Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết phát biểu tại Hội nghị. |
Ngày 18/1, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, Quyết định 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành Quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; sơ kết 5 năm thực hiện Quy định 124-QĐ/TW ngày 2/2/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên” trên địa bàn thành phố.
Thực hiện các Quyết định, Quy định của Trung ương, thành phố Đà Nẵng đã lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt, triển khai, thực hiện trong toàn hệ thống chính trị đảm bảo nghiêm túc, kịp thời, hiệu quả. Qua đó nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về công tác giám sát, phản biện xã hội được nâng lên. Hoạt động giám sát, phản biện xã hội đã giúp cho cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến cơ sở nhìn nhận được những vấn đề còn tồn tại, hạn chế, từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc giải quyết các vấn đề có liên quan đến nhân dân. Hầu hết các nội dung kiến nghị sau giám sát đều có văn bản trả lời, phúc đáp và các ý kiến góp ý, phản biện có văn bản tổng hợp, báo cáo, giải trình.
Từ thực tiễn triển khai còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, thành phố Đà Nẵng kiến nghị Quốc hội nghiên cứu xây dựng “Luật về hoạt động giám sát và phản biện xã hội”. Trong đó, quy định rõ về trách nhiệm của các bộ, ngành trước các yêu cầu giám sát của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, cũng như bảo đảm những điều kiện cần thiết cho việc thực hiện quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội. Đồng thời, Trung ương cũng cần có những quy định mang tính chất đặc thù, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội hoạt động, trong đó có hoạt động về giám sát, phản biện xã hội.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết ghi nhận và biểu dương các kết quả mà các đơn vị đã đạt được trong thời gian qua. Nhiều nội dung giám sát, phản biện xã hội của các cấp Mặt trận và các đoàn thể đã mang lại kết quả thực tiễn, sát với ý kiến, nguyện vọng của người dân. Sau giám sát, các cơ quan liên quan đã có phản hồi, báo cáo, giải trình, kịp thời điều chỉnh những vấn đề còn tồn tại. Việc thực hiện các Quyết định, Quy định đã góp phần tăng cường sự gắn bó chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức Đảng, chính quyền với các hội đoàn thể và nhân dân thành phố. Bên cạnh đó, vẫn còn một số vấn đề tồn tại trong công tác giám sát, phản biện như: Một số cơ quan, đơn vị chưa xử lý, thực hiện nghiêm túc các kiến nghị sau giám sát, phản biện; công tác kiểm tra sau giám sát chưa được quan tâm; nguồn nhân lực, vật lực cho công tác giám sát, phản biện còn hạn chế…
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng đề nghị các địa phương, đơn vị tiếp tục tập trung triển khai các Quyết định, Quy định về giám sát, phản biện trong thời gian tới, qua đó khẳng định vai trò, vị trí của Mặt trận các cấp và các hội đoàn thể chính trị - xã hội. Ngoài ra, các cấp Mặt trận và các hội đoàn thể cần tăng cường đối thoại, tiếp thu, ghi nhận ý kiến của các tầng lớp nhân dân để góp ý, phản biện với chính quyền. UBND thành phố cần chủ động, đặt hàng các cấp Mặt trận và các hội đoàn thể về các vấn đề, công trình, dự án cần lấy ý kiến phản biện xã hội; cân đối ngân sách, bố trí kinh phí cho các hoạt động lấy ý kiến phản biện xã hội; chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện các kiến nghị sau giám sát, phản biện…
Trong 10 năm qua, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng đã ban hành 39 Kế hoạch giám sát chuyên đề, ban hành 5 Đề án phục vụ cho công tác giám sát, phản biện xã hội, về kinh phí hỗ trợ cho công tác giám sát, phản biện xã hội theo quy định của pháp luật. Mặt trận các cấp thành phố đã chủ trì tổ chức 1.104 đoàn giám sát với 448 chuyên đề; tham gia 1.865 cuộc giám sát với các cơ quan về các nội dung có liên quan. Ngoài ra, Mặt trận các cấp thành phố đã tổ chức 174 Hội nghị phản biện xã hội, tham gia phản biện bằng văn bản 885 nội dung, 90 cuộc đối thoại trực tiếp giữa MTTQ các cấp với cơ quan, tổ chức có dự thảo văn bản được phản biện...
Tác giả: Quốc Dũng
Nguồn tin: baotintuc.vn