|
Chiều 12/10, UBND TP. Đà Nẵng tổ chức Hội nghị đánh giá hoạt động dịch vụ du lịch thành phố 9 tháng đầu năm 2023, triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2023 và năm 2024.
Tại hội nghị, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng cho biết, các doanh nghiệp du lịch đang khó khăn về nguồn vốn, thu không đủ bù lỗ, nguy cơ đóng cửa, phá sản nếu không được hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời.
Mặc dù thị trường du lịch địa phương phục hồi tốt hơn so với các địa phương khác nhưng khách Trung Quốc chưa phục hồi; Hàn Quốc chủ yếu là khách lẻ; Ấn Độ, Đài Loan, Châu Mỹ phục hồi chậm, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Ông Dũng kiến nghị thành phố tiếp tục đề xuất Chính phủ, các bộ ngành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như: hạ lãi suất, khoanh nợ, giảm nợ, cho vay mới, tìm quỹ cho các đơn vị lữ hành. Đồng thời, xem xét điều chỉnh khung giá đất để tiền thuê đất hàng năm của các doanh nghiệp ven biển được hạ xuống.
Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng cho biết, hiện nay khách Hàn Quốc đi Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) nhiều hơn Đà Nẵng. Lý do là giá phòng ở Nha Trang thấp hơn Đà Nẵng. Cạnh tranh về giá trở thành thách thức cho các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn thành phố.
Theo ông Triết, nhiều vấn đề chưa có nghị quyết riêng của thành phố để tạo ra chính sách riêng, như: cơ chế phát triển kinh tế đêm, cơ chế thí điểm về khôi phục, đổi mới các đường bay sau dịch, cơ chế phát triển nguồn nhân lực du lịch hay cơ chế về đặt hàng của thành phố với các hiệp hội đưa khách về Đà Nẵng…
“Nói mà không có chính sách sẽ rất khó cho các ngành thực hiện và tạo ra kết quả tốt”, Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng nói.
Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho rằng, mùa du lịch bắt đầu từ đầu năm và hiện tại là thời điểm để thành phố đưa ra các giải pháp, lộ trình, chuẩn bị từ sớm để triển khai nhiệm vụ cho năm 2024.
Ông Quảng giao Ban Cán sự Đảng ủy chỉ đạo các ngành, địa phương hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm năm 2024. Tập trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động du lịch, tổng hợp, xây dựng cơ chế chính sách. Đồng thời, xây dựng hoàn thiện các sản phẩm du lịch mới, đặc thù, tầm cỡ quốc tế; mạnh dạn làm đề án thí điểm, có đánh giá rút kinh nghiệm và triển khai.
Ông Quảng đề nghị Hiệp hội du lịch, các doanh nghiệp, nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp bàn bạc và thống nhất để ban hành cơ chế thống nhất đóng góp Quỹ tài chính xúc tiến sự kiện. Cơ sở đó, xã hội hóa nguồn Quỹ để tăng cường hoạt động xúc tiến du lịch.
Đà Nẵng đặt kế hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2024 – 2025 là khôi phục hoàn toàn hoạt động du lịch, đặc biệt là thị trường khách quốc tế. Cụ thể, giai đoạn 2021-2025, khách do cơ sở lưu trú phục vụ tăng 20-22%/năm, trong đó, khách quốc tế tăng 40-41%/năm; doanh thu lưu trú, lữ hành tăng 20-22%/năm. Năm 2024, khách do cơ sở lưu trú phục vụ phấn đấu đạt 8,05 triệu lượt, tăng 13% so với năm 2023, bằng 100% so với năm 2019 (8,04 triệu lượt); trong đó, khách quốc tế 2,5 triệu lượt, tăng 15% so với năm 2023, bằng 77% so với năm 2019 (3,24 triệu lượt); khách nội địa 5,55 triệu lượt, tăng 11% so với năm 2023, bằng 116% so với 2019 (4,79 triệu lượt). Doanh thu dịch vụ lưu trú, lữ hành phấn đấu đạt 15,2 nghìn tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2023, bằng 176% so với năm 2019 (8,6 nghìn tỷ đồng). Năm 2025, khách do cơ sở lưu trú phục vụ phấn đấu đạt hơn 8,6 triệu lượt; trong đó, khách quốc tế ước đạt hơn 2,8 triệu lượt; khách nội địa ước đạt gần 5,8 triệu lượt. Doanh thu lưu trú, lữ hành ước đạt hơn 16,7 nghìn tỷ đồng. |
Tác giả: Khánh Hồng
Nguồn tin: vietnamfinance.vn