Sử dụng tên dự án không đúng để rao bán
Ngày 18/5, ông Trần Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng đã có yêu cầu chấn chỉnh việc sử dụng tên dự án, tên các khu vực trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn.
Theo đó, thời gian qua, một số chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở sử dụng tên dự án, tên các khu vực trong dự án không đúng tên đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định (sử dụng tên bằng tiếng nước ngoài, tên có nội dung phân hạng nhà ở,…) để thực hiện quảng cáo, rao bán bất động sản; không đảm bảo quy định pháp luật về tên dự án, tên các khu vực trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở.
Ông Trần Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng. |
Để chấn chỉnh, khắc phục tình trạng này, Sở Xây dựng yêu cầu các chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở sử dụng đúng tên dự án, tên các khu vực trong dự án đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định trong cả quá trình đầu tư xây dựng và quản lý, sử dụng sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng.
Đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa và Thể thao thường xuyên kiểm tra, xử lý các hành vi đăng tải thông tin, quảng cáo, rao vặt sử dụng tên dự án, tên các khu vực trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở không đúng tên đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định.
Đồng thời, Sở Xây dựng còn đề nghị UBND các quận, huyện thường xuyên kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về sử dụng tên dự án, tên các khu vực trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở theo đúng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 63 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ.
Đừng để “tiền mất tật mang”
Luật sư Phạm Ngọc Hải, Đoàn luật sư thành phố Đà Nẵng thông tin, theo quy định tại khoản 3 Điều 19 Luật Nhà ở năm 2014, dự án đầu tư xây dựng nhà ở, các khu vực trong dự án phải được đặt tên bằng tiếng Việt.
Trường hợp chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại có nhu cầu đặt tên dự án bằng tiếng nước ngoài thì phải viết tên đầy đủ bằng tiếng Việt trước, viết tiếng nước ngoài sau.
Tên dự án, tên các khu vực trong dự án phải được cơ quan có thẩm quyền quyết định, được sử dụng trong cả quá trình đầu tư xây dựng và quản lý, sử dụng sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng.
Một góc thành phố Đà Nẵng nhìn từ trên cao. |
Ngoài ra, theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 63 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ, phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với một trong các hành vi đặt tên hoặc điều chỉnh tên dự án đầu tư xây dựng nhà ở hoặc tên các khu vực trong dự án không đúng quy định hoặc chưa được cơ quan có thẩm quyền quyết định.
Theo một số chuyên gia về bất động sản, hiện nay, không nhiều người tìm mua nhà, đất tìm hiểu kỹ về tính pháp lý của sản phẩm mình định mua. Việc tìm hiểu kỹ các thông tin như chủ trương đầu tư, giấy phép xây dựng, diện tích sử dụng thực tế… là hết sức quan trọng.
Không ít chủ đầu tư, sàn bất động sản, môi giới vì muốn bán hàng nhanh mà tư vấn, quảng cáo quá đà, thậm chí sai sự thật. Khi bán được hàng rồi thì họ rũ bỏ trách nhiệm, để lại sự bức xúc cho người mua.
Trong các trường hợp, khách hàng là người chịu thiệt thòi vì sau khi bán được sản phẩm thì bên bán thường xóa sạch quảng cáo, cho nên rất khó có bằng chứng để tố cáo. Do đó, một trong những vấn đề quan trọng khi "xuống tiền" là cần tìm hiểu tính pháp lý của dự án, để tránh trường hợp "tiền mất tật mang".
Tác giả: Nguyễn Duy Cường
Nguồn tin: nguoiduatin.vn