Tin địa phương

Đà Nẵng không thu hút đầu tư bằng mọi giá

“Để đáp ứng mục tiêu phát triển trong tình hình mới, Đà Nẵng sẽ tập trung xúc tiến, thu hút các dự án có chọn lọc, để phát huy hiệu quả đầu tư, không thu hút đầu tư bằng mọi giá”

Đó là khẳng định của ông Trần Phước Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư TP. Đà Nẵng khi nói về định hướng thu hút đầu tư của TP Đà Nẵng trong thời gian tới.

Ông Trần Phước Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư TP. Đà Nẵng

Liên quan đến kết quả thu hút đầu tư của TP Đà Nẵng 6 tháng đầu năm 2019, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư TP. Đà Nẵng cho biết: Thành phố đã thu hút được hơn 2.300 tỷ đồng vốn trong nước và hơn 554,61 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó, cấp mới 72 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 374,2 triệu USD (cùng kỳ năm 2018: có 61 dự án cấp mới với tổng vốn đăng ký là 25,66 triệu USD), 06 dự án tăng vốn với tổng vốn tăng thêm là 116,28 triệu USD (cùng kỳ năm 2018: 9 dự án với tổng vốn tăng thêm 1,18 triệu USD), 79 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua phần vốn góp với giá trị 64,13 triệu USD (cùng kỳ năm 2018: có 89 lượt với giá trị là 21,7 triệu USD).

Trong đó, dự án sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ UAC phấn đấu quý I/2020 đi vào hoạt động. Dự án MIKAZUKI SPA & HOTEL RESORT (Mở rộng Khu du lịch Xuân Thiều) phấn đấu đưa hạng mục khu vui chơi giải trí, công viên nước vào hoạt động trong tháng 6/2020 và khánh thành khu khách sạn cao tầng trong quý I/2021. Dự án MIKAZUKI SPA & HOTEL RESORT cũng dự kiến tăng vốn đầu tư thêm 50 triệu USD để đầu tư phát triển cho giai đoạn 2 và Sở KH&ĐT đã tham mưu UBND TP ra Thông báo cho phép dự án nghiên cứu tăng vốn đầu tư.

“Ngay sau Tọa đàm mùa Xuân 2019, Sở KH&ĐT thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi, đôn đốc, báo cáo UBND thành phố (2 tuần/lần) về tình hình triển khai các thủ tục đầu tư, khó khăn vướng mắc để đề xuất các giải pháp đẩy nhanh tiến độ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng hoàn chỉnh các thủ tục, đi vào hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh. Đồng thời chủ trì phối hợp các ngành tập trung tham mưu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư kịp thời thực hiện thủ tục, khởi công các dự án lớn, trọng điểm như: UAC, MIKAZUKI SPA & HOTEL RESORT,...”, ông Sơn lý giải về nguyên nhân của kết quả khả quan nói trên.

Cùng với đó, theo người đứng đầu Sở Kế hoạch Đầu tư TP. Đà Nẵng thì bên cạnh hỗ trợ các nhà đầu tư mới, thành phố cũng quan tâm, tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc, hỗ trợ các nhà đầu tư, doanh nghiệp hiện có mở rộng sản xuất kinh doanh: như làm việc trực tiếp với các Hội, Hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp FPT - Chi nhánh Đà Nẵng, Cty CAS, Cty Hương Quế, Cty Cao su Đà Nẵng, Nhà máy bia Việt Nam, Cty Xăng dầu khu vực V,...

6 tháng đầu năm 2019, Đà Nẵng đã thu hút được hơn 2.300 tỷ đồng vốn trong nước và hơn 554,61 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài. Trong ảnh: Tập đoàn Mikazuki Nhật Bản tổ chức khởi công Khu Du lịch Xuân Thiều mang phong cách Nhật Bản với quy mô 100 triệu USD vào tháng 3/2019

6 tháng đầu năm 2019, Đà Nẵng đã thu hút được hơn 2.300 tỷ đồng vốn trong nước và hơn 554,61 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài. Trong ảnh: Tập đoàn Mikazuki Nhật Bản tổ chức khởi công Khu Du lịch Xuân Thiều với quy mô 100 triệu USD vào tháng 3/2019

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố còn đạt thấp so với kế hoạch, chỉ ước tăng 6,21% (thấp hơn 1% so với 6 tháng 2018 (7,24%)).

Lý giải cho vấn đề này, ông Trần Phước Sơn cho biết là do một số ngành chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu công nghiệp (chiếm gần 57%) giảm như: dệt giảm 37%, chế biến sữa giảm 20,3%, chế biến thủy sản giảm 12% và điện tử giảm 11%, số ngày lưu trú của du khách giảm so với cùng kỳ và thị trường khách thượng lưu có xu hướng giảm nên doanh thu lưu trú, ăn uống và lữ hành tăng thấp so với lượt khách,…

Đặc biệt, một nguyên nhân không kém phần quan trọng, theo ông Sơn là do bám sát định hướng phát triển bền vững theo Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng, các Nghị quyết và chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, thành phố đã và đang chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, phát triển bền vững, xây dựng thành phố môi trường,…; điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2030, tầm nhìn 2045, thiết kế chiến lược phát triển kinh tế đến năm 2030; rà soát, điều chỉnh quy hoạch một số khu vực ven sông, ven biển và rà soát, điều chỉnh, khắc phục những bất cập trong quy hoạch, tạm dừng sản xuất đối với các doanh nghiệp, dự án gây ô nhiễm môi trường.

“Việc rà soát này tuy trước mắt có tác động, ảnh hưởng nhất định đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế và lợi ích doanh nghiệp nhưng về lâu dài thành phố luôn hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, phục vụ tốt cho cộng đồng, hài hòa lợi ích giữa cộng đồng, doanh nghiệp và khả năng đáp ứng của thành phố.”, ông Trần Phước Sơn nhấn mạnh.

Đà Nẵng sẽ tập trung xúc tiến, thu hút các dự án có chọn lọc, để phát huy hiệu quả đầu tư, không thu hút đầu tư bằng mọi giá

Cùng với đó, do hiện nay quỹ đất không còn nhiều, trong thời gian qua thành phố đã tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, chi phí đầu tư rất lớn, vì vậy quá trình xúc tiến, thu hút các dự án phải có chọn lọc, tập trung vào các nhà đầu tư trọng điểm, các dự án có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ nguồn và các ngành mũi nhọn như: du lịch, logistics, CNTT… để phát huy hiệu quả đầu tư, không thu hút đầu tư bằng mọi giá.

Các dự án đã được trao giấy chứng nhận đầu tư, thông báo nghiên cứu đầu tư đều đang trong giai đoạn triển khai đầu tư nên chưa có đóng góp cho tăng trưởng, song sau khi hoàn thành các dự án này sẽ có đóng lớn cho kinh tế thành phố. Bên cạnh đó, thành phố cũng đã định hướng đầu tư thêm các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, mở rộng khu công nghệ cao, các khu công viên phần mềm... song các thủ tục đầu tư còn chậm. Ngoài ra, tuy đã quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện kết luận 2852 của Thanh tra Chính phủ nhưng việc khắc phục những vướng mắc, sai phạm còn kéo dài do liên quan đến các thủ tục pháp lý, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai. Công tác điều tra các sai phạm vẫn đang diễn ra nên có phần ảnh hướng đến tâm lý của một bộ phận công chức trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Do đó, các hồ sơ, thủ tục liên quan đến giao đất, quy hoạch, xây dựng, thực hiện nghĩa vụ tài chính,… còn tồn đọng khá nhiều đã làm giảm mức đóng góp vào tăng trưởng kinh tế từ nguồn vốn của các tổ chức, cá nhân, nhà đầu tư.

Ngoài ra, thành phố đã tập trung chỉ đạo, triển khai đầu tư các dự án trọng điểm, động lực, các dự án này được kỳ vọng sẽ đóng góp lớn cho tăng trưởng song cũng vướng rất nhiều về thủ tục đầu tư, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng... nên triển khai thực hiện chậm so với kế hoạch đề ra.

Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư TP. Đà Nẵng cho biết: trên cơ sở kết quả ước thực hiện 6 tháng đầu năm, dự kiến 02 kịch bản tăng trưởng cho năm 2019 như sau: Kịch bản 1: Dự kiến GRDP 6 tháng cuối năm 2019 tăng 8,14% thì ước cả năm 2019 tăng 7,25%; Kịch bản 2: Dự kiến GRDP 6 tháng cuối năm 2019 tăng 8,45% thì ước cả năm 2019 tăng 7,42%.

Để thực hiện mục tiêu này, trong 6 tháng cuối năm, thành phố tiếp tục thực hiện chủ trương rà soát, kịp thời điều chỉnh, khắc phục những bất cập trong quy hoạch, nhất quán định hướng phát triển bền vững theo các mục tiêu đã được đề ra trong Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị, hướng đến xây dựng thành phố môi trường, văn minh hiện đại nhằm phục vụ cộng đồng, đảm bảo hài hòa lợi ích doanh nghiệp, không vì chỉ tiêu GRDP mà tăng trưởng nóng; triển khai kế hoạch thăm và làm việc với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, nhằm hỗ trợ, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư yên tâm đầu tư phát triển sản xuất; tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc theo Kết luận Thanh tra 2852/KL-TTCP để khơi thông nguồn lực đầu tư của các cá nhân, doanh nghiệp và nhà đầu tư;…

Tác giả: Nguyễn Phước

Nguồn tin: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp

  Từ khóa: thu hút đầu tư , Đà Nẵng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP