Kinh tế

Đà Nẵng: Phát triển kinh tế biển trên nền tăng trưởng xanh

TP. Đà Nẵng được thiên nhiên ban tặng nhiều lợi thế to lớn và là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển mạnh về biển và kinh tế biển. Đây sẽ là những lợi thế để TP. Đà Nẵng hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế biển của quốc gia.

Nguồn lợi từ biển

Không khó để nhận diện TP. Đà Nẵng trong bản đồ phát triển kinh tế - xã hội khu vực ven biển miền Trung, Tây Nguyên và cả nước. Với một đô thị phát triển hướng biển cùng nhiều lợi thế sông - biển, cảng biển, cảng hàng không, danh lam thắng cảnh, du lịch nghỉ dưỡng, TP. Đà Nẵng vẫn được xem là hạt nhân trong chuỗi đô thị ven biển miền Trung.

Trong phát triển kinh tế biển, TP. Đà Nẵng có nhiều chủ trương, giải pháp quản lý, bảo vệ, khai thác tiềm năng, thế mạnh của biển theo hướng bền vững. Thành phố đã đầu tư phát triển đồng bộ các dịch vụ hậu cần nghề cá tại địa phương theo hướng là trung tâm nghề cá của khu vực miền Trung. Theo đó, thành phố phát triển số lượng tàu cá công suất lớn và cải hoán nâng cấp tàu cá công suất nhỏ để vươn khơi, hạn chế tối đa vùng ven bờ, nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản. Đầu tư đội tàu dịch vụ hậu cần nghề cá từ 5 - 10 chiếc có công suất từ 800 - 1000 CV/chiếc, cung cấp nguyên nhiên liệu và thu mua sản phẩm ngay trên biển. Thành phố từng bước đầu tư cơ sở hạ tầng ngành thủy sản tương đối hoàn chỉnh, đồng bộ. Mỗi năm, Âu thuyền - Cảng cá Thọ Quang tiếp nhận khoảng 23.000 lượt tàu thuyền và trên 129.000 tấn hải sản qua cảng. Kim ngạch xuất khẩu thủy hải sản mỗi năm đạt từ 200 - 220 triệu USD.

Hiện nay, TP. Đà Nẵng cũng đang từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông đường thủy nhằm khai thác tốt hơn tiềm năng du lịch, kinh tế biển. Hệ thống cảng biển Đà Nẵng hiện gồm Tiên Sa, Liên Chiểu và Nam Thọ (chỉ dùng cho tàu dầu). Trước thực trạng biển Đà Nẵng có nguy cơ ô nhiễm bởi nước thải và rác thải, UBND TP. Đà Nẵng triển khai hàng loạt hệ thống xử lý nước thải hiện đại dọc các bãi biển bằng vốn ngân sách, phấn đấu đến năm 2020 chấm dứt tình trạng xả thải ra biển.

Đà Nẵng đã và đang khẳng định là trung tâm kinh tế biển của cả nước

Nền tảng tăng trưởng xanh

Mặc dù kinh tế biển của TP. Đà Nẵng đã có những bước phát triển mạnh mẽ song vẫn tồn tại nhiều thách thức nếu không khắc phục sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả và bền vững. Đó là tình trạng suy kiệt nguồn lợi thủy sản ven bờ; cơ sở hạ tầng các vùng biển, ven biển còn yếu kém, lạc hậu; ô nhiễm tại vùng vịnh, cửa xả từ hệ lụy của việc khai thác du lịch “nóng”…

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành TW Đảng (khóa 12) về Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thành phố đang triển khai chương trình hành động và phấn đấu xây dựng Đà Nẵng trở thành một trung tâm kinh tế biển.

Theo chỉ đạo của Thành ủy Đà Nẵng, phát triển bền vững kinh tế biển Đà Nẵng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là quyền và nghĩa vụ của mọi tổ chức, doanh nghiệp và người dân thành phố; phát triển trên nền tảng tăng trưởng xanh, khai thác có hiệu quả và bền vững tài nguyên biển, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển.

Với Chương trình hành động của mình, TP. Đà Nẵng phấn đấu đóng góp của các ngành kinh tế thuần biển vào tổng sản phẩm trên địa bàn của Đà Nẵng đạt 10% vào năm 2025 và 15% vào năm 2030. Các ngành kinh tế biển phát triển bền vững theo các chuẩn mực quốc tế; kiểm soát khai thác tài nguyên trong khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển; chỉ số phát triển con người (HDI) cao hơn mức trung bình của cả nước; thu nhập bình quân đầu người gấp từ 1,5 lần trở lên so với thu nhập bình quân của cả nước; tiếp cận, tận dụng tối đa thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến trong khu vực và thế giới…

GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT chia sẻ, TP. Đà Nẵng là thành phố có nhiều tiềm năng về phát triển kinh tế biển, tuy vậy, cần tiếp tục triển khai đầu tư phát triển, nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch biển để thu hút, phát triển du lịch vì đây là ngành kinh tế phát triển chủ lực của thành phố. Cùng với đó, thành phố cần nghiên cứu đầu tư khai thác khoáng sản, năng lượng tái tạo và hải sản kết hợp hài hòa giữa khai thác, chế biến với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học biển.

“TP. Đà Nẵng tiếp tục rà soát quy hoạch các cụm công nghiệp ven biển, bảo đảm không ảnh hưởng đến môi trường và sự phát triển của ngành dịch vụ - du lịch; ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, các ngành công nghiệp phục vụ cho các ngành kinh tế thuần biển trên cơ sở bảo vệ môi trường. Thúc đẩy đầu tư xây dựng, khai thác điện gió, điện mặt trời và các dạng năng lượng tái tạo khác. Tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng cư dân ven biển” - GS. Đặng Hùng Võ đề xuất.

Năm 2018, kinh tế Đà Nẵng duy trì mức tăng trưởng ổn định, GRDP ước tăng 7,86% so với năm 2017; tổng thu ngân sách đạt hơn 26,5 nghìn tỷ đồng. Trong đó, ngành du lịch tăng trưởng ấn tượng nhất với 7,6 triệu lượt, đạt 102,5% kế hoạch so với năm 2017; trong đó, khách quốc tế ước đạt trên 2,8 triệu lượt, tăng 23% so với năm 2017, tổng thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch ước đạt trên 24.000 tỷ đồng. Dự báo năm 2019, thành phố có thể đón trên 8,2 triệu du khách. Năm 2018, TP. Đà Nẵng tiếp tục duy trì thứ hạng dẫn đầu cả nước về chỉ số sẵn sàng phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông; đón nhận danh hiệu “Thành phố Xanh quốc gia năm 2018” do Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) bình chọn...

Tác giả: Xuân Lam

Nguồn tin: Báo Tài nguyên và môi trường

  Từ khóa: kinh tế biển , Đà Nẵng:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP