Ngày 11-10, UBND TP. Đà Nẵng tổ chức Hội thảo chính quyền đô thị. Nhiều ý kiến đã được đưa ra tại đây.
Ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng. Ảnh: TẤN VIỆT |
Hai phương án tổ chức chính quyền đô thị
Báo cáo đề dẫn tại hội thảo, ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng, cho hay với cơ chế tổ chức bộ máy hành chính ở TP hiện nay thì HĐND TP vẫn chưa được giao đủ thẩm quyền để ban hành các cơ chế, chính sách quan trọng tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Hoạt động tiếp xúc cử tri, chất vấn của HĐND quận, huyện, phường, xã tại một số nơi có hiệu quả thực chất chưa cao.
Phương thức hoạt động của mô hình chính quyền hiện nay chưa phát huy được vai trò, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong một số việc đã làm hạn chế tính nhanh nhạy, thông suốt của hoạt động quản lý hành chính nhà nước.
“Còn thiếu cơ chế cụ thể đảm bảo quyền dân chủ trực tiếp của người dân trong giám sát bộ máy chính quyền đô thị. Việc thực hiện quyền dân chủ đại diện của người dân thông qua HĐND chưa phát huy thực chất ở nhiều nơi”, ông Đồng nói.
Từ những bất cập trên, Sở Nội vụ Đà Nẵng đưa ra hai phương án thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị. Phương án một là tổ chức một cấp chính quyền (cấp TP) và hai cấp hành chính (quận, huyện và phường, xã). Ở cấp TP sẽ có HĐND và UBND, không tổ chức HĐND ở quận, huyện, phường, xã mà chỉ có UBND. Đây là mô hình Đà Nẵng đã thí điểm có kết quả tốt trong giai đoạn 2009 - 2016.
Ở phương án hai, TP sẽ tổ chức hai cấp chính quyền (cấp TP và quận, huyện), một cấp hành chính tại phường. Cụ thể là không tổ chức HĐND phường tại TP Đà Nẵng.
Bức xúc cơ chế làm việc tập thể kiểu ủy ban
Ông Phan Thanh Long, Trưởng ban Pháp chế - HĐND TP Đà Nẵng, nhận định cốt lõi của đề án đổi mới là tăng cường phân cấp. Theo ông, phân cấp, phân quyền xuống dưới thì thủ tục hành chính sẽ đi kèm, do đó rất cần công tác giám sát hoạt động thực thi ở tuyến dưới, nhất là với UBND, TAND, VKSND quận, huyện. “Cần tăng số lượng, cơ cấu đại biểu chuyên trách, giảm đại biểu kiêm nhiệm, nhất là khối quản lý hành chính”, ông Long nói.
Cũng theo ông Long, không tổ chức HĐND cấp quận, huyện, phường, xã không phải là bản chất và mục tiêu của đề án mà cốt lõi ở chỗ cơ chế, hiệu quả vận hành của bộ máy cơ quan hành chính từ TP đến phường, xã sẽ như thế nào. Khi tổ chức CQĐT như vậy, toàn TP sẽ sắp xếp tinh gọn được 1.800 đại biểu HĐND các cấp. Khi đó, nhiệm vụ của HĐND các cấp sẽ dồn về cho HĐND TP.
Đồng thời, ông Long cho rằng nếu chỉ bỏ HĐND phường, xã mà bộ máy hành chính và tổ chức tự quản ở bên dưới không có gì thay đổi thì không thể đổi mới CQĐT.
Ở khía cạnh khác, tiến sĩ Nguyễn Huyền Hạnh, Phó viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước (Bộ Nội vụ), cho rằng chức năng, nhiệm vụ của chính quyền đô thị hiện nay vẫn còn mang nặng dấu ấn của cơ chế tập trung, bao cấp. Chính quyền còn trực tiếp can thiệp vào nhiều việc của thị trường, của người dân; còn trực tiếp ôm đồm, quyết định nhiều công việc không phải đích thực là của chính quyền.
“Cơ chế làm việc tập thể kiểu ủy ban trong quản lý hành chính hiện nay là một trong những vấn đề bức xúc, đang làm hạn chế, suy giảm đáng kể năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước nói chung và CQĐT nói riêng”, bà Hạnh nói.
Tiến sĩ Nguyễn Huyền Hạnh, Phó viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước (Bộ Nội vụ). Ảnh: TẤN VIỆT |
Do đó, bà Hạnh đề xuất áp dụng chế định Thị trưởng (chế định thủ trưởng hành chính) thay cho chế định Ủy ban (chế định điều hành tập thể) trong quản lý hành chính ở các đô thị.
“Thực hiện chế độ bổ nhiệm người đứng đầu hành chính ở các đơn vị hành chính nội bộ (Quận trưởng, Phường trưởng) vì thực chất các cơ quan hành chính quận, phường chỉ có vai trò như là cánh tay nối dài của cơ quan hành chính TP, thị xã với chức năng thực thi một số nhiệm vụ cụ thể của quản lý, kiểm tra, kiểm soát và cung ứng một số dịch vụ hành chính trên địa bàn”, bà Hạnh nói.
Tác giả: TẤN VIỆT
Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM