Tin địa phương

Đà Nẵng đầu tư khu liên hợp xử lý chất thải rắn 1.000 tấn/ngày

Ngày 29/5, UBND TP. Đà Nẵng cùng Ngân hàng Phát triển châu Á (ABD) tổ chức hội thảo xúc tiến đầu tư dự án khu liên hợp xử lý chất thải rắn với công suất ban đầu tối thiểu là 1.000 tấn/ngày, nhằm giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của chất thải này tới môi trường.

Ảnh: VGP/Lưu Hương

Hội thảo thu hút sự tham gia của hơn 200 đại biểu là lãnh đạo các Bộ KH&ĐT, TN&MT, Xây dựng, cùng các nhà đầu tư, chuyên gia môi trường trong và ngoài nước.
Sở TN&MT Đà Nẵng cho biết, mỗi ngày Thành phố có từ 850-900 tấn chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý bằng hình thức chôn lấp tại bãi rác Khánh Sơn. Dự kiến, bãi rác Khánh Sơn sẽ đạt cao trình thiết kế vào năm 2020.

Quản lý chất thải rắn đang đặt ra nhiều thách thức cho Đà Nẵng do tỉ lệ phân loại, tái chế và tái sử dụng chất thải rắn sinh hoạt chưa cao, dẫn đến lãng phí tài nguyên rác thải, giảm tuổi thọ bãi rác, tăng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, tỉ lệ các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng, tham gia hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn hầu như không có, chỉ duy nhất Công ty cổ phần Môi trường đô thị Đà Nẵng.

Năm 2017, UBND TP. Đà Nẵng quyết định triển khai đầu tư dự án khu liên hợp xử lý chất thải rắn theo hình thức PPP. ADB là đơn vị tư vấn, chịu trách nhiệm lập báo cáo nghiên cứu khả thi, xây dựng hồ sơ dự thầu và tổ chức đấu thầu nhằm chọn ra nhà đầu tư đáp ứng được các yêu cầu và tiêu chuẩn xử lý chất thải rắn cho Thành phố.

Dự án có các mục tiêu chính là xây dựng một nhà máy xử lý chất thải rắn đô thị có tính bền vững, công suất ban đầu tối thiểu là 1.000 tấn/ngày với giải pháp, công nghệ xử lý phù hợp với địa phương nhằm giảm thiểu các ảnh hưởng tiêu cực của chất thải rắn đối với môi trường ở Đà Nẵng vào năm 2020.

Hiện Thành phố đang lựa chọn 2 địa điểm để triển khai dự án, gồm: Khu vực lân cận phía đông nam bãi rác Khánh Sơn (quận Liên Chiểu) và khu vực xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang).

Sản phẩm tái chế dầu từ rác thải nylon tại khu liên hợp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn. Ảnh: VGP/Lưu Hương

Tại hội thảo, lãnh đạo Đà Nẵng, ADB và các bộ, ngành Trung ương đã giải đáp nhiều thắc mắc của các nhà đầu tư như: Lộ trình phân loại rác tại nguồn, đầu ra cho sản phẩm sau khi tái chế rác, giải phóng mặt bằng thuộc về chính quyền hay nhà đầu tư, các hỗ trợ của Chính phủ, dự án có thể sử dụng công nghệ điện rác hay không, thuế đối với các doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực môi trường…

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho rằng: Áp lực bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế đòi hỏi Thành phố tìm kiếm những giải pháp căn cơ để xử lý chất thải rắn. Mục tiêu của Đà Nẵng là đầu tư xây dựng khu liên hợp xử lý chất thải rắn, khu xử lý tiên tiến, hiệu quả về kinh tế, an toàn, thân thiện với môi trường sống.

Theo định hướng quy hoạch xử lý chất thải rắn của Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉ lệ thu gom xử lý chất thải rắn sinh hoạt đạt 100%, trong đó 80% tái chế, tái sử dụng; chất thải rắn xây dựng 100%, trong đó 80% tái chế, tái sử dụng.

Phấn đấu đến năm 2050, 100% rác thải rắn được thu gom, xử lý, trong đó 95% được tái chế, tái sử dụng.

Tác giả: Lưu Hương

Nguồn tin: Báo Chính phủ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP