Tin địa phương

Ô nhiễm kéo dài, nhiều hộ dân muốn dời nhà đi nơi khác

Lo lắng sức khỏe giảm sút trước tình trạng ô nhiễm môi trường kéo hoạt động của các nhà máy dệt may, nhiều hộ dân muốn chuyển đi nơi khác.

Nhiều hộ dân ở các tổ 60, 62 của phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng bức xúc trước tình trạng ô nhiễm môi trường kéo dài từ hoạt động của các nhà máy dệt may. Người dân đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị với chính quyền và ngành chức năng nhưng tình trạng ô nhiễm khói bụi, mùi hôi, tiếng ồn và nước thải vẫn chưa được xử lý triệt để. Lo lắng sức khỏe giảm sút, nhiều hộ dân muốn chuyển đi nơi khác tránh xa ô nhiễm.

Nhà bà Nguyễn Thị Thọ sát bờ tường với Tổng Công ty Dệt May Hòa Thọ

Những ngày gần đây, nhiều hộ dân sống gần khu vực sản xuất của Tổng Công ty CP Dệt May Hòa Thọ, đóng cửa nhà cả ngày lẫn đêm để hạn chế ô nhiễm tiếng ồn, mùi hôi và khói bụi. Bà Nguyễn Thị Thọ ở tổ 60, phường Hòa Thọ Đông, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng có nhà chung tường rào với Công ty này than thở, ngày nào bà cũng quét dọn nhà cửa vì có nhiều bụi bông.
Cách đây nửa năm, con trai của bà là Phạm Đình Bảo, 25 tuổi, bị ho kéo dài, bà đưa con đến Bệnh viện Tâm Trí khám bệnh. Sau khi chụp phim, bác sỹ cho biết, con bà bị lao phổi do ô nhiễm bụi, phải chuyển lên Bệnh viện Lao Hòa Khánh chữa trị. Bà Thọ lo ngại, trong xóm không chỉ mình con bà mắc bệnh viêm phổi mà một số người khác cũng mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp, viêm xoang; nhiều gia đình có ý định chuyển đi nơi khác tránh xa ô nhiễm.

Bụi vải bám khắp nơi trong nhà dân.

Theo ông Phạm Ngọc Diệp ở 163 Lê Kim Lăng, Nhà máy Dệt này đã có từ lâu. Trước đây, nhà máy chưa mở rộng sản xuất, phía sau còn là bãi đất trồng cây bạch đàn, cách xa nhà dân nên ít bị ảnh hưởng tình trạng ô nhiễm. Ông Diệp cho biết thêm, sau nhiều lần kiến nghị, doanh nghiệp cũng đã cố gắng khắc phục nhưng thời gian gần đây, mỗi khi nhà máy hoạt động, khói, bụi, mùi hôi lại phả vào khu dân cư.
Ông Nguyễn Phước Sơn, Chủ tịch UBND phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng cho biết, cách đây 15 năm khu vực này chủ yếu là đất nông nghiệp. Sau khi thành phố quy hoạch xây dựng các khu dân cư Hòa Thọ, Nam Sân Bay đã bố trí tái định cư các hộ dân sát với hàng rào của Nhà máy Dệt may Hòa Thọ và Dệt may Hải Vân. Từ đó, không tránh khỏi tình trạng ô nhiễm môi trường.

Người dân bức xúc về tình trạng ô nhiễm môi trường kéo dài nhiều năm nay.

Theo ông Nguyễn Phước Sơn, sau khi có kiến nghị của người dân, UBND thành phố Đà Nẵng đã thành lập Đoàn tiến hành kiểm tra và làm việc cụ thể với lãnh đạo 2 Công ty: "Về phía chính quyền tiếp tục theo dõi giám sát việc thực hiện cam kết trách nhiệm của Tổng Công ty Dệt may Hòa Thọ và Dệt may Hải Vân và những ý kiến chỉ đạo của Thanh tra Sở Tài Nguyên - Môi trường và UBND quận Cẩm Lệ. Trong thời gian đến cùng phối hợp với các cơ quan liên quan để tiếp tục khắc phục những hạn chế, tồn tại về vấn đề ô nhiễm môi trường trong thời gian vừa qua ở khu vực Nhà máy Dệt may Hòa Thọ và Dệt May Hải Vân, giúp nhân dân có cuộc sống ổn định."

Giải thích về tình trạng này, ông Võ Thành, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên - Môi trường cho biết, việc xử lý ô nhiễm môi trường đã được Tổng Công ty Cổ phần Dệt may Hòa Thọ triển khai nhưng chưa triệt để. Ông Thành cho biết thêm, việc khói xuất phát từ nhà máy như người dân phản ánh thực chất là hơi nước ngưng tụ trong quá trình hoạt động các lò hơi là ủi. Còn về nước xả thải trước đây có cả nước dệt nhuôm nhưng hiện Công ty bỏ khâu nhuộm nên nước thải đơn thuần chỉ là nước sinh hoạt đã qua xử lý và không có hóa chất.

Nhà máy Dệt may Hòa Thọ nằm sát nhà dân

Trao đổi với PV VOV, Lãnh đạo Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ khẳng định, thời gian qua Tổng Công ty đã tích cực cải thiện môi trường. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành các thiết bị còn để xảy ra sai sót, sắp tới tiếp tục xử lý những kiến nghị của người dân.

Theo bà Trần Tường Anh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dệt May Hòa Thọ, trước mắt, Công ty sẽ xây dựng thêm các hồ nước có mái che để cản bụi từ 2 nhà máy sợi; đồng thời lắp đặt thêm tấm hút bụi giữa các phân xưởng, làm rãnh nước phía dưới để gom bụi. Về Khắc phục tiếng ồn tại khu vực máy nén, doanh nghiệp sẽ có biện pháp cách âm, điều chỉnh quạt hút đến vị trí thích hợp, hạn chế tiếng ồn.

Bà Anh cũng cho biết: "Về lâu dài thì chúng tôi đang làm thủ tục xây dựng hệ thống đầu tư xử lý nước thải theo công nghệ mới với công suất 300 m3/ngày đêm thời gian vận hành quý 3 năm 2018. Dự kiến, chúng tôi trồng thêm 100 cây xanh. Về trách nhiệm đối với người lao động tại Tổng Công ty cũng như trách nhiệm đối với xã hội thì chúng tôi sẽ khắc phục một cách nhanh nhất trên tinh thần cầu thị làm sao cho doanh nghiệp phát triển bền vững về môi trường cũng như tất cả các khía cạnh khác"./.

Tác giả: PV

Nguồn tin: Báo VOV

  Từ khóa: Ô nhiễm , Đà Nẵng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP