Sở Du lịch TP. Đà Nẵng cho biết, hiện thành phố có 10 doanh nghiệp hoạt động du lịch đường thủy với 28 tàu, tổng sức chứa hơn 2.000 chỗ ngồi. Các tàu này được đóng mới hoàn toàn, đảm bảo các quy chuẩn và tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Dù vậy, khách du lịch đường thủy tại Đà Nẵng hiện nay chủ yếu là đi trên tuyến cảng sông Hàn đến cầu Trần Thị Lý (chiếm 95%) – chủ yếu đi buổi tối và đi tuyến cảng Sông Hàn đến Hòn Chảo (nằm giữa vùng biển Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng). Các tuyến du lịch đường thủy đường dài còn bỏ ngỏ.
Trao đổi với báo Công thương, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng, sở dĩ những năm trước dịch Covid – 19 Đà Nẵng thu hút đông đảo du khách nhờ có liên tục có những sản phẩm du lịch mới. Để phục hồi du lịch, ông Cao Trí Dũng cho rằng thành phố cần khai thông các sản phẩm du lịch đường sông còn vướng mắc bởi đây là sản phẩm du lịch cơ bản nhất còn yếu trong hệ sinh thái sản phẩm du lịch Đà Nẵng.
Tại cuộc họp triển khai phát triển du lịch đường thủy nội địa TP. Đà Nẵng ngày 15/3, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, ông Trần Phước Sơn cho rằng hiện nay các chủ tàu và nhiều doanh nghiệp đang có nhu cầu rất lớn về khai thác đường thủy, thành phố sẽ có những hướng dẫn cụ thể, nhất là quy chuẩn để đầu tư, khai thác cho đồng bộ.
95% tour du lịch đường thủy tại Đà Nẵng là du lịch trên sông Hàn, du lịch đường thủy đường dài còn bỏ ngỏ. |
Theo ông Trần Phước Sơn, cần xem du lịch đường thủy là một sản phẩm du lịch mới và hấp dẫn, từ đó đẩy mạnh thông tin, quảng bá kế nối tour tuyến để du lịch đường thủy hoạt động liên tục thay vì hạn chế như hiện nay. Đi kèm với đó là các sản phẩm, dịch vụ để thu hút du khách trải nghiệm khám phá.
Để đẩy mạnh phát triển du lịch đường thủy, TP. Đà Nẵng sẽ nghiên cứu bổ sung, quy hoạch, xây dựng các bến tàu trong quá trình thiết kế thi công các tuyến kè dọc sông Cu Để để vừa phát triển du lịch đường thủy lên đến thôn Nam Yên (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang), vừa phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn, phòng chống thiên tai.
Huyện Hòa Vang và quận Cẩm Lệ phối hợp để phát triển du lịch đường thủy dọc tuyến sông Cẩm Lệ - Túy Loan, nhất là các sản phẩm du lịch trên bờ sát các bên để du khách dừng chân.
Cũng tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng yêu cầu các Sở, ngành, đơn vị liên quan khẩn trương triển khai, hoàn thành các thủ tục, làm việc với Công ty CP Tàu cao tốc Phú Quốc để đưa vào khai thác tuyến du lịch đường thủy nội địa Đà Nẵng – Lý Sơn (Quảng Ngãi). Chuyến đầu tiên dự kiến vào ngày 29/3 tới, xuất phát từ bến cảng Sông Hàn.
Được biết, để phục vụ phát triển du lịch đường thủy nội địa, TP. Đà Nẵng cũng đang đẩy nhanh triển khai, nâng cấp, sớm đưa vào hoạt động bến CT15 phục vụ các tour, tuyến tham quan, khám phá trên biển.
Quảng Ngãi đặt mục tiêu đón 1,36 triệu khách vào năm 2025
Theo thông tin từ báo Quảng Ngãi, để thực hiện các giải pháp phát triển du lịch, tháng 11/2021, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 05 về đẩy mạnh phát triển du lịch, để đưa du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Mục tiêu của nghị quyết là phấn đấu đến năm 2025, du lịch Quảng Ngãi phục hồi và phát triển, có sự đóng góp tích cực vào nền kinh tế của tỉnh và đưa Quảng Ngãi trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn trong khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, tạo tiền đề phát triển đột phá du lịch trong giai đoạn tiếp theo. Phấn đấu đến năm 2025 đón 1,36 triệu lượt khách, trong đó có 160 nghìn lượt khách quốc tế; tăng trưởng bình quân trên 24%/năm. Tổng doanh thu từ du lịch đạt 2.780 tỷ đồng…
Để đạt mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, trong thời gian tới, Quảng Ngãi đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch và liên kết, hợp tác phát triển du lịch, mở rộng thị trường nội địa và quốc tế; xây dựng, triển khai quy hoạch du lịch trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 làm cơ sở tổ chức, phân bố không gian phát triển du lịch theo hướng tập trung nguồn lực xây dựng các khu vực động lực phát triển du lịch. Ưu tiên các vị trí tiềm năng để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, có năng lực, tiềm lực tài chính đầu tư các dự án quy mô lớn, chất lượng cao nhằm tạo động lực cho du lịch tỉnh phát triển. Huy động nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật giao thông; phát triển TP. Quảng Ngãi trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch; tập trung khai thác, phát huy hiệu quả lợi thế về tài nguyên du lịch của từng địa phương; đa dạng và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch...
Quảng Ngãi sẽ phát triển du lịch biển, đảo trở thành loại hình du lịch chủ đạo của tỉnh; xây dựng Lý Sơn trở thành đảo du lịch sinh thái, làm hạt nhân cho phát triển du lịch của tỉnh; phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp, tổ hợp giải trí cao cấp kết nối với khu đô thị - dịch vụ tại Lý Sơn, biển Mỹ Khê, biển Bình Châu, biển Bình Hải, biển Sa Huỳnh. Phấn đấu đến năm 2030, đảo Lý Sơn và khu du lịch (KDL) Mỹ Khê được công nhận là KDL quốc gia; các KDL Sa Huỳnh, Thạch Bích, Bình Châu được công nhận là KDL cấp tỉnh. Đồng thời, phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch chăm sóc sức khỏe gắn với tham quan thắng cảnh, trải nghiệm môi trường thiên nhiên và hệ sinh thái ở vùng miền núi; đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh gắn với tham quan, tìm hiểu các di tích lịch sử, văn hóa, di tích lịch sử - cách mạng, di tích khảo cổ. Tỉnh khuyến khích phát triển các loại hình du lịch cộng đồng và tạo điều kiện thuận lợi để người dân trực tiếp tham gia và hưởng lợi từ du lịch tại huyện Lý Sơn, làng du lịch cộng đồng Gò Cỏ (TX.Đức Phổ), trải nghiệm văn hóa Hrê tại huyện Ba Tơ, du lịch miệt vườn Bình Thành (Nghĩa Hành)... Đồng thời, tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch phục hồi du lịch tỉnh giai đoạn 2021 - 2023, đẩy mạnh liên kết, phát triển thị trường và tập trung kêu gọi thành công nhà đầu tư lớn, để du lịch của tỉnh phát triển đột phá trong những năm tiếp theo. |
Tác giả: Hương Anh (tổng hợp)
Nguồn tin: nguoiduatin.vn