Hơn một tháng nay, các cư dân sống trong chung cư Mường Thanh (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) lao đao vì thiếu nước. Theo đại diện ban quản lý (BQL) chung cư Mường Thanh, áp lực nước sinh hoạt về chung cư rất yếu. Chung cư có các bồn trữ nước dưới tầng hầm, khi đạt đủ mức là cho bơm ngay lên bồn chứa lớn trên tầng thượng.
“Phải canh trực nước liên tục để bơm lên cho người dân dùng. Cư dân sống trong chung cư rất bức xúc. Thời gian qua, chúng tôi đã phải hợp đồng, trả chi phí cho Xí nghiệp cấp nước Ngũ Hành Sơn đưa 10 xe bồn chở nước đến cấp trực tiếp cho chung cư, tổng cộng khoảng 100.000 m3 nước” - đại diện BQL cho hay.
Đó cũng là tình cảnh chung của các cao ốc, khách sạn dọc ven biển Đà Nẵng thời điểm này. Vị đại diện BQL chung cư Mường Thanh cho hay đang làm việc với Công ty cổ phần Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) tìm cách tăng áp lực nước về chung cư Mường Thanh và cả khu vực lân cận để đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân, du khách.
Người dân phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà vất vả trữ nước sinh hoạt. |
Ghi nhận tại khu vực Vũng Thùng, Nại Hưng (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà), nhiều hộ dân vẫn phải chắt chiu từng giọt nước sinh hoạt, dự trữ trong xô, chậu nhằm đề phòng giờ cao điểm không có nước dùng.
Trong nhiều báo cáo gửi cơ quan chức năng, Dawaco cho rằng các nguyên nhân chủ yếu thiếu nước là tình trạng nhiễm mặn liên tục tại sông Cầu Đỏ, nguồn nước chính của Đà Nẵng. Trong mùa khô gay gắt này, Dawaco cũng liên tục có các động thái nhờ chính quyền Đà Nẵng “cầu cứu” nước từ các thủy điện thượng nguồn sông Vu Gia, Thu Bồn.
Về giải pháp, lãnh đạo Dawaco cho hay từ tháng 7-2018, Dawaco đã báo cáo ba phương án giải “cơn khát” cho Đà Nẵng để các ngành tham gia ý kiến. Trong đó có phương án xây dựng mới trạm bơm An Trạch và tuyến ống nước thô về Cầu Đỏ. Mỗi phương án đều có ưu và nhược điểm. Đặc biệt là kinh phí xây dựng và vận hành theo quy định đưa vào giá nước sẽ ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp trên địa bàn nên các ngành, các cấp đang cân nhắc.
Theo lãnh đạo Dawaco, trong trường hợp xây dựng thêm trạm bơm và tuyến ống nước thô từ An Trạch về thì các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn vẫn phải vận hành theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn (quy trình 1537) nên vẫn có thể lấy từ nguồn nước thủy điện này. Trong khi đó, báo cáo của Sở TN&MT TP Đà Nẵng cho thấy các thủy điện đã không vận hành theo quy trình 1537 trong những ngày xâm nhập mặn.
“Nếu các thủy điện vận hành đúng theo quy trình 1537 và các văn bản chỉ đạo của Bộ TN&MT thì cho dù nắng nóng, việc cấp nước cho TP vẫn đảm bảo” - Dawaco khẳng định.
Phản hồi ý kiến cho rằng Dawaco không mặn mòi bơm nước từ An Trạch, Dawaco cũng khẳng định cơ cấu giá nước đã tính đến việc bơm nước từ An Trạch về nên không có lý do gì nói Dawaco không sẵn sàng lấy. “Còn nếu hằng năm lượng nước thô bơm từ An Trạch thấp hơn dự tính trong cơ cấu giá thì Dawaco nộp lại ngân sách” - lãnh đạo Dawaco lý giải.
Chuyên gia thủy lợi Huỳnh Vạn Thắng đồng tình việc nên đầu tư thêm đường ống cấp nước thô từ An Trạch về Cầu Đỏ. Về lâu dài, ông Thắng hiến kế Đà Nẵng nên tính toán lấy nước ở Đại Hòa, bờ bắc cầu Giao Thủy (thuộc sông Thu Bồn, Quảng Nam) thì nước luôn luôn đủ. |
Tác giả: TẤN VIỆT
Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM