Tin địa phương

Đà Nẵng gặp khó trong quản lý, xử lý nguồn đất rẻo

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP Đà Nẵng Tô Văn Hùng thẳng thắn: “Phải nói rằng, một thời gian rất dài việc quản lý đất đai chưa chặt chẽ, đặc biệt là những thửa đất hình thành trong quá trình đô thị hóa, quá trình lấn chiếm, quá trình còn lại sau khi triển khai dự án đô thị (hay còn gọi đất rẻo - PV)”.

Ông Phan Thanh Long - Trưởng Ban pháp chế HĐND TP Đà Nẵng nêu ý kiến tại chương trình HĐND với cử tri.

Công tác rà soát, thống kê còn chậm

Quản lý, xử lý nguồn đất rẻo trên địa bàn đang là vấn đề được cử tri Đà Nẵng đặc biệt quan tâm. Tại chương trình HĐND với cử tri lần 6 diễn ra sáng 30/10, cử tri Phạm Lai nêu ý kiến: “Hiện đất rẻo trên địa bàn TP còn rất nhiều trong khu dân cư, không được khai thác sử dụng dẫn đến phung phí và ô nhiễm môi trường. Vậy TP có giải pháp gì để quản lý và sử dụng hiệu quả quỹ đất này?”.

Cũng theo cử tri Phạm Lai, vừa qua có một số người dân nộp đơn xin mua một mảnh đất rẻo nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. “Tôi thấy hiện nay quy trình giải quyết hồ sơ quá rườm rà, thời gian kéo dài, gây phiền hà cho dân. Nguyên nhân vì sao có sự chậm trễ này”, ông Lai nêu.

Ông Phan Thanh Long - Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Đà Nẵng cho biết: “Qua phản ánh của cử tri và qua hoạt động giám sát của HĐND TP, chúng tôi nhận thấy việc rà soát, thống kê, quản lý nguồn đất rẻo trên địa bàn trong thời gian vừa qua còn chậm.

Được biết, TP Đà Nẵng đã phê duyệt hơn 200 tỷ đồng thực hiện Đề án cơ sở dữ liệu đất đai. Đề án này đến năm 2019 Sở TN&MT phải hoàn thành. Theo báo cáo, hiện chỉ còn quận Liên Chiểu và huyện Hòa Vang chưa hoàn thành và sẽ tích hợp sau. Về nguyên tắc, hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai phải thống kê, kiểm soát được tất cả thửa đất hình thành trên địa bàn TP, kể cả đất rẻo.

Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng Tô Văn Hùng thông tin về tình hình quản lý, xử lý nguồn đất rẻo trên địa bàn.

Xin ý kiến Bộ TN&MT

Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng Tô Văn Hùng thẳng thắn: “Phải nói rằng, một thời gian rất dài việc quản lý đất đai chưa chặt chẽ, đặc biệt là những thửa đất hình thành trong quá trình đô thị hóa, quá trình lấn chiếm, quá trình còn lại sau khi triển khai dự án đô thị.

Việc bàn giao những quỹ đất từ các đơn vị triển khai dự án đến thời điểm này vẫn chưa làm một cách triệt để, vẫn còn rải rác trong các dự án. Những khu đất rẻo trên địa bàn TP còn rất nhiều và chúng ta không thể ngày một ngày hai thống kê được tất cả”.

Cũng theo ông Hùng, năm 2019, Sở TN&MT Đà Nẵng sẽ hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai, nhưng việc cập nhật các khu đất rẻo thì phải tiếp tục thực hiện trong những năm tới, vì có những lô đất chỉ có người dân mới biết được.

Liên quan đến công tác quản lý và xử lý nguồn đất rẻo trên địa bàn, ông Tô Văn Hùng cho biết, TP Đà Nẵng đã ban hành quyết định số 3862 ngày 14/7/2017 để xử lý. Theo đó, UBND quận, huyện được phân cấp chịu trách nhiệm rà soát, tổng hợp để quản lý đất rẻo và giải quyết nhu cầu hợp thửa đất rẻo của hộ dân có nhu cầu.

“Đây là quyết định hết sức hợp lý và có quy trình hết sức chặt chẽ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã bộc lộ nhiều bất cập, mà bất cập lớn nhất là chúng ta không thể thống kê được một cách đầy đủ tất cả những đất rẻo đang tồn tại trên địa bàn. Vì thế, TP mong muốn các địa phương thống kê một cách đầy đủ, trên cơ sở đó trình cho TP phê duyệt một kế hoạch tổng thể để sử dụng đất rẻo, nhưng không làm được”, ông Hùng nói.

Trên địa bàn TP Đà Nẵng hiện còn rất nhiều khu đất rẻo chưa được thống kê, quản lý và sử dụng.

Bất cập thứ 2 khi thực hiện Quyết định số 3862 là vi phạm Luật đất đai. “Luật đất đai quy định không có một thửa đất nào, một m2 đất nào được phép giao trực tiếp cho người dân. Chính Sở Tư pháp đã “tuýt còi” khi Đà Nẵng ban hành Quyết định số 3862. Chính vì thế, Sở TN&MT đã có tham mưu và UBND TP đã có báo cáo trình Thường trực Thành ủy và HĐND hủy Quyết định 3862”, ông Tô Văn Hùng thông tin.

Ông Tô Văn Hùng cho biết thêm: Mới nhất, Sở TN&MT Đà Nẵng đã chủ trì và có hướng dẫn hết sức chi tiết cho các chi nhánh văn phòng đất đai, các phòng tài nguyên quận, huyện để triển khai xử lý đất rẻo. Trong đó, Nghị định 01 đã hướng dẫn rất cụ thể.

Tuy nhiên, trong Nghị định 01 hướng dẫn thực hiện Luật đất đai 2013 thì chỉ giải quyết những lô đất rẻo hình thành trước năm 2013, tức là ngày 1/7/2014. Còn lại những lô đất rẻo hình thành sau ngày 1/7/2014 thì chưa có hướng dẫn. Hiện Sở TN&MT đã tham mưu cho UBND TP có báo cáo xin ý kiến của Bộ TN&MT về vấn đề này.

Tác giả: QUANG HẢI

Nguồn tin: Báo Người Đô Thị

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP