Kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng vừa qua tiếp tục nóng với vấn nạn kẹt xe trên địa bàn thành phố. Ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch thành phố, nói: "Đà Nẵng đang đối mặt thực sự với nạn kẹt xe, khi lượng phương tiện không ngừng tăng lên, khách du lịch đổ về ngày một đông".
Theo Trung tá Phan Văn Thương - Phó phòng Cảnh sát giao thông Công an TP Đà Nẵng, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2017, lượng ôtô đăng ký mới đã lên đến 3.944 xe, tăng 21% so với cùng kỳ. Thành phố hiện có gần 65 nghìn ôtô, hơn 822 nghìn xe máy đăng ký trên địa bàn, ngoài ra còn phương tiện của học sinh, sinh viên, cán bộ, công chức ngoại tỉnh đổ về.
Trong khi đó, lượng khách du lịch đến Đà Nẵng trong 6 tháng vừa qua tăng cao vì có lễ hội pháo hoa quốc tế, với khoảng 3,2 triệu khách. Nhiều đoàn đi theo tour với rất nhiều xe 16, 24 và trên 30 chỗ, cũng khiến giao thông thành phố chịu nhiều áp lực.
Người dân thành phố trầy trượt lưu thông qua nút giao thông Điện Biên Phủ-Nguyễn Tri Phương khi thành phố đang làm hầm chui. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Nhiều người dân địa phương cho hay, tuyến đường Hoàng Sa-Võ Nguyên Giáp-Trường Sa ven biển nối Đà Nẵng với phố cổ Hội An thời gian qua "chen chúc như quốc lộ, vì lượng xe cộ đông đúc".
Du khách xuống sân bay đều đổ về khu vực ven biển, khiến các nút giao thông đầu cầu Rồng và Trần Thị Lý thường xuyên ùn ứ.
Hầm chui tại nút phía tây cầu quay sông Hàn đã đưa vào hoạt động nhưng giao thông tại đây vẫn tắc trong giờ cao điểm, người dân phải vất vả di chuyển qua khu vực ngã tư Trần Phú-Lê Duẩn.
Xem xét việc xây nhà cao tầng ở khu trung tâm
Trước ý kiến khu vực trung tâm tập trung quá nhiều nhà cao tầng, chung cư gây quá tải cho hạ tầng giao thông, KTS Tô Văn Hùng - Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng, thừa nhận có thực tế là khi cấp phép xây dựng dự án, năng lực hạ tầng kỹ thuật chưa được các cơ quan có thẩm quyền chú trọng.
"Phát triển đô thị thì phải xây nhà cao tầng ở trung tâm, đó là quy luật phát triển, nhưng phải trong ngưỡng cho phép", ông Hùng nói.
KTS Hùng cho biết Đà Nẵng đã quy hoạch phân bổ dân cư để làm cơ sở tính toán xây dựng nhà cao tầng, khu căn hộ. Tuy nhiên quy hoạch này hiện không còn phù hợp. Do đó, thành phố cần làm lại quy hoạch phân bổ dân cư để xem xét có nên cấp phép nhà cao tầng ở khu vực trung tâm nữa hay không.
Ông Hùng kỳ vọng, sau khi hệ thống camera của thành phố phủ kín các tuyến đường, ý thức người tham gia giao thông sẽ được nâng cao, góp phần giảm ùn tắc, tai nạn giao thông.
Theo ông, ngành giao thông thành phố đang quy hoạch lại mạng lưới giao thông và hoạt động vận tải. Vừa qua, HĐND TP Đà Nẵng đã thông qua đề án giảm tải phương tiện giao thông cá nhân. "Vấn đề hiện nay là phải cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết để sớm giảm kẹt xe", ông Hùng nói.
Hơn 140 bãi đổ xe nằm trên giấy
Trước bài toàn giao thông Đà Nẵng, Chủ tịch thành phố Huỳnh Đức Thơ cho rằng quy hoạch đường một chiều, đỗ xe theo ngày chẵn lẽ hay tới đây là thu phí ôtô đậu đỗ dưới lòng đường... đều là giải pháp tình thế.
"5 năm nữa sẽ không biết như thế nào, vì trước đây khi làm hạ tầng giao thông không có quy hoạch các bến đậu đỗ xe", ông nói.
Thành phố đã áp dụng nhiều biện pháp như quy hoạch lại đường một chiều, đỗ xe theo ngày chẵn lẻ nhưng khu vực trung tâm vẫn ùn tắc giờ cao điểm. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Giám đốc Sở Xây dựng Vũ Quang Hùng cho biết, theo quy hoạch hệ thống giao thông tĩnh đến năm 2020, thành phố sẽ có 158 bãi đỗ xe, trong đó 17 bãi đỗ đã và đang đầu tư. Quận Sơn Trà quy hoạch 25 bãi đỗ nhưng mới trển khai được 2 dự án.
KTS Tô Văn Hùng thông tin thêm, các bãi đỗ xe trên địa bàn thành phố cần hơn 370 ha đất. Đây là giải pháp hữu hiệu để giảm ùn tắc, nhưng đến nay quá ít dự án được triển khai, đa số mới chỉ là các bãi đỗ xe tạm trên đất dự án, hoặc kẻ vạch trên đường.
"Quy hoạch bãi đỗ xe của ngành giao thông thì có, nhưng quy hoạch gắn với sử dụng đất thì lại chưa đưa vào. Đó là nguyên nhân khiến các dự án làm bãi đỗ xe chưa được xây dựng", ông Hùng nói.
Ông Hùng đề xuất trước mắt thành phố cần làm ngay các bãi đỗ xe nhiều tầng tại khu vực trung tâm; tận dụng những khu đất trống ở quận Sơn Trà và Hải Châu để làm bãi đỗ xe tạm. "Đó là giải pháp tạm thời. Còn lâu dài thành phố phải bố trí vị trí đất để xây dựng ngay các bãi đỗ xe", ông nói.
Nhiều phương tiện rẽ trái từ đường Trần Phú về cầu quay sông Hàn, khiến nút giao thông này vẫn ùn tắc dù đã làm hầm chui. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Ông Hùng cũng đề nghị thành phố phải rà soát lại các khách sạn, cơ sở kinh doanh có đảm bảo chỗ đậu đỗ xe như trong giấy phép được cấp hay không.
Theo quy định, khách sạn 3 đến 4 sao phải có ít nhất có một chỗ đỗ xe cho 4 phòng ngủ, khách sạn dưới 3 sao thì một chỗ đỗ cho 8 phòng ngủ. Nhưng hiện rất nhiều khách sạn không thực hiện, lấn chiếm vỉa hè để đậu đỗ xe.
Ông Huỳnh Đức Thơ cho biết, thời gian tới thành phố sẽ nghiên cứu làm thêm các nút giao thông khác mức ở hai đầu cầu Rồng, Trần Thị Lý.
"Thành phố tính mua lại những lô đất để làm bãi đỗ xe. Đối mặt với giao thông đô thị là vấn đề lớn không những bây giờ mà trong tương lai", ông Thơ nói.
Ý thức người tham gia giao thông rất quan trọng Trung tá Phan Văn Thương cho rằng ý thức của người tham gia giao thông rất quan trọng. Nếu người dân tuân thủ đúng luật và văn hóa giao thông, nhường nhịn nhau thì các tuyến đường sẽ thông suốt hơn rất nhiều. Ở Đà Nẵng vẫn còn cảnh lấn làn, vượt đèn đỏ, dừng đèn đỏ "mỗi người lách lên một tý là kẹt". Còn Đà Lạt là thành phố duy nhất ở Việt Nam không có đèn tín hiệu nhưng giao thông ít khi bị ùn tắc, một phần nhờ vào ý thức người dân. Vị CSGT đề xuất, sau khi thành phố làm các bãi đỗ xe, nếu các phương tiện còn tiếp tục đậu đỗ dưới lòng đường thì cơ quan chức năng tiến hành thu phí cao hơn phí gửi trong bãi để hình thành thói quen đậu xe đúng nơi, đúng chỗ. |
Tác giả: Nguyễn Đông
Nguồn tin: Báo VnExpress