Tin địa phương

Đà Nẵng chuẩn bị nguồn nhân lực cho giai đoạn phát triển mới

Ngày 30/3, Thành ủy, UBND TP. Đà Nẵng đã tổ chức tọa đàm Liên kết phát triển nguồn nhân lực và đổi mới khoa học công nghệ, thu hút hơn 300 đại biểu đến từ Thành ủy, UBND TP, các sở ban ngành, các cơ sở đào tạo, các hiệp hội, nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tọa đàm Liên kết phát triển nguồn nhân lực và đổi mới khoa học công nghệ. Ảnh VGP/Thế Phong

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Võ Công Trí cho biết, Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2039, tầm nhìn 2045, trong đó xác định phát triển 3 trụ cột: Du lịch, công nghiệp công nghệ cao, kinh tế biển và chú trọng phát triển 5 lĩnh vực mũi nhọn; cho phép Đà Nẵng thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù theo thẩm quyền. Điều này sẽ tạo cơ hội, động lực phát triển Đà Nẵng theo hướng đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh, mang tầm quốc tế và có bản sắc riêng; phát triển kinh tế nhanh và bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Ông Võ Công Trí nhấn mạnh, với chiến lược phát triển đó, Thành phố xác định nguồn nhân lực là yếu tố then chốt được ưu tiên đầu tư phát triển nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh cho thành phố trong việc thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội. Với dân số hơn 1,2 triệu người, lực lượng lao động chiếm hơn 55% dân số, đa số trẻ, năng động, đây là nguồn nhân lực dồi dào cho thời kỳ phát triển mới của thành phố.

Tuy nhiên, theo ông Võ Công Trí, vẫn còn tồn tại rất nhiều khó khăn, bất cập trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực của TP. Đà Nẵng. Chất lượng nguồn nhân lực vẫn còn nhiều hạn chế; trong đó tỷ lệ lao động trong độ tuổi đã qua đào tạo còn thấp, thiếu hụt lao động có tay nghề cao, đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động và hội nhập.

Khoảng cách giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động ngày càng lớn, do đó doanh nghiệp phải tốn nhiều thời gian và nguồn lực để đào tạo lại. Đồng thời sự chuyển dịch mô hình, cơ cấu kinh tế khiến cho cung và cầu trong lao động thay đổi, trong khi các ngành đào tạo trong nhà trường chưa bắt kịp được xu thế sử dụng lao động của doanh nghiệp.

Ngoài ra, hệ thống thông tin thị trường lao động chưa phản ánh khách quan, kịp thời, chưa dự báo được các biến động của thị trường lao động. “Sợi dây” liên kết giữa doanh nghiệp và các trường đại học, cơ sở nghiên cứu chưa chặt chẽ; do đó, tính ứng dụng của nhiều nghiên cứu khoa học chưa cao, chưa được doanh nghiệp biết đến hoặc ứng dụng.

Ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Đà Nẵng cho biết, với định hướng phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; với vốn đầu tư tăng hàng năm dự báo (bình quân 40.000 – 50.000 tỷ/năm) thì nhu cầu lao động tăng thêm đến năm 2025 hơn 250.000 lao động và đến năm 2030 là 450.000 lao động.

Trong đó, nhóm ngành dịch vụ đến năm 2025 tăng hơn 160.000 lao động (riêng ngành dịch vụ du lịch tăng khoảng 40.000 lao động) và đến năm 2030 tăng 330.000 lao động (riêng ngành dịch vụ du lịch có thể đạt tăng 70.000 lao động); nhóm ngành Công nghiệp – xây dựng đến năm 2025 tăng khoảng 67.000 lao động (riêng ngành CNTT tăng khoảng 22.000 lao động), đến năm 2030 tăng khoảng 130.000 lao động.

Chia sẻ tại tọa đàm, đại diện cộng đồng doanh nghiệp cho biết, nguồn lao động tại Đà Nẵng dồi dào nhưng thiếu nhân lực về quản lý điều hành, chuyên gia cao cấp. Nhân lực trong lĩnh vực du lịch, CNTT còn thiếu lao động có tay nghề cao; các ngành công nghệ cao thành phố đang kêu gọi đầu tư có nhiều ngành mới dẫn đến khó khăn trong tuyển dụng của nhà đầu tư. Thêm vào đó, gần đây rất nhiều nhân lực Việt Nam có trình độ đi ra nước ngoài làm việc, đây là những trở ngại lớn.

Đại diện Công ty Sản xuất linh kiện hàng không UAC (Mỹ) cũng chia sẻ nhu cầu tuyển dụng lao động cho nhà máy tại TP. Đà Nẵng trong thời gian tới. Theo đó, đến năm 2022, Công ty này sẽ tuyển dụng hơn 1.800 người, đến năm 2025 tuyển dụng 4.000 người có trình độ về khoa học, kỹ thuật, toán...

Lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng cho biết, tọa đàm liên kết phát triển nguồn nhân lực là dịp để Thành phố có cái nhìn rõ hơn về thực trạng và khả năng cung ứng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu đầu tư và phát triển thành phố. Đây cũng là cơ hội để gặp gỡ, kết nối chính quyền, các nhà đầu tư, doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo về nhu cầu nhân lực.

Thời gian tới, Đà Nẵng sẽ xây dựng và triển khai chương trình phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng các yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn của thành phố. Thành phố cũng sẽ rà soát, hoàn thiện các chính sách nhập cư bảo đảm hài hòa, nhân văn; nâng cao chất lượng đào tạo của các trường đại học đạt chuẩn quốc tế; thực hiện liên thông, minh bạch về thị trường lao động./.

Tác giả: Thế Phong

Nguồn tin: Báo Chính phủ

  Từ khóa: nguồn lực , Đà Nẵng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP