Kinh tế

Đà Nẵng bứt phá 2021: Liên ngành gỡ vướng

Những tín hiệu lạc quan từ đầu năm 2021 mở ra nhiều cơ hội cho TP.Đà Nẵng bứt phá, tuy nhiên TP cũng cần nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc, đặc biệt là về đất đai để tận dụng tốt thời cơ.

Đà Nẵng đang tích cực tháo gỡ vướng mắc để đón thêm nhiều làn sóng đầu tư.ẢNH: NGUYỄN TÚ

Từ tháng 2, UBND TP.Đà Nẵng đã thành lập Tổ công tác liên ngành tháo gỡ các vướng mắc đất đai, quy hoạch, tài chính… đối với các dự án, khu đất. Tổ công tác do Phó chủ tịch UBND TP Lê Quang Nam làm tổ trưởng, lãnh đạo Sở TN-MT là tổ phó thường trực cùng nhiều đại diện thành viên (lãnh đạo Văn phòng UBND TP, Thanh tra TP, Sở Tài chính, Sở KH-ĐT, Sở Xây dựng, Sở Tư pháp…).

Hài hòa lợi ích

Qua 5 phiên làm việc, tổ công tác đã hoàn chỉnh quy trình, kế hoạch 6 tháng đến, phân nhóm vấn đề khó khăn, tiếp cận lần lượt dự án, bổ sung hoàn chỉnh một số dự án để TP giải quyết. Đồng thời, chuẩn bị các nội dung vướng mắc để làm việc với bộ ngành trung ương, mạnh dạn đề xuất điều chỉnh một số nội dung.

Khuyến nghị “thận trọng đầu tư”

Sau gần 2 năm giá bất động sản điều chỉnh sâu đến 30%, từ cuối năm 2020 đến nay giá một số nơi ở Q.Cẩm Lệ, Q.Ngũ Hành Sơn được nhiều môi giới rỉ tai với khách hàng rằng đã tăng giá 100 - 150 triệu đồng/lô (trung bình 100 m2/lô). Tuy nhiên, tâm lý nhiều khách hàng vẫn còn dè dặt bởi giá chỉ tăng cục bộ (khu vực tập trung đông đội ngũ môi giới). Ông Nguyễn Hà Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và phát triển địa ốc Trung Tín, nêu ý kiến: “Không nên can thiệp bằng chiêu trò mà cần để thị trường tự điều chỉnh, cùng với các chính sách điều tiết hỗ trợ của Nhà nước để thị trường phát triển lành mạnh, trả lại giá trị thực của bất động sản”. Ông Văn Tuấn Huy, Giám đốc đầu tư Công ty CP Đầu tư bất động sản Dana Real, cũng cho rằng bên cạnh yếu tố pháp lý, nhà đầu tư vẫn nên cân nhắc mức giá và tiềm năng, lợi thế để chọn phương án đầu tư trung - dài hạn hay “lướt sóng”.

Năm 2020, Đà Nẵng thu ngân sách từ đất vượt 136%, trong đó phần lớn nhờ thu từ tháo gỡ các vướng mắc đất đai cũ, nhà đầu tư đồng thuận nộp nghĩa vụ tài chính phát sinh của dự án. Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN-MT, cho biết đối với một số dự án cũ vướng do vận dụng quy định pháp luật không phù hợp (như đất thương mại dịch vụ thời hạn sử dụng lâu dài, giao đất không đấu giá, trước đây xác định nghĩa vụ tài chính chưa đúng…) thì đề nghị nhà đầu tư nộp bổ sung. “TP.Đà Nẵng tháo gỡ vướng mắc trên quan điểm không gây thất thoát nguồn thu cho ngân sách, hài hòa lợi ích nhà đầu tư, chính quyền, phù hợp với quy định pháp luật thực tiễn của địa phương trước đây”, ông Hùng chia sẻ.

Ngoài ra, TP.Đà Nẵng cũng có nhiều giải pháp khác giải phóng nguồn lực đất đai, thu hút các dự án mới, như sẵn sàng 185 lô đất đã giải phóng mặt bằng quy mô hơn 100 ha sẵn sàng đấu giá kêu gọi đầu tư trong giai đoạn 2021-2026, đang hoàn thiện trên Cổng thông tin đất đai phần mềm giới thiệu quỹ đất công khai thông tin. Dự kiến trong tháng 4, TP.Đà Nẵng sẽ công bố thông tin rộng rãi đến các nhà đầu tư. Thời điểm này, với TP.Đà Nẵng đang là thời cơ để đón nhận sự tìm đến và quay lại của các nhà đầu tư tiềm năng. Do đó, TP chủ động giải quyết các thủ tục hành chính, cách xử lý công việc theo hướng tinh gọn, hiệu quả, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hay triển khai song song các quy trình…, cùng với việc tập trung tháo gỡ vướng mắc của các dự án trước đây để nhà đầu tư sớm triển khai các bước tiếp theo của dự án. Đơn cử, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường rút ngắn còn 35 ngày (trước đây 75 ngày), thẩm định nhu cầu sử dụng đất còn 10 ngày (trước đây 45-50 ngày) và rút ngắn các thủ tục khác.

Phản hồi từ các nhà đầu tư trong quãng thời gian gần đây rất tích cực, khi Đà Nẵng đứng trước cơ hội mới khi chính thức phê duyệt điều chỉnh quy hoạch. Sự tiếp cận một cách “rất quyết liệt” các vấn đề liên quan đến thu hút đầu tư của các sở ngành cũng tạo niềm tin lớn cho đối tác.

Tác giả: Nguyễn Tú

Nguồn tin: Báo Thanh niên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP