Gia đình của một nhân tài bỏ việc phải ra tòa để tham dự phiên xét xử đòi bồi thường tiền học tập tại nước ngoài - Ảnh: HỮU KHÁ |
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một phó giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng cho biết chính sách lựa chọn người tài để đưa đi đào tạo ở nước ngoài là một chủ trương đúng đắn.
Nhờ chính sách này mà TP Đà Nẵng có được một đội ngũ cán bộ có chuyên môn cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Vị phó giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng cũng cho rằng hầu hết các nhân tài sau khi tốt nghiệp đều trở về công tác như cam kết. Nhưng cũng có một số ít sau đó ở luôn nước ngoài hoặc về công tác một thời gian rồi tự ý bỏ việc.
Theo Trung tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao TP Đà Nẵng, tính đến ngày 30-9 có 646 lượt học viên được cử đi học theo đề án, hiện có 474 lượt học viên về nhận công tác. Số lượng học viên vi phạm hợp đồng, xin ra khỏi đề án là 118 học viên.
Sau khi xem xét, đến thời điểm hiện tại trung tâm khởi kiện lên TAND các cấp 23 trường hợp vi phạm cam kết.
"Trong quá trình trung tâm nộp đơn khởi kiện ra tòa, một số học viên tự giác trả lại kinh phí, một số trường hợp khác sau khi đưa ra xét xử thì chấp nhận thi hành án. Hiện vẫn còn 8 trường hợp án có hiệu lực nhưng họ chưa thi hành" - vị phó giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng nói.
Theo tìm hiểu, hầu hết các nhân tài thua kiện đều đang công tác hoặc làm ăn ở nước ngoài, người đại diện theo pháp luật đến tham gia phiên tòa là cha mẹ.
Ông Trần Phước Thu - cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP Đà Nẵng - cho biết thường khi ký hợp đồng với TP Đà Nẵng đưa đi đào tạo, cha mẹ và các học viên cùng ký kết. Trường hợp học viên vi phạm hợp đồng, cha mẹ và bản thân học viên đó phải đồng chịu trách nhiệm.
Theo ông Thu, đối với các trường hợp học viên hiện đang ở nước ngoài, qua con đường ngoại giao, cơ quan chức năng Việt Nam sẽ có biện pháp can thiệp, buộc các học viên phải trả lại tiền.
Trong khi đó, luật sư Lê Cao (Đoàn luật sư TP Đà Nẵng) cho rằng đối với các nhân tài thua kiện, không chịu trả lại tiền thì có nhiều cách để buộc họ phải thi hành án, trong đó có thể sử dụng biện pháp đề nghị chặn xuất cảnh.
"Theo quy định hiện hành, công dân Việt Nam ở trong nước chưa được xuất cảnh nếu đang có nghĩa vụ chấp hành bản án dân sự, kinh tế hoặc đang chờ để giải quyết tranh chấp về dân sự, kinh tế. Đây là quy định nhằm hạn chế khả năng công dân cố tình trốn tránh nghĩa vụ buộc phải thi hành" - luật sư Cao nhấn mạnh.
Tác giả: HỮU KHÁ
Nguồn tin: tuoitre.vn