Tin địa phương

Đà Nẵng: Mặt nạ Tuồng Việt Nam không lẫn lộn mặt nạ Kinh kịch Trung Quốc

Trong chương trình “Nghệ nhân trao truyền” lần đầu tiên được Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức sáng 23/11, nghệ nhân Bùi Quý Phong đã giúp các sinh viên nhận ra nét đặc trưng không thể lẫn lộn giữa mặt nạ tuồng Việt Nam với mặt nạ Kinh kịch Trung Quốc

Sáng 23/11, nhân kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ XIV (23/11/2004 - 23/11/2018), Bảo tàng Đà Nẵng đã lần đầu tiên tổ chức chương trình “Nghệ nhân trao truyền” mang chủ đề “Mặt nạ thời gian” với sự tham gia của Nghệ nhân làm mặt nạ truyền thống Việt Nam Bùi Quý Phong (Hội An, Quảng Nam) và sinh viên khoa Kiến trúc - Đại học Duy Tân (Đà Nẵng).

Chương trình "Nghệ nhân trao truyền" lần đầu tiên được Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức sáng 23/11 với chủ trì "Mặt nạ thời gian" (Ảnh: HC)

Trong khuôn khổ chương trình, nghệ nhân làm mặt nạ truyền thống Việt Nam Bùi Quý Phong đã giới thiệu cho các sinh viên khoa Kiến trúc – Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) những nét tổng quát về mặt nạ truyền thống Việt Nam làm bằng giấy bồi, trình bày mặt nạ truyền thống Việt Nam thông qua đường nét mặt nạ Tuồng cổ Việt Nam.

Đặc biệt, các sinh viên rất thích thú khi được Nghệ nhân Bùi Quý Phong chỉ rõ về sự khác biệt giữa mặt nạ truyền thống Việt Nam và mặt nạ các nước châu Á, nhất là sự khác biệt giữa mặt nạ dân gian, mặt nạ tuồng cổ Việt Nam với mặt nạ Kinh kịch Trung Quốc.

Nghệ nhân Bùi Quý Phong giới thiệu với các sinh viên khoa Kiến trúc (Đại học Duy Tân - Đà Nẵng) về những nét đặc trưng của mặt nạ Tuồng và mặt nạ dân gian Việt Nam so với mặt nạ Kinh kịch của Trung Quốc và mặt nạ các nước châu Á

“Mặt nạ Tuồng Việt Nam chỉ dùng 5 màu. còn mặt nạ Kinh kịch Trung Quốc có thể vẽ tới 8 hay 10 màu. Họ có thể đánh bạt màu ra để dẫn màu, còn mặt nạ của ta không dẫn màu. Mặt nạ của Việt Nam màu sắc rõ ràng, minh bạch, tôn trọng luật âm dương tuần hoàn. Và mặt nạ Tuồng Việt Nam mang hình tượng cánh chim và đầu con chim biển; còn mặt nạ Kinh kịch Trung Quốc mang hình tượng đuôi cá, mang cá!” – Nghệ nhân Bùi Quý Phong cho hay.

Và ông nhấn mạnh: “Ngoại trừ khi vẽ nhân vật thì vẽ mặt nạ Tuồng Việt Nam hết 70% có đầu và cánh chim biển. Bởi vì Tuồng ra đời trên dải biển miền Trung. Những cánh chim biển này đại diện cho Tuồng Việt Nam. Đây là điều rất vinh dự, rất vui mừng vì ông cha ta khi sáng tác Tuồng đã có những nét rất đặc trưng. Ông bà chúng ta rất giỏi, đã dành riêng cho mình một không gian sáng tạo của Tuồng Việt Nam.

Sinh viên đặt câu hỏi giao lưu với nghệ nhân Bùi Quý Phong...

và được nghệ nhân hướng dẫn cách vẽ mặt nạ truyền thống Việt Nam trên giấy bồi

Những nét đại diện của cánh chim biển, những sự minh bạch màu sắc đen – trắng, về quy luật âm dương đã làm cho mặt nạ Tuồng Việt Nam trở thành một thứ không thể lẫn lộn với bất cứ mặt nạ của quốc gia nào khác. Đặc biệt mặt nạ Tuồng Việt Nam rất đặc trưng với mặt nạ Kinh kịch Trung Quốc. Ai vẽ mặt nạ tuồng Việt Nam mà không thể hiện được nét đặc trưng, sắc thái riêng biệt đó với mặt nạ Trung Quốc là thiếu sự tôn trọng đối với ông cha chúng ta!”.

Trong dịp này, các sinh viên khoa Kiến trúc – Đại học Duy Tân cũng có dịp đặt các câu hỏi giao lưu với nghệ nhân Bùi Quý Phong và được ông hướng dẫn vẽ mặt nạ truyền thống. Ông nhấn mạnh với các sinh viên: “Mỗi mặt nạ truyền thống Việt Nam chứa đựng một thông điệp. Đằng sau mỗi mặt nạ là một linh hồn, tức là nó có vấn đề, có câu chuyện. Vẽ mà không có câu chuyện thì đừng vẽ!”.

Các sinh viên thử nghiệm những nét vẽ đầu tiên về mặt nạ truyền thông Việt Nam..

Và tác phẩm dần thành hình

Theo bà Ngô Thị Bích Vân, Phó giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, không chỉ tôn vinh, bảo tồn và quảng bá văn hóa truyền thống của Việt Nam nói chung và xứ Quảng nói riêng mà chương trình “Nghệ nhân trao truyền” còn là sự gửi gắm ước mơ, trao truyền tri thức của người nghệ nhân; và là dịp để công chúng, nhất là thế hệ trẻ tìm hiểu, khám phá và trải nghiệm thực tế nét đẹp cũng như giá trị văn hóa đặc sắc của mặt nạ truyền thống Việt Nam.

Theo Bảo tàng Đà Nẵng, từ nhiều thế kỷ trước, vùng đất giàu truyền thống xứ Quảng đã hình thành và phát triển nhiều nghề, làng nghề thủ công truyền thống. Mỗi nghề và làng nghề truyền thống ra đời, tồn tại và phát triển có vai trò quan trọng trong lịch sử phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương.

Làng nghề không chỉ đơn thuần là nơi chế tác ra các sản phẩm thủ công truyền thống mà còn là nơi lưu giữ và trao truyền tinh hoa văn hóa qua nhiều thế hệ. Và cũng chính nơi đây đã sản sinh, bảo lưu những tinh hoa nghệ thuật và kỹ thuật truyền từ đời này sang đời khác, được thể hiện qua bàn tay, khối óc của các thế hệ nghệ nhân tài năng với những sản phẩm mang bản sắc riêng của mình nhưng lại tiêu biểu cho cả dân tộc Việt Nam qua từng giai đoạn lịch sử.

Ngày nay, nhiều làng nghề ở Quảng Nam - Đà Nẵng không những là nơi làm ra rất nhiều sản phẩm được mua bán rộng rãi mà còn trở thành điểm du lịch, trải nghiệm văn hóa hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên có một thực tế là các làng nghề hiện cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm mới. Điều này khiến cho các làng nghề truyền thống ở Việt Nam nói chung và xứ Quảng nói riêng không tránh khỏi mai một dần.

Tác giả: HẢI CHÂU

Nguồn tin: Báo Infonet

  Từ khóa: Mặt nạ Tuồng , Đà Nẵng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP