Tổ chức hàng chục buổi hội thảo, tọa đàm, tiếp thu ý kiến của các tổ chức nghiên cứu khoa học và chuyên gia; tổ chức nhiều chuyến đi khảo sát thực tế; nghiên cứu báo cáo tổng kết của 14 ban cán sự đảng các bộ, ngành, cơ quan Trung ương... là khối lượng công việc khổng lồ mà Ban Kinh tế Trung ương thực hiện trong quá trình giúp Bộ Chính trị xây dựng một nghị quyết mới cho phát triển TP Đà Nẵng.
Dự thảo nghị quyết Ban Kinh tế Trung ương xây dựng đã được Bộ Chính trị thông qua với tên gọi Nghị quyết 43/2019 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nội dung nổi bật là Bộ Chính trị trao cho Đà Nẵng một số cơ chế đặc thù. Thành phố dùng những cơ chế đột phá đó để ưu tiên một số lĩnh vực thế mạnh; từ đó có thể sớm đưa thành phố vươn tầm châu lục và trên thế giới.
Đà Nẵng được nhiều tạp chí du lịch uy tín bình chọn là điểm đến hấp dẫn nhất châu Á. Ảnh: Hoàng Hà. |
Xác định rõ tiềm năng lợi thế của Đà Nẵng
Khi tổng kết 15 năm Nghị quyết 33/2003 về xây dựng và phát triển Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Ban Kinh tế Trung ương được Bộ Chính trị giao chủ trì xây dựng đề án. Ban cũng được Bộ Chính trị “đặt hàng” xây dựng một nghị quyết mới về phát triển Đà Nẵng trong tình hình mới.
Đà Nẵng có một vị trí địa chính trị, địa kinh tế hết sức là quan trọng, là một lợi thế hết sức lớn lao. Việc phát triển Đà Nẵng có tính lan tỏa tới cả vùng Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình |
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết việc xây dựng nghị quyết mới rất quan trọng, giúp vạch ra chủ trương, đường lối cho phát triển Đà Nẵng trong 10 năm tới và những năm tiếp theo. Bởi vậy, Ban Kinh tế Trung ương đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, phối hợp cùng nhiều cơ quan trong việc xây dựng dự thảo.
Để tìm hướng đi mới cho Đà Nẵng, bước đầu tiên, Ban Kinh tế Trung ương tiến hành phân tích, đánh giá đầy đủ các lợi thế so sánh của thành phố. Từ đó, quyết định hướng đi phù hợp.
Một công trình hạ tầng mới của Đà Nẵng. Ảnh: Minh Hoàng. |
Đà Nẵng nằm ở địa bàn chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng an ninh của miền Trung và cả nước. Thành phố cũng nằm ở vị trí giao lưu kinh tế Bắc - Nam và Đông - Tây, với Tây Nguyên cũng như Nam Lào, Đông Bắc Campuchia, Đông Bắc Thái Lan; là cửa ngõ ra biển của hành lang kinh tế Đông - Tây nối với đường hàng hải quốc tế qua Biển Đông và Thái Bình Dương.
Đà Nẵng có cơ sở hạ tầng được đầu tư tương đối hoàn thiện và vận hành hiệu quả, nhất là hạ tầng đô thị, cảng biển, sân bay; dịch vụ logistics tăng trưởng nhanh. Ngoài ra các dịch vụ xã hội được cải thiện, xã hội an toàn, thân thiện với môi trường. Các địa phương trong vùng ngày càng năng động và chủ động liên kết trong phát triển.
Ban Kinh tế Trung ương cũng đánh giá Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng có quyết tâm chính trị lớn; có tinh thần đổi mới và năng động bậc nhất cả nước; đồng thuận cao trong xây dựng hình ảnh thành phố đáng sống, sáng tạo và hội nhập quốc tế cao.
“Có thể xác định Đà Nẵng có một vị trí địa chính trị, địa kinh tế hết sức là quan trọng, là một lợi thế hết sức lớn lao. Việc phát triển Đà Nẵng có tính lan tỏa tới cả vùng”, ông Nguyễn Văn Bình nhìn nhận.
Tìm hướng đi đúng cho tầm nhìn Đà Nẵng 2045
Từ những lợi thế đặc biệt, ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh Ban Kinh tế Trung ương đã đưa vào nghị quyết trình Bộ Chính trị đặt ra 3 trụ cột chính phát triển Đà Nẵng trong thời gian tới. Đó là du lịch, công nghiệp công nghệ cao và phát triển thành phố cảng biển.
Về du lịch, ngoài du lịch thông thường, một trong những trọng tâm là phát triển Đà Nẵng thành một trung tâm du lịch quốc tế.
Về công nghiệp, vì thành phố rất có lợi thế về du lịch nên để bảo đảm môi trường sinh thái cần phải tập trung phát triển theo hướng công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, công nghiệp thông minh.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng có lợi thế rất lớn về địa kinh tế và một cảng biển hết sức quan trọng, do vậy phải phát triển kinh tế dịch vụ cảng theo hướng tăng cường hoạt động về logistics.
Từ 3 trụ cột lớn đó, Nghị quyết 43 được Bộ Chính trị thông qua đã cụ thể hóa bằng 12 điểm mới so với nghị quyết 33/2003, ưu tiên nguồn lực, chú trọng phát triển 5 lĩnh vực mũi nhọn. Cụ thể: Du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; Cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics; Công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp; Công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số; Sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và ngư nghiệp.
Cầu Thuận Phước. Ảnh: Lê Hiếu. |
“Đến năm 2030 tầm cỡ của Đà Nẵng không phải một thành phố hàng đầu của cả nước mà còn là thành phố hàng đầu của khu vực Đông Nam Á; và đến năm 2045 trở thành một trong những thành phố hàng đầu của châu Á nói chung”, ông Bình nhấn mạnh.
Trao cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng
Từ góc độ địa phương, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Ngô Quang Vinh cho biết ông rất quan tâm đến mô hình của Quảng Ninh trong việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng như đường cao tốc, sân bay, cảng biển… Ông tin tưởng với Nghị quyết 43/2018, Bộ Chính trị cũng trao cho Đà Nẵng những cơ chế đặc thù, giúp Đà Nẵng sớm thu hút được các nhà đầu tư chiến lược.
“Đà Nẵng vẫn phải thu hút những nhà đầu tư chiến lược, vừa có khả năng về tài chính, vừa có tầm, 'làm ra tấm ra món', những sản phẩm lớn sẽ là những cú hích. Ví như Nhật Bản, Hàn Quốc có những tập đoàn lớn, mạnh mẽ. Quảng Ninh và Quảng Nam vừa rồi họ làm cũng rất là mạnh”, ông Vinh chia sẻ.
Đến năm 2030 tầm cỡ của Đà Nẵng không phải một thành phố hàng đầu của cả nước mà còn là thành phố hàng đầu của khu vực Đông Nam Á; và đến năm 2045 trở thành một trong những thành phố hàng đầu của châu Á Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình |
Theo Phó bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Võ Công Trí, các cơ chế, chính sách đặc thù được Bộ Chính trị cho phép ở Nghị quyết 43/2018 tập trung vào 3 lĩnh vực chính.
Đà Nẵng được phân cấp, phân quyền mạnh hơn gắn với trách nhiệm địa phương, người đứng đầu trên một số lĩnh vực quản lý về quy hoạch, đất đai, đô thị, đầu tư, tài chính - ngân sách, tổ chức, nhân sự và tiền lương... Thành phố cũng được nghiên cứu cơ chế điều tiết hợp lý giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương; có cơ chế đặc thù để thu hút các nhà đầu tư chiến lược.
Đến năm 2030, Đà Nẵng phấn đầu GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 8.700 USD. Ảnh: Hoàng Hà. |
Đà Nẵng được cho phép thực hiện thí điểm xây dựng mô hình cơ quan quản lý cảng thống nhất tại thành phố theo hướng tiên tiến, hiệu quả, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Thành phố cũng được xây dựng và thực hiện đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị phù hợp với yêu cầu phát triển của thành phố và quy định của pháp luật.
Theo đó, với những cơ chế đặc thù, được coi là tạo ra những động lực tăng trưởng mới, lãnh đạo Đà Nẵng hoàn toàn tin tưởng có thể đạt được các mục tiêu đề ra. Giai đoạn 2021-2030, tốc độ tăng bình quân GRDP trên 12%/năm; dịch vụ 12,5-13,5%/năm; công nghiệp 11,5-12,5%/năm. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và chỉ số cải cách hành chính xếp hạng trong top 3 của cả nước.
Đến năm 2030, Đà Nẵng sẽ hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN; GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 8.700 USD. Ngành dịch vụ 62-65%, công nghiệp và xây dựng 28-30%. Quy mô dân số đạt khoảng 1,5 triệu người.
Tác giả: Hiếu Công
Nguồn tin: zing.vn