Ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Đà Nẵng cho biết, thành phố Đà Nẵng đã xét duyệt cho 9 chủ tàu vay vốn theo Nghị định 67 của Chính phủ. Trong đó có 7 tàu đóng mới, 2 tàu nâng cấp. Tổng số tiền cho vay hơn 109 tỷ đồng, dư nợ hơn 107 tỷ đồng.
Đến nay, nợ xấu phát sinh là 34,7 tỷ đồng, chủ yếu đối với 2 tàu vỏ thép của ngư dân Trần Văn Mười ở phường Mân Thái, quận Sơn Trà và Lê Văn Sang ở phường Thuận Phước, quận Hải Châu.
Đà Nẵng đã xét duyệt cho 9 chủ tàu vay vốn theo Nghị định 67 của Chính phủ. |
Theo ông Võ Minh, đối với những trường hợp ngư dân vay vốn đóng tàu khai thác, đánh bắt hải sản xa bờ gặp khó khăn do nguyên nhân khách quan như: bão tố, rủi ro trên biển… dẫn đến việc bà con không có khả năng trả nợ đúng hạn thì các Chi nhánh ngân hàng thương mại được phép xin Trung ương cơ cấu lại nợ.
Hiện, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng đã triển khai lập hồ sơ cơ cấu lại nợ đối với trường hợp ngư dân Lê Văn Nhắn ở phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà.
Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Đà Nẵng cho rằng, không nhất thiết phải giữ nguyên lịch trả nợ như ban đầu mà gây khó khăn cho ngư dân. Việc này cũng phù hợp với chính sách của Đảng, Nhà nước.
Các ngân hàng thương mại nếu chưa tiến hành cơ cấu lại nợ cho ngư dân thì là do Hội sở chậm hướng dẫn đối với các chi nhánh. Về nguyên tắc thì rõ ràng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước phải được thực hiện tất cả các ngân hàng thương mại có cho vay theo Nghị định 67 chứ không thể ngân hàng này thì thực hiện mà ngân hàng khác không được thực hiện.
Trước đó, Đài Tiếng nói Việt Nam đã phản ánh, một số ngư dân ở thành phố Đà Nẵng đóng tàu theo Nghị định 67 của Chính phủ đánh bắt không hiệu quả đã “lánh nợ”, ngân hàng, chính quyền địa phương khó tiếp cận để thu hồi nợ và lãi vay đúng định kỳ./.
Tác giả: Hoài Nam
Nguồn tin: Báo VOV