh rượu, kê khai rõ ràng nguồn gốc các loại rượu. Trong trường hợp loại rượu đã đăng ký gây ngộ độc sẽ dễ truy xuất nguồn gốc, tìm ra nguyên nhân. Nếu không đăng ký kinh doanh rượu mà vẫn bán thì sẽ bị đình chỉ hoạt động.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Đặng Việt Dũng cho rằng, ATTP có tầm quan trọng đặc biệt, không chỉ là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, mà còn tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Chính vì vậy, trong năm 2017, thành phố quyết liệt thực hiện chủ trương chống thực phẩm bẩn, tích cực tổ chức kiểm tra kiểm soát và triển khai nhiều biện pháp để đảm bảo VSATTP trên địa bàn. "Trong thời gian tới, tôi đề nghị các ban ngành, đơn vị, địa phương tích cực làm tốt công tác tuyên truyền để các hộ kinh doanh hiểu và chấp hành tốt yêu cầu về VSATTP; tăng cường kiểm tra kiểm soát các điểm giết mổ, các nguồn thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm tươi sống và rượu trên địa bàn. Qua kiểm tra, phát hiện tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nào có hành vi vi phạm về ATTP thì tiến hành xử lý nghiêm", ông Dũng nhấn mạnh.

Tác giả: Lê Hùng

Nguồn: Công an Đà Nẵng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP