Trong thông tin chia sẻ mới đây, bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư Đà Nẵng, cho biết thành phố sẽ tập trung cho việc nghiên cứu, lập đề án xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính khu vực. Theo đó, khu vực dự kiến làm trung tâm tài chính của thành phố là trục Võ Văn Kiệt (quận Sơn Trà). Đây là đại lộ nối từ sân bay quốc tế Đà Nẵng ra biển Mỹ Khê (từ cầu Rồng đến đường Võ Nguyên Giáp).
Đà Nẵng có nhiều lợi thế trở thành trung tâm du lịch tầm cỡ. Ảnh: Vietnammoi |
Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu bày tỏ băn khoăn. Ông Hiếu cho biết, để trở thành trung tâm tài chính ngoài việc phải xây dựng nhiều cơ chế, chính sách và phải xin chủ trương của trung ương thì Đà Nẵng cũng cần phải đáp ứng được đầy đủ các điều kiện, tiêu chí, tiêu chuẩn rất cụ thể.
Nhắc lại câu chuyện của TP.HCM một địa phương được cho là đã hội đủ các điều kiện vượt trội và có tiềm năng trở thành một Trung tâm tài chính quan trọng của quốc gia và hướng tới trở thành Trung tâm tài chính của cả khu vực và quốc tế (international financial center – IFC), thế nhưng đã 20 năm theo đuổi mục tiêu tới nay vẫn chưa thành.
TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định, những tiềm năng của TP.HCM đã thể hiện rất rõ, đó là thế mạnh về thị trường tài chính, công nghiệp - thương mại đang khẳng định vị thế của thành phố là trung tâm nhiều mặt của cả nước. Là “đầu tàu” kinh tế, là trung tâm thương mại, là cửa ngõ giao lưu quốc tế của cả nước, vì thế, TP.HCM có nhiều tiềm năng, cơ sở để trở thành trung tâm tài chính của cả quốc gia, khu vực và thế giới.
Trong khi để so sánh, Đà Nẵng chưa thể có đủ điều kiện thuận lợi cả về địa hình, địa lý cho tới những cơ sở hạ tầng, tiềm lực tài chính để biến địa phương này trở thành một trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực.
Khác với TP.HCM, Đà Nẵng chưa có đủ năng lực trung gian kết nối, phục vụ nhu cầu và hoạt động của các tổ chức tài chính và các khách hàng trên phạm vi cả nước cũng như khu vực.
Tuy nhiên, nếu nhìn về tiềm năng của Đà Nẵng, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, trở thành trung tâm tài chính của khu vực cũng có thể là ý tưởng chuẩn bị cho những năm tới, sau khi TP.HCM trở thành trung tâm tài chính của quốc gia.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia cũng đưa ra lời khuyên, Đà Nẵng nên tập trung vào khai thác 2 thế mạnh đó là BĐS và du lịch để tạo đà bứt phá cho địa phương.
"Từ tiềm năng vượt trội này, Đà Nẵng hoàn toàn có thể trở thành một trung tâm du lịch mang tầm quốc tế", TS Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm.
Từ nhận định trên, vị chuyên gia cho rằng, trước khi đặt ra câu hỏi có nên xây dựng Đà Nẵng thành một trung tâm tài chính của khu vực hay không thì nên ưu tiên cho TP.HCM làm trước.
Trước đó, nói về vấn đề này, bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư Đà Nẵng cho rằng, việc xây dựng trung tâm tài chính là đề xuất của Đà Nẵng, nhằm mục tiêu phát triển thành phố.
Với mục tiêu trên, Đà Nẵng sẽ hình thành các trung tâm thương mại tầm cỡ quốc gia, quốc tế; tuyến phố thương mại, tài chính; thành lập khu phi thuế quan nằm trong Khu phức hợp đô thị, thương mại, phi thuế quan; hướng đến mục tiêu phát triển trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á.
Tác giả: Thái Bình
Nguồn tin: datviet.trithuccuocsong.vn