Đà Nẵng hiện có tới hơn 6.900 hộ nợ đất tái định cư với số tiền khoảng 866 tỷ |
Số nợ “phình” lên vì giá đất tăng
Như PLVN từng phản ánh, tại Quyết định 06/2019/QĐ-UBND có hiệu lực kể từ ngày 11/2/2019, bảng giá đất mới thể hiện nhiều khu vực trên toàn Đà Nẵng được áp giá đất cao lên gấp nhiều lần so với bảng giá trước đó. Các khu “đất vàng” thuộc quận Sơn Trà và Hải Châu tăng lên gấp 2, thậm chí gấp 5 lần, cao nhất đến 98 triệu đồng/m2.
Bà Lê Thị Thu, một hộ thuộc diện tái định cư ở quận Sơn Trà cho biết, gia đình bà bị giải tỏa vào năm 2007 và được bố trí đất ở mới khu đầu tuyến đường Sơn Trà - Điện Ngọc với điều kiện cho nợ tiền sử dụng đất 10 năm. Bà nợ tổng cộng 60 triệu đồng/90m2. Đến đầu năm 2019, gia đình gom đủ tiền trả nợ đến Văn phòng Đăng ký đất đai quận Sơn Trà để nộp, mới tá hỏa nhận được thông báo số nợ đã lên đến gần 2 tỷ. Với số nợ như trên, bà Thu không biết đến bao giờ mới có thể trả được.
Tương tự, hàng trăm hộ dân nợ tiền sử dụng đất trên địa bàn quận Sơn Trà cũng phải đối mặt với số nợ “khủng”. Cạnh nhà bà Thu, hộ ông Hồ Thanh Tùng cũng lo lắng bởi sau khi bị giải tỏa năm 1998, gia đình mua lại lô đất tái định cư với số nợ chỉ khoảng gần 30 triệu. Nay nếu áp giá đất mới, số tiền nợ phải trả gần 1 tỷ. “Chắc chỉ có cách bán đất đi mới đủ tiền trả nợ”, ông Tùng nói. Theo nhiều người dân, việc thay đổi bảng giá đất mới được áp dụng một cách đột ngột, không thông báo cụ thể. Nếu biết trước được thời điểm áp dụng, họ đã vay mượn để trả chứ không đẩy sự việc đến mức sắp “vỡ nợ” như vậy.
Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định 79/2019 sửa đổi Điều 16 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP quy định về thu tiền sử dụng đất, có hiệu lực thi hành từ ngày 10/12/2019. Chính phủ giao UBND các tỉnh, thành có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương rà soát tất cả các trường hợp ghi nợ tiền sử dụng đất tại địa phương, nhưng đến nay chưa hoàn thành việc trả nợ; để thông báo đến các trường hợp còn nợ tiền sử dụng đất về việc ghi nợ, thanh toán nợ và xóa nợ.
Nghe qua văn bản trên, hàng ngàn hộ dân Đà Nẵng đang “gánh” hàng trăm tỷ tiền nợ đất tái định cư như “mở cờ trong bụng”. Nhưng thực tế lại không như người dân nhầm tưởng.
Nhiều người “mừng hụt”
Trao đổi với PV, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng cho biết, theo văn bản mới này của Chính phủ, đối tượng được thụ hưởng không phải đại trà. Điều 1 của Nghị định mới quy định, chỉ áp dụng với các đối tượng các hộ hộ gia đình, cá nhân gồm người có công với cách mạng, hộ nghèo; hộ gia đình, cá nhân là đồng bào dân tộc thiểu số; hộ gia đình, cá nhân có hộ khẩu thường trú tại địa bàn cấp xã được công nhận là địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Điều 2 (quy định xử lý chuyển tiếp) trong văn bản mới cũng ghi rõ: Với hộ gia đình, cá nhân đã được ghi nợ tiền sử dụng đất trên “sổ đỏ” theo quy định của pháp luật từng thời kỳ, mà đến trước ngày Nghị định này có hiệu lực mà chưa thanh toán hết nợ tiền sử dụng đất thì thực hiện như sau: Với hộ gia đình, cá nhân đã được ghi nợ tiền sử đụng đất trước ngày 1/3/2016, tiếp tục thanh toán tiền sử dụng đất còn nợ theo chính sách và giá đất tại thời điểm cấp giấy (hoặc theo số tiền ghi trên giấy đã được xác định) đến hết ngày 28/2/2021. Kể từ ngày 1/3/2021 trở về sau, hộ gia đình, cá nhân phải thanh toán số tiền sử dụng đất còn nợ theo chính sách và giá đất tại thời điểm trả nợ.
Ngoài ra, với hộ gia đình, cá nhân đã được ghi nợ tiền sử dụng đất từ ngày 1/3/2016 đến ngày nghị định này có hiệu lực thi hành, tiếp tục thanh toán tiền sử dụng đất còn nợ theo số tiền ghi trên giấy chứng nhận đã được xác định theo quy định tại Nghị định 45/2014 trong thời hạn 5 năm kể từ ngày ghi nợ tiền sử dụng đất. Nếu quá thời hạn 5 năm kể từ ngày ghi nợ tiền sử dụng đất, hộ gia đình, cá nhân phải thanh toán số tiền còn nợ theo chính sách và giá đất tại thời điểm trả nợ.
Nghị định cũng hướng dẫn, đối với hộ gia đình, cá nhân ghi nợ tiền sử dụng đất trước ngày nghị định này có hiệu lực thi hành nhưng ghi nợ bằng vàng, bằng tài sản hoặc bằng các phương thức khác không phù hợp với quy định của pháp luật tại thời điểm ghi nợ thì UBND cấp tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng xác định lại số nợ bằng tiền theo đúng quy định của pháp luật từng thời kỳ.
Đúc kết lại, ông Tô Văn Hùng nêu, theo quy định về đối tượng như Điều 1 của Nghị định mới, đối tượng được hưởng lợi không nhiều. “Thời gian tới, có lẽ thành phố, các ngành và địa phương có liên quan cũng phải bàn giải pháp, chứ xem ra việc thực hiện còn rất nan giải, cam go”, ông Hùng nói.
Qua tìm hiểu, ở thời điểm quy định giá đất mới đầu năm 2019, Đà Nẵng có tới hơn 6.900 hộ nợ đất tái định cư với số tiền khoảng 866 tỷ. Đánh giá về văn bản mới, đại diện một số địa phương khác như Quảng Nam cũng cho biết, việc giới hạn đối tượng như Điều 1 của Nghị định mới sửa đổi, số lượng không đáng bao nhiêu, bởi hầu như người đang nợ đất tái định cư là hộ thu nhập bình thường, bình dân; chứ không phải hộ nghèo. Một lãnh đạo địa phương cho biết, với những hộ thuộc gia đình có công, ngay từ đầu tiền đất đã được giảm nhiều. Có nhiều trường hợp sau đó đã trả nợ hết, hoặc một phần. Còn với hộ nghèo, gần như đã bán hết đi mua chung cư ở.
|
Tác giả: Vũ Vân Anh
Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam