Tin địa phương

Đà Nẵng đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống sốt xuất huyết

Bác sỹ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Đà Nẵng cho biết, từ đầu năm 2017 đến nay, toàn thành phố ghi nhận 3.575 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 1.619 trường hợp so với cùng kỳ năm 2016.

Riêng từ đầu tháng 7 đến nay, số trường hợp mắc sốt xuất huyết đã giảm đáng kể so với tháng 6/2017 nhưng vẫn ở mức cao, với trên 100 trường hợp mắc mỗi tuần. Địa phương có tỷ lệ người mắc sốt xuất huyết cao là các quận Thanh Khê, Liên Chiểu, Hải Châu...

Bác sỹ tại Trung tâm Y tế dự phòng quận Liên Chiểu thăm khám cho bệnh nhân đang điều trị bệnh sốt xuất huyết.

Theo bác sỹ Thạnh, thời tiết nắng mưa thất thường, xen kẽ các đợt nóng ẩm, mật độ dân số cao, biến động dân cư lớn đã tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn sinh sản và phát triển. Ngoài ra, đa số người dân còn xem nhẹ công tác diệt bọ gậy tại hộ gia đình, khu dân cư để phòng chống sốt xuất huyết. Nhiều hộ dân còn tư tưởng trông chờ vào việc phun hóa chất diệt muỗi.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh sốt xuất huyết, ngành y tế thành phố tăng cường giám sát các ca bệnh, lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm, kịp thời phát hiện bệnh.

Tại các điểm có người mắc sốt xuất huyết, ngành y tế thành phố Đà Nẵng đã khoanh vùng, tổ chức phun hóa chất diệt muỗi, tẩm màn, diệt lăng quăng, kiên quyết không để lây lan bùng phát thành dịch. Bên cạnh đó, ngành y tế phối hợp với các địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân tập trung vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, thu gom chai lọ, các vật dụng chứa nước, chủ động diệt lăng quăng...

Quận Liên Chiểu là một trong những địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất thành phố, từ đầu năm 2017 đến nay đã có 569 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 272 trường hợp so với cùng kỳ năm 2016. Bác sỹ Phạm Phú Điềm, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu cho biết, một số địa phương trên địa bàn quận còn chưa quyết liệt trong chỉ đạo xử lý các điểm tập kết phế liệu, cơ sở kinh doanh lốp ô tô cũ; tình trạng chứa và dự trữ nước trong các chum, vại vẫn tồn tại...

Tổ chức phun hóa chất diệt muỗi tại tổ 33, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu.

Đây chính là nguyên nhân gia tăng bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn. Từ đầu năm 2017 đến nay, trung tâm đã phối hợp với trạm y tế các phường xử lý 43 ổ dịch nhỏ. Trung tâm cũng đang tích cực phối hợp với Trạm y tế phường Hòa Khánh Bắc khoanh vùng, xử lý ổ dịch xuất sốt huyết nhỏ mới phát sinh tại tổ 33 và tổ 40.

Để chủ động phòng bệnh sốt xuất huyết, ngành y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: Ngủ màn, đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước có thể chứa bọ gậy tại bể nước ăn, giếng nước, chum, vại, bể nước nhà vệ sinh...để muỗi không vào đẻ trứng. Khi bệnh nhân bị sốt, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà, tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Tác giả: Đinh Văn Nhiều

Nguồn tin: Báo TTXVN

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP